Trường ngoài công lập gặp khó
Ông Nguyễn Quốc Cương – Giám đốc Công ty TNHH TraTech, cho biết: Hiện nay, công ty có hai ngôi trường, gồm: Mầm non Thanh Xuân Nam và Mầm non Thanh Xuân Bắc (đều đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa). Số lượng giáo viên của hai ngôi trường này có hơn 100 người. Trong đợt nghỉ giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 vừa qua, nhà trường phải đóng cửa, giáo viên nghỉ việc. Do đó, để hỗ trợ cho giáo viên vượt qua giai đoạn khó khăn, công ty đã hỗ trợ cho mỗi người từ khoảng 60% - 70% lương hàng tháng.
"Việc cống hiến cho ngành Giáo dục của giáo viên ngoài công lập và trong công lập là như nhau. Họ đều là những người dạy học, đều phải cống hiến sức lực và trí tuệ như nhau. Thế nhưng, khi gặp thiên tai, dịch họa thì người giáo viên của trường công lập được ổn định. Còn giáo viên dạy các trường ngoài công lập rất thiệt thòi, vì chủ đầu tư hỗ trợ được bao nhiêu, biết bấy nhiêu. Do đó, trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhiều người phải tạm chuyển sang công việc khác để mưu sinh", ông Cương nói.
Theo ông Cương, Công ty TNHH TraTech cũng đã lập danh sách số lượng giáo viên, người lao động ở hai ngôi trường nêu trên, gửi lên ngành chức năng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hơn 100 giáo viên, nhân viên, người lao động của hai trường vẫn chưa "chạm" tới gói hỗ trợ 62.000 tỷđồng của Chính phủ.
Còn ông Lê Văn Quyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết: Công ty của ông được phép đầu tư, xây dựng hệ thống Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa, Trường Mầm non Búp Sen Xanh và Trường Liên cấp QTH. Tổng số giáo viên giảng dạy của hệ thống trường học này có 130 người.
Theo ông Quyền, ngoài nguồn thu từ học phí, đơn vị không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Từ khi bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hệ thống trường học của đơn vị phải đóng cửa trong vòng 3 tháng. Vì thế, công ty này đang phải đi vay ngân hàng để đóng bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ phụ cấp theo quy định của Luật Lao động cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. "Chúng tôi cũng đã làm báo cáo và đề xuất với phòng GD&ĐT thành phố, UBND thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét có hướng hỗ trợ, để giúp nhà trường giải quyết khó khăn trong thời gian học sinh tạm nghỉ học", ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, trong thời gian tạm nghỉ học, người lao động không có thu nhập, chủ doanh nghiệp cũng không có thu nhập. Thế nhưng hiện nay, đơn vị này vẫn phải đóng tiền bảo hiểm trong thời gian giãn cách xã hội cho toàn bộ giáo viên là 500 triệu đồng. "Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Hiện, chúng tôi đang phải đi vay ngân hàng để đóng bảo hiểm xã hội và chi trả chế độ phụ cấp theo quy dịnh của Luật Lao động cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Doanh nghiệp chúng tôi đang thực sự rất khó khăn, nên rất mong muốn được tiếp cận được với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, để hỗ trợ cho người lao động", ông Quyền chia sẻ.
Chờ Hội đồng nhân dân quyết định
Ngày 11/6 vừa qua, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tỉnh ký công văn số 165/BCS – UBND gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về việc: "Xin ý kiến về việc trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh".
Tờ trình nêu: Từ ngày 3/2/2020, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, chủ đầu tư các trường mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) ngoài công lập không có nguồn thu, để chi trả tiền lương và các khoản đóng góp theo lương cho người lao động trong thời gian học sinh nghỉ học. Để giảm bớt khó khăn cho chủ đầu tư các trường mầm non và cơ sở GDPT ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ.
Theo đó, chính sách hỗ trợ chủ đầu tư các trường mầm non và cơ sở GDPT ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn cho giáo viên.
Theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, sẽ hỗ trợ theo mức như sau: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho chủ đầu tư, để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, là: 500.000 đồng/người/tháng. Tương đương mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng và hỗ trợ 1 lần.
"Trên địa bàn tỉnh này có 41 trường học ngoài công lập, với 60 cán bộ quản lý, 1.140 nhà giáo và 413 nhân viên, người lao động. Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng đã làm báo cáo gửi Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam về tình hình khó khăn của giáo viên các trường ngoài công lập do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng đã đề nghị các ngành, các cấp có hướng hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động của các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các giáo viên ở trường ngoài tư thục vẫn đang phải... chờ đợi". - Ông Phạm Bá Nam – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa