Giáo viên Lâm Đồng 'xuyên không' dạy trò Hà Giang

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Huyện Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang) thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh tiểu học trong khi đây là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình mới.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Pải Lủng (Hà Giang) trong tiết học trực tuyến của cô Trần Thị Hiếu. Ảnh: NVCC
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Pải Lủng (Hà Giang) trong tiết học trực tuyến của cô Trần Thị Hiếu. Ảnh: NVCC

Hoạt động hỗ trợ dạy học trực tuyến của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã góp phần giúp tỉnh Hà Giang khắc phục bài toán này.

Linh hoạt phương pháp dạy

Đều đặn 2 buổi/tuần, cô Phạm Thị Hiền - Trường Tiểu học Thăng Long (Bảo Lộc, Lâm Đồng) tạo phòng học trực tuyến trên phần mềm Zoom và dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Bắt đầu tiết học, cô Hiền mở bài hát hoặc trò chơi tiếng Anh cho học sinh khởi động. Ở bên kia màn hình, khoảng 30 em nhỏ lắc lư theo điệu nhạc, hoặc bàn tán sôi nổi tìm đáp án trò chơi. Khi bầu không khí lớp học “nóng” lên, cô Hiền dẫn dắt trò vào bài học.

Trong 40 phút, nữ nhà giáo tổ chức nhiều hoạt động để học sinh rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Dù không trực tiếp quản lý lớp học, cô vẫn yên tâm vì lớp đã có giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ, đôn đốc. Cô cũng thường xuyên giao tiếp với học sinh qua micro và sửa trực tiếp phát âm cho các em.

“Trước khi dạy, tôi nghĩ học sinh sẽ rụt rè vì cô trò chưa gặp gỡ trực tiếp nhưng ngược lại, các em dạn dĩ, tự tin. Chỉ sau 1 - 2 buổi, cô, trò đã thân thiết. Học sinh tham gia tiết học sôi nổi”, cô Hiền kể. Cảm xúc đầu tiên của nữ giáo viên khi đứng lớp là vinh dự vì được cống hiến và hỗ trợ dạy học cho địa phương thiếu giáo viên tiếng Anh. Cô còn có cơ hội nâng cao chuyên môn khi giảng dạy qua nhiều hình thức.

Giống như cô Hiền, cô Trần Thị Hiếu - Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Đà Lạt, Lâm Đồng) đã sáng tạo nhiều phương pháp dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 3A1, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Pải Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang). Khi thấy học sinh lúng túng, không hiểu nhiệm vụ đưa ra, cô sẽ giải thích chậm lại và nhờ giáo viên hỗ trợ. Nếu vẫn chưa hiệu quả, cô đổi hình thức khác phù hợp với các em.

Cô Hiếu cho hay: “Một số học sinh người dân tộc chưa thành thạo tiếng Việt nên khi tôi giải thích từ tiếng Anh, các em không hiểu. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thay tôi phân tích cho học sinh bằng tiếng dân tộc. Khi tôi giao bài tập viết, giáo viên chủ nhiệm cùng quan sát, đôn đốc trò làm bài. Để tiết học đạt hiệu quả, chắc chắn không thể thiếu sự phối hợp nhiệt tình, tận tâm từ ban giám hiệu và giáo viên hỗ trợ tại đầu cầu Hà Giang”.

Những ngày này, Lâm Đồng thường xuyên có mưa, dẫn đến tình trạng mất mạng hoặc đường truyền tín hiệu kém. Được ban giám hiệu tạo điều kiện linh hoạt, cô Hiếu dạy trực tuyến tại nhà, sử dụng đường truyền riêng để tín hiệu ổn định.

Sau gần 3 tuần, cô Hiếu nhận thấy từ sự rụt rè ban đầu, học sinh đã mạnh dạn, chủ động hơn. “Dù chỉ nhìn học sinh qua màn hình máy tính, tôi cảm nhận được sự hào hứng qua cử chỉ, nét mặt. Dạy học trực tuyến cho tỉnh Hà Giang sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời”, cô Hiếu bày tỏ.

Cô Phạm Thị Hiền - Trường Tiểu học Thăng Long (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC

Cô Phạm Thị Hiền - Trường Tiểu học Thăng Long (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC

Việc làm ý nghĩa

Ông Trịnh Đình Huynh - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, năm học này, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Điển hình như huyện Mèo Vạc có 19 trường tiểu học nhưng chỉ có 3 giáo viên tiếng Anh.

Để triển khai dạy học tiếng Anh bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018, sở GD&ĐT và các huyện/thành phố đã thực hiện giải pháp: Phân công giáo viên dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học giữa các trường cùng địa bàn và giáo viên dạy môn Tiếng Anh cấp THCS, THPT xuống các trường tiểu học; dồn lớp học môn Tiếng Anh; dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; dạy học trực tuyến qua lớp học ảo để đảm bảo tất cả học sinh từ lớp 3 được học.

Bước sang năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Hà Giang chủ động kết nối, đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ giáo viên dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học theo hình thức trực tuyến cho học sinh các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Bắc Mê.

Theo ông Huynh, việc hỗ trợ giáo viên dạy môn Tiếng Anh từ tỉnh Lâm Đồng có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hà Giang. Qua đó khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn học này tại huyện Mèo Vạc, Bắc Mê do không có nguồn tuyển dụng và dạy hợp đồng.

Để hỗ trợ dạy trực tuyến cho tỉnh Hà Giang, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã chọn ra 33 giáo viên có trình độ đại học ngoại ngữ, là giáo viên cốt cán, năng lực chuyên môn tốt. Nhiều thầy cô từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh.

Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đồng thời cho hay, muốn dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao, hai bên rà soát, đảm bảo thiết bị dạy học như máy tính, màn hình 65 inch, hệ thống âm thanh, camera đường truyền Internet đủ dung lượng, phần mềm dạy học trực tuyến Microsoft teams, Google Meet, Zoom ổn định.

Tại “đầu cầu” Hà Giang, các trường cử đội ngũ trợ giảng phối hợp với giáo viên dạy trực tuyến để tổ chức hoạt động học tập. Thầy cô trợ giảng sẽ theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Ban (Mèo Vạc, Hà Giang) là một trong những trường nhận hỗ trợ dạy học trực tuyến từ tỉnh Lâm Đồng. Cô Hiệu trưởng Phạm Thu Hường chia sẻ, năm học vừa qua, nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. Địa phương khắc phục bằng cách cử giáo viên THCS xuống giảng dạy. Nhưng sang năm học 2023 – 2024, nhà trường chưa biết khắc phục khó khăn về nhân sự ra sao.

“Khi hay tin giáo viên tiếng Anh tỉnh Lâm Đồng sẽ dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 3 đến hết năm học, thầy cô nhà trường đều mừng vui”, cô Hường chia sẻ.

Về phía nhà trường, cô Hường cho biết với sự quan tâm của UBND huyện Mèo Vạc, trường được đầu tư trang thiết bị cho 2 phòng học trực tuyến. Nhân sự hỗ trợ là giáo viên chủ nhiệm của các lớp. Vào tiết học trực tuyến, thầy cô không chỉ ngồi trên bục giảng mà liên tục đi quanh lớp, quan sát, động viên và giúp học sinh tương tác với giáo viên dạy.

Cô Hường cho hay, một số em còn nhút nhát do lần đầu tiếp xúc với tiếng Anh. Khi cô giáo gọi lên phát biểu, các em nói nhỏ nhưng giáo viên hỗ trợ đã khích lệ, động viên để trẻ tự tin. “Đến thời điểm này, học sinh đã quen vào lớp học trực tuyến. Nhiều em mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến. Giáo viên nhà trường cũng vui lây khi học sinh được tiếp cận với tiếng Anh”, cô Hường chia sẻ.

Mỗi giáo viên tiếng Anh tiểu học tỉnh Lâm Đồng sẽ dạy trực tuyến 2 - 3 tiết/tuần cho 33 lớp học tại 9 trường tiểu học huyện Mèo Vạc và Bắc Mê. Tổng số học sinh tham gia học trực tuyến là hơn 1 nghìn em. Thời gian bắt đầu từ tháng 10 đến hết năm học 2023 - 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.