Giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù?

GD&TĐ - Nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè, liệu có được nghỉ bù về sau? Đó là thắc mắc của không ít giáo viên hiện nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, cô Trần Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Mầm non B Ngũ Lão (Thanh Trì – Hà Nội) cho biết, việc cho GV nghỉ bù sẽ phụ thuộc vào thời gian phù hợp, có thể nghỉ bù luôn hoặc có thể bố trí nghỉ cho GV nghỉ rải rác trong năm học.

“GV được quyền nghỉ bù theo quy định. Tuy nhiên, nhà trường sẽ xem xét thời gian nào cho hợp lý”- cô Yến nói.

Theo thầy Hà Thái Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô – Vĩnh Phúc), 2 tháng nghỉ hè của GV được tính là thời gian nghỉ hàng năm. Thời gian này, GV không phải đi làm nhưng vẫn được hưởng nguyên lương.

Trường hợp nghỉ thai sản trùng với 2 tháng nghỉ hè, thì có thể đề nghị nhà trường bố trí cho nghỉ phép trước khi nghỉ thai sản hoặc lùi thời gian nghỉ phép sau khi nghỉ thai sản.

“GV có thể đề nghị trường bố trí cho nghỉ phép trước khi nghỉ chế độ thai sản hoặc lùi thời gian nghỉ sau khi nghỉ thai sản. Hoặc nếu không sắp xếp được lịch cho GV nghỉ phép, nhà trường sẽ có hỗ trợ tiền bồi thường.

Mức chi hỗ trợ được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Thời gian chi trả được thực hiện một lần trong năm và được quyết toán vào niên độ ngân sách hàng năm”- thầy Bình chia sẻ.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Hiện, Hà Nội thực hiện đúng theo hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). 

Theo đó, GV nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hàng năm theo quy định hoặc thanh toán tiền nghỉ hàng năm (do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên) theo quy định của Bộ luật lao động.

Theo công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017 của Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gửi các Sở GD&ĐT: Việc giải quyết chế độ thai sản đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định hiện hành…

Thời gian nghỉ hè của GV bao gồm cả thời gian nghỉ hàng năm là 8 tuần đối với GV mầm non (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT) và 2 tháng đối với GV phổ thông (Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT. Thời gian này GV được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Do đó, trường hợp GV nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật Lao động 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...