Giáo viên ngoài công lập ngóng chờ gói hỗ trợ Covid-19

GD&TĐ - Việc chi hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở TP Cần Thơ đang chậm. Hiện, còn hơn 30.000 người vướng thủ tục nên chưa nhận được hỗ trợ. Trong đó, có không ít là chủ cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập, giáo viên, nhân viên.

Trao tiền hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn do dịch Covid-19 quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Trao tiền hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn do dịch Covid-19 quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Còn hơn 30.000 người chưa nhận hỗ trợ  

Theo Sở LĐ,TB&XH TP Cần Thơ, hiện đã chi hỗ trợ cho nhóm 5, 6, 7 với kinh phí trên 94 tỷ đồng (đạt 100%). Chi hỗ trợ 30 hộ kinh doanh cá thể (thuộc nhóm 3 - hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4) với kinh phí 30 triệu đồng.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Cần Thơ, đối với nhóm 5 (người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng) là 4.535 người. UBND thành phố đã phê duyệt danh sách và kinh phí. 9/9 quận, huyện đã chi hỗ trợ 4.535 người, kinh phí 6 tỷ 800 triệu đồng. Nhóm 6 (đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng) với 35.867 người. 9/9 quận, huyện đã chi hỗ trợ 35.867 người, kinh phí 53 tỷ 772 triệu đồng. Nhóm 7 (hộ nghèo, cận nghèo), 9/9 quận, huyện đã chi hỗ trợ 45.264 người, kinh phí gần 34 tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, quá trình triển khai còn gặp khó khăn, tiến độ chi hỗ trợ cho nhóm 1, 3, 4 còn chậm. Trong đó, nhóm 1 có tổng số 441 người, dự kiến kinh phí 793,8 triệu đồng. Nhóm 3 có tổng cộng 118 hộ (đã chi hỗ trợ 30 hộ thuộc huyện Thới Lai), dự kiến kinh phí là 118 triệu đồng. Nhóm 4 là 29.959 người, với tổng kinh phí dự kiến là 29 tỷ 959 triệu đồng. Riêng nhóm người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động, đến nay chưa nhận được hồ sơ đề nghị. 

Theo Sở LĐ,TB&XH TP Cần Thơ, nguyên nhân chậm chi hỗ trợ nhóm 1, 3 và 4 cán bộ các chưa chủ động. Công tác tuyên truyền làm không tốt. Việc xác minh tiêu chí không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo không được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ khó thực hiện. Số lao động tự do nhiều, dễ dẫn đến sai sót. Thời gian điều chỉnh các sai sót khá dài. Việc điều chỉnh sai sót của quận, huyện không dứt điểm. Văn phòng UBND thành phố gửi hồ sơ chưa đồng bộ…

Nhiều giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập ở Cần Thơ ngóng chờ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Nhiều giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập ở Cần Thơ ngóng chờ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. 

Nhà trường, giáo viên ngoài công lập tiếp tục ngóng chờ!

Trong số hàng chục nghìn người chưa nhận được hỗ trợ, có không ít là chủ cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập và giáo viên, nhân viên. Trong thời gian nghỉ phòng dịch hơn 3 tháng, các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học ngoài công lập không có nguồn học phí nên cả chủ trường và giáo viên, nhân viên rơi vào cảnh lao đao. Đến khi có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, ai cũng hồ hởi làm thủ tục nhưng kết quả không như mong đợi. Đến nay, nhiều giáo viên, nhân viên nhóm trẻ tư thục, trường mầm non, tiểu học ngoài công lập vẫn chờ và chưa được nhận hỗ trợ. 

Theo thống kê trên địa bàn quận Bình Thủy có 35 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Do dịch, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên là 575 người. Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy có văn bản cầu cứu cơ quan chức năng trước khó khăn của hàng trăm giáo viên, nhân viên. Các giáo viên, nhân viên cũng làm mấy lượt hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. 

“Các trường học và giáo viên, nhân viên đã làm đủ thủ tục gửi cơ quan chức năng để xem xét. Đến nay, giáo viên, nhân viên, nhóm trẻ, trường ngoài công lập chưa ai nhận được hỗ trợ”, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết.

Tại quận Ninh Kiều, nơi có 21 trường ngoài công lập và 28 nhóm trẻ cũng đang ngóng chờ gói hỗ trợ. Đa số các trường, nhóm trẻ ở quận trung tâm này đều thuê mặt bằng giá cao, thời gian nghỉ hơn 3 tháng phải gánh chi phí rất nhiều. Nhiều trường và giáo viên cũng mấy lượt nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. 

“Đến nay, chủ trường cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên của hàng chục nhóm trẻ, trường ngoài công lập trên địa bàn quận vẫn chưa nhận được hỗ trợ”, bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết.  

Trước tình trạng chi hỗ trợ bị chậm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đề nghị các địa phương kịp thời rà soát, tránh bỏ sót. Thời gian tới phải đẩy nhanh tiến độ, không kéo dài việc chi hỗ trợ. Hồ sơ nào xong trình lên để phê duyệt ngay. Hồ sơ nào chưa xác minh thì các đơn vị khẩn trương hoàn thiện. Các địa phương trong quá trình chỉ đạo lập danh sách, kiểm tra, xác minh, thẩm định hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt cần kiểm tra thật kỹ và hoàn toàn chịu trách nhiệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...