Nhiều giải pháp gỡ khó
Thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh bậc tiểu học là nỗi lo của không ít trường học tại TPHCM khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Thế nhưng nhờ sự chủ động, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đủ lực lượng giáo viên đứng lớp cho năm học mới.
Trường Tiểu học Bình Trị 1 (quận Bình Tân) có gần 3.900 học sinh với 88 lớp học. Những năm qua, cơ sở giáo dục này theo kế hoạch của UBND quận Bình Tân tổ chức tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, nhưng không có ứng viên tham gia ứng tuyển.
Giải pháp mà đơn vị này đưa ra là hợp đồng với thầy cô đang dạy ở các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn, đặc biệt là khi triển khai chương trình GDPT mới 2018 môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3.
Học sinh các khối 3,4,5 Trường Tiểu học Thạnh An học 3 tiết tiếng Anh mỗi tuần. |
Thầy Nguyễn Tấn Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Trị 1 cho biết: “Năm học mới này, nhà trường luôn đảm bảo đủ giáo viên môn tiếng Anh để giảng dạy. Hiện, chúng tôi đang hợp đồng với 7 giáo viên Tiếng Anh. Nhà trường đảm bảo cho học sinh tất cả các khối đều được học môn học này”.
Tương tự, Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) có gần 300 học sinh chia làm 15 lớp học. Theo định biên, đơn vị này phải có 2 giáo viên tiếng Anh, tuy nhiên hiện nay chỉ có 1 giáo viên. Thời gian qua nhà trường đã thông báo tuyển giáo viên hợp đồng cho môn học này nhưng do điều kiện là xã đảo đi lại khó khăn nên không có nguồn để tuyển dụng.
Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An chia sẻ: “Vì thiếu giáo viên nên nhà trường làm văn bản xin phép phòng GD&ĐT huyện Cần Giờ cho giảm số tiết theo quy định để tất cả các lớp được học môn này. Bên cạnh đó nhà trường cũng đã vận động giáo viên tiếng Anh dạy vượt số tiết theo quy định được giao và có trả phí. Hiện tại các khối 1,2 mỗi lớp học tiếng Anh 1 tiết/tuần làm quen, các khối lớp còn lại là 3 tiết/tuần”.
Trường học chủ động
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, trong năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục TP bảo đảm cho 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, TPHCM cũng đã chủ động các kịch bản, phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với với lớp 1 và 2, các cơ sở giáo dục tiểu học sẽ thực hiện Chương trình tiếng Anh tự chọn. Với học sinh lớp 4 và 5, các trường tiếp tục dạy Tiếng Anh tự chọn theo chương trình cũ và chương trình thí điểm Tiếng Anh cấp tiểu học, tăng cường tổ chức dạy Tiếng Anh 8 buổi/tuần.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nguyên nhân thiếu nguồn tuyển là do số lượng giáo viên Ngoại ngữ đăng ký tuyển dụng để thực hiện chương trình mới theo yêu cầu còn hạn chế vì chưa đảm bảo được các quy định về bằng cấp và chứng chỉ. Ngoài ra nhiều trường học thiếu giáo viên Tiếng Anh và có nhu cầu tuyển dụng vị trí này nhưng không có ứng viên dự tuyển.
Trường học TPHCM luôn chủ động các giải pháp để đủ giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh. |
Nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc dạy học tiếng Anh lớp 3 ở các trường tiểu học trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường học không đủ giáo viên giảng dạy trực tiếp môn tiếng Anh được thực hiện ký hợp đồng lao động và nguồn kinh phí được thực hiện theo quy định.
Đồng thời Sở đề nghị phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, các quận, huyện, cơ sở giáo dục thực hiện rà soát các trường, điểm trường, số lớp không có đủ điều kiện để thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến lớp học ảo đối với môn tiếng Anh và cả môn Tin học, khi 2 môn này là môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3 từ năm nay.
Song song đó, trường học bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực dạy học trực tuyến hỗ trợ đơn vị chưa đủ điều kiện thực hiện, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường.
“Các trường học tiểu học sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp, đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học môn tiếng Anh cũng như môn Tin học theo quy định. Trong đó, cần khuyến khích ứng dụng mô hình 3D vào giảng dạy và nghiên cứu, sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS để tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, nhóm học sinh trên hệ thống khi tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý.