Giáo viên mầm non mong giảm tuổi hưu

GD&TĐ - Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình để đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035.

Cô Lê Thị Thanh Tâm và trẻ Trường Mầm non Hướng Dương trong tiết mục biểu diễn văn nghệ.
Cô Lê Thị Thanh Tâm và trẻ Trường Mầm non Hướng Dương trong tiết mục biểu diễn văn nghệ.

Tuy nhiên, giáo viên mầm non với công việc mang đặc thù riêng, nếu nghỉ hưu ở tuổi trên, vô hình trung sẽ “lợi bất cập hại”, có thể gây ra hệ lụy không đáng có.

Hạn chế trong chăm sóc, giáo dục

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Chu Thị Kim, Trường Mầm non 19/5 (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) cho biết, giáo viên mầm non ngoài độ tuổi 55 năng lượng tích cực hạn chế, giọng nói không còn truyền cảm, sức khỏe yếu, giảm khả năng thu hút trẻ trong các hoạt động: Múa, hát, đọc thơ, kể chuyện, tổ chức sự kiện.

Ở độ tuổi cao, giáo viên cũng không có nhiều khả năng sáng tạo trong soạn giảng, ứng dụng CNTT; việc tiếp cận các phương pháp giáo dục mới hạn chế. Đặc biệt, khả năng vận động tinh không còn linh hoạt, khéo léo khi hướng dẫn trẻ các hoạt động. Ví dụ, mắt kém sẽ khó khăn khi hướng dẫn trẻ tô, viết đúng li, dòng… Những hạn chế trên ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Từ thực tế bản thân và nhiều năm làm giáo viên mầm non, cô Đỗ Kim Phượng, Trường Mầm non Hoa Hồng 2 (Bình Minh, Vĩnh Long) chia sẻ: Đặc thù của trẻ mầm non là làm theo gợi ý, hướng dẫn của người lớn. Nếu người làm mẫu không chuẩn xác sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Về sắc vóc, giáo viên lớn tuổi không thu hút được trẻ và hạn chế tham gia các phong trào của ngành. “Tuy gặp những khó khăn đó, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để phụ huynh yên tâm, bảo đảm an toàn cho trẻ về mọi mặt”, cô Đỗ Kim Phượng chia sẻ.

Cô Lê Thị Loan, Trường Mầm non Thụy Tân (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng: Giáo viên mầm non lớn tuổi không thua kém giáo viên trẻ về sự năng động, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào chung của trường, ngành. Nhưng khi làm nhiệm vụ, họ gặp một số hạn chế nhất định.

“Giáo viên mầm non không phải chỉ đến trường trông trẻ. Một ngày ở trường, trẻ được học, chơi, khám phá, trải nghiệm cùng những yêu cầu đổi mới từng ngày của ngành. Giáo viên trẻ đáp ứng tốt hơn những điều đó, nên việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non là phù hợp với đặc thù của giáo dục mầm non”, cô Lê Thị Loan cho hay.

Cô Đỗ Kim Phượng và trẻ Trường Mầm non Hoa Hồng 2 trong giờ học.

Cô Đỗ Kim Phượng và trẻ Trường Mầm non Hoa Hồng 2 trong giờ học.

Đồng cảm với giáo viên mầm non

Là cán bộ quản lý giáo dục ở khu vực vùng sâu xa, xã đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), cô Hồ Thủy Và, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Vân nhận định, Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định là phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Lý do, giáo viên mầm non đóng 2 vai trò: Dạy và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Người lớn tuổi không đáp ứng được với nhu cầu hiếu động, sự phát triển về trí tuệ, thể chất, cảm xúc, vận động và hình thành nhân cách một cách toàn diện cho trẻ. Bởi thực tế, nhiều giáo viên lớn tuổi có thể cáng đáng, cố gắng thực hiện tốt vai trò người chăm sóc còn dạy trẻ rất khó khăn.

Theo đó, trước hết là khó khăn trong tiếp nhận Chương trình giáo dục mầm non. Chương trình Bộ GD&ĐT ban hành là chương trình khung. Nhà trường căn cứ vào đó để xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và với trẻ tại nhóm, lớp. Giáo viên lớn tuổi sẽ gặp hạn chế trong xây dựng kế hoạch giáo dục, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Thêm nữa, áp lực làm việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc 1 ngày hơn 8 giờ; không chỉ dạy mà còn chăm sóc trẻ ăn, ngủ, vệ sinh… Do đó, thầy cô lớn tuổi khó bảo đảm sức khỏe, sự năng động, nhanh nhẹn để hướng dẫn trẻ hoạt động hiệu quả, làm ức chế sự hiếu động và phát triển, vì giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non “chơi bằng học, học bằng chơi” là hoạt động chủ đạo.

“Từ thực trạng đó, tôi hy vọng các cấp, ngành, cũng như toàn xã hội quan tâm, thấu hiểu đối với giáo viên mầm non. Nên thay đổi quy định tuổi về hưu cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ là 50 tuổi. Giáo viên mầm non công tác tại các đơn vị đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa, tuổi hưu thậm chí cần giảm hơn. Riêng cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo quy định chung”, cô Hồ Thủy Và kiến nghị.

Cô Lê Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non Hướng Dương (Tam Bình, Vĩnh Long) cũng đồng tình với đề xuất giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non. Cô Tâm cho rằng, tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, giáo viên không còn nhanh nhẹn để bảo đảm các thao tác chuyên môn: Múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy,... đặc biệt không bảo đảm được an toàn cho mọi trẻ ở lớp, trường. Việc thích nghi cái mới, sáng tạo, linh hoạt với thay đổi cũng giảm nhiều; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn…

Ngày ngày đến trường được gặp và nghe tiếng gọi “cô ơi!” từ trẻ là niềm hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên giáo viên mầm non lớn tuổi nghe gọi “bà ơi!”… sẽ không khỏi chạnh lòng. Trẻ mầm non luôn yêu thích sự tươi vui, linh hoạt, năng động… khi lớn tuổi, giáo viên không còn sức “thu hút” với trẻ, từ đó kết quả nuôi dạy không như mong đợi. Với lớp sĩ số đông, trẻ hiếu động, giáo viên lớn tuổi sẽ không tạo được sự yên tâm, tin tưởng với phụ huynh khi gửi con em. - Cô Lê Thị Thanh Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.