Đồng thời, chính sách này sẽ giúp giáo viên trẻ, sinh viên mới ra trường có cơ hội việc làm, phát triển năng lực, cống hiến hiệu quả cho người và nghề.
Không lãng phí lao động trẻ
Hồ Thị Sương - sinh viên ngành Sư phạm Mầm non, Trường ĐH Hà Tĩnh - chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, biên chế tuyển dụng lại hạn chế. Vì vậy, đề xuất độ tuổi nghỉ hưu ở giáo viên mầm non của Bộ GD&ĐT rất hợp lý”.
Sương cho biết thêm: “Dù tình trạng thiếu giáo viên diễn ra khá “nóng” nhưng em và các bạn rất lo lắng sau khi ra trường khó xin việc làm. Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp, không có cơ hội làm việc đúng nghề đã chuyển sang trái nghề để mưu sinh, kiếm sống. Sau thời gian đã ổn định với nghề khác, dù có đợt tuyển dụng họ cũng không còn mặn mà trở lại nghề mình đã được đào tạo bài bản bởi mức lương thấp, vất vả và quan trọng một phần nhiệt huyết, kiến thức đã mai một do thời gian dài không ứng dụng”.
Với kinh nghiệm gần 23 năm cống hiến cho nghề, cô Bùi Thị Hương – giáo viên mầm non tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) - trao đổi: “Chúng tôi không đơn thuần chỉ giảng dạy kỹ năng, kiến thức cho trẻ, mà còn có nhiệm vụ chăm sóc. Do đó, khi độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên càng cao thì mức độ thu hút trẻ, tạo các hoạt động trong lớp càng hạn chế.
Mặt khác, chương trình giảng dạy bậc mầm non đòi hỏi ngày một cao, giáo viên không thể mãi thiết kế bài giảng, làm đồ dùng phục vụ giảng dạy một cách thủ công, truyền thống mà phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; xây dựng các video hướng dẫn phụ huynh trong quá trình trẻ ở nhà… Những công việc này sẽ phù hợp hơn rất nhiều với giáo viên trẻ, khỏe, được đào tạo bài bản so với giáo viên lớn tuổi, hạn chế sức khỏe, chậm và ngại cập nhật công nghệ”.
Cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (Hà Nội) - nói: “Đối với giáo viên mầm non nếu vẫn duy trì quy định 60 tuổi nghỉ hưu thực sự quá vất vả bởi các cô đã đi làm thì phải thực hiện nghiêm các quy định giảng dạy. Trong khi nhiều cô giáo tuổi cao khó tránh được tâm lý nản, kéo theo chất lượng giảng dạy ảnh hưởng. Mặt khác, tâm lý nhiều phụ huynh muốn con học cô giáo trẻ, năng động, chuyên môn đào tạo bài bản, nhiệt huyết, tạo hứng thú cho trẻ tới lớp...”.
Cô Hương trao đổi thêm: Nhiều trường vì thiếu giáo viên trẻ bổ sung nên không thể mở thêm lớp trong khi nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ lên cao. Bất cân đối trong nhu cầu gửi trẻ và tuyển dụng giáo viên dẫn tới các trường mầm non không đáp ứng hết, nhóm trẻ tự phát nở rộ. Nhóm lớp tự phát có yêu cầu về chuyên môn, kỷ luật, nghiệp vụ sư phạm không cao dẫn tới dễ xảy ra sự cố không mong muốn cho trẻ.
Cô Dương Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Ấm (Tuyên Quang) - chia sẻ: “Khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non sớm 5 năm, nhà trường trao đổi, hỏi ý kiến giáo viên và nhận được sự đồng thuận cao. Trẻ mầm non có nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục đòi hỏi thể lực, nhanh nhạy của giáo viên trẻ, nhưng nếu giáo viên ở độ tuổi từ 55 trở lên sức khỏe giảm, ngày làm việc hơn 10 giờ thì ít giáo viên đáp ứng được”.
Cô Mai phân tích thêm, giáo viên mầm mon càng lớn tuổi càng khó năng động, sáng tạo thu hút trẻ, hứng thú tiết học vì thế giảm; Việc tự bồi dưỡng, tiếp thu chuyên môn, nghiên cứu đổi mới giảng dạy cũng không bằng giáo viên trẻ. Với sự phù hợp cao, đề xuất sẽ giúp giáo viên trẻ, mới ra trường có cơ hội sớm tham gia vào nghề, phát triển khả năng; có biên chế để yên tâm giảng dạy, cống hiến; Hơn thế, không lãng phí nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo bài bản; tránh tình trạng giáo viên trẻ chuyển trái ngành nghề vì khó tìm việc làm sau khi ra trường.
Một tiết học của trẻ Trường Mầm non Tân Mai (TP. Hà Nội). Ảnh Ngô Chuyên |
Tận dụng sức trẻ để cống hiến
Cô Nguyễn Bích Ngọc đề xuất đối với giáo viên mầm non nên xem xét có thêm những chế độ đãi ngộ nhằm thu hút giáo viên trẻ gắn bó và yên tâm công tác.
Cô Ngọc nói: “Hiện tại, để tuyển dụng giáo viên mầm non cực khó, một trong những lý do chính là lương thấp, vất vả, áp lực. Nhiều giáo viên trẻ làm việc thời gian chưa lâu lại xin nghỉ. Đơn cử, giáo viên hợp đồng lương theo quy định vùng (trừ bảo hiểm) mỗi tháng nhận 4,4 triệu đồng.
Trong khi đó, các cô làm việc mỗi ngày ít nhất 10 giờ, chưa kể những hôm phụ huynh bận phải ở lại với trẻ; thậm chí một số trường hợp phụ huynh quên đón con, gọi điện thoại không bắt máy, giáo viên phải ở lại trường chờ phụ huynh đón mới được về. Khi giáo viên trẻ được vào biên chế… thì ít nhiều sẽ tăng thêm động lực, được động viên, khuyến khích để yên tâm gắn bó lâu dài với nghề, bù lại những vất vả nghề nghiệp…”.
Theo quan điểm của bà Lã Hải Yến – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập (Lạng Sơn): “Với giáo viên mầm non, đề xuất nghỉ sớm 5 năm rất giá trị. Từ thực tế huyện miền núi, nhiều xã vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn, để trẻ đến lớp đúng độ tuổi, tỉ lệ chuyên cần cao… trường phải lập các điểm lẻ. Do điểm trường xa, cách nhà hàng chục km, nhiều cô để hoàn thành công việc không cách nào khác là cắm bản, ở lại trường, cuối tuần mới về gia đình. Thanh xuân của các cô hi sinh, cống hiến cho trẻ tại địa phương còn con cái lại sống xa mẹ đầy thiệt thòi…”.
Theo bà Yến, đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 57 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ sẽ giúp các cô giáo cắm bản, công tác ở những nơi điều kiện cơ sở vật chất khó khăn có thể bù đắp khoảng thời gian sống xa gia đình, được chăm sóc người thân. Còn giáo viên mới ra trường cũng được trao cơ hội làm việc sớm hơn. Đáng nói nữa, với đặc thù nhiều trường ở xã miền núi khó khăn, đội ngũ giáo viên trẻ sẽ là lực lượng nòng cốt để thay thế công việc giảng dạy, bám trường, lớp và có nhiều phương pháp giảng dạy mới thu hút học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng và tỉ lệ chuyên cần…
Kéo dài tuổi hưu giáo viên mầm non sẽ dẫn tới hạn chế nguồn lực trẻ bởi hàng năm lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không ít. Cùng đó, dẫn tới nghịch lý giáo viên mầm non ra trường không có việc làm, giáo viên mầm non có tuổi muốn về hưu sớm lại không được. Như vậy, đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 57 với nam và 55 với nữ sẽ tạo điều kiện để giáo viên trẻ có cơ hội phát triển năng lực, cống hiến cho nghề nghiệp khi họ đã được học hành, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp với chương trình giáo dục mới và hiện đại… - Bà Lã Hải Yến (Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập, Lạng Sơn)