Chọn SGK trên những điều kiện sát sườn
Nhà giáo Đoàn Thị Thức - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cho biết: Cùng với việc tích cực chuẩn bị về đội ngũ, sắp xếp giáo viên có nhiều kinh nghiệm tiếp cận các bộ SGK mẫu hiện có để lựa chọn được các đầu sách phù hợp, Nhà trường đã thành lập Hội đồng lựa chọn SGK, thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn tại Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT và bộ tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh Hà Nam.
Cô Thức cho biết: "Bản thân là người đứng đầu cơ sở giáo dục và tham gia vào Hội đồng lựa chọn, trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng lựa chọn các đầu sách nên trách nhiệm của Hiệu trưởng là rất lớn. Để đảm bảo công khai, minh bạch, các tổ chuyên môn của trường được thảo luận, phân tích và đưa ra ý kiến nhận xét, phân tích những ưu điểm và hạn chế đối với từng cuốn sách, bộ sách; Việc thảo luận, đóng góp ý kiến được thực hiện một cách công khai, dân chủ;
Giáo viên và tổ chuyên môn đưa ra những đánh giá cụ thể trước khi trình Hội đồng lựa chọn của trường. Các ý kiến được ghi chép tổng hợp cụ thể. Sau đó giáo viên bỏ phiếu đề xuất lựa chọn SGK. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường. Hội đồng lựa chọn SGK họp, thảo luận, đánh giá SGK; Bỏ phiếu kín lựa chọn SGK do tổ chuyên môn đề xuất và tổng hợp kết quả lựa chọn. Đề xuất với Hiệu trưởng báo cáo với Phòng GD&ĐT về kết quả lựa chọn.
Cô Đoàn Thị Thức chia sẻ: Trong quá trình này, nhà trường chú trọng tuyên truyền sâu về CTGDPT 2018 không chỉ trong cán bộ, giáo viên mà đến cả phụ huynh học sinh… để tạo sự đồng thuận.
Đồng thời rà soát cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy học để tham mưu trúng, đúng, kịp thời các điều kiện đảm bảo đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của CTGDPT 2018. Đây là những điều kiện tương ứng với tiêu chí chọn SGK của tỉnh Hà Nam mà theo cô Thức sẽ được nhà trường đặt lên trên.
Cụ thể, khi lựa chọn SGK, cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Tượng Lĩnh đặt Nhóm tiêu chí : Phù hợp với việc học tập của học sinh và nhóm tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường; phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương lên trên và hướng đến đối tượng người học.
Nhà giáo Phạm Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho rằng nhà trường đề cao nhóm tiêu chí: Phù hợp với việc học tập của học sinh. Trong đó nội dung các bài học thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kĩ năng, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập; hệ thống bài tập gắn với lý thuyết giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
Đồng thời nội dung các bài học, chủ đề trong SGK có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh biết cách định hướng để đạt được mục tiêu học tập. Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới cho học sinh nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Có các hoạt động phân hóa học sinh theo năng lực, phẩm chất đảm bảo tính dân chủ trong tiếp cận các bài học, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các học sinh có thể phát triển và sáng tạo.
Giáo viên mong muốn sẽ được tập huấn trực tiếp sử dụng SGK
Cô Hương và cô Thức đều đều khẳng định: Hình dung về bộ SGK sẽ được lựa chọn là phải phù hợp với thầy, trò và đặc điểm địa lý, văn hóa của địa phương, có giá thành hợp lý. Đồng thời cũng là bộ SGK có nhiều nhất số thành viên hội đồng, giáo viên và phụ huynh học sinh đồng ý lựa chọn. Vấn đề đang được Hiệu trưởng Đoàn Thị Thức và Phạm Thị Thanh Hương cùng đồng nghiệp đang quan tâm là công tác tập huấn giáo viên sử dụng SGK được lựa chọn để giảng dạy trong năm học mới.
Cô Thức chia sẻ: Trong bối cảnh giáo viên vừa dạy học để hoàn thành kế hoạch năm học cũ rất vất vả, chồng chéo vì thế rất cần kế hoạch tập huấn SGK hết sức hợp lý, khoa học để làm tốt công tác dạy học và bồi dưỡng. Cán bộ quản lý, giáo viên mong muốn được tập huấn trực tiếp để cùng thảo luận, tháo gỡ, tăng cường thực hành các tiết dạy theo SGK mới, vì khi tập huấn chương trình tổng thể, môn học đã tập huấn trực tuyến nên giáo viên chúng tôi gặp không ít khó khăn khó khăn trong việc tương tác với giảng viên, hiệu quả chưa như mong đợi.
Ông Nguyễn Văn Tùng- Phó tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Kế hoạch tập huấn giáo viên giảng dạy sách SGK được chọn sẽ được đơn vị tiến hành theo các hình thức: Tập huấn trực tiếp; tập huấn trực tuyến và cung cấp tài liệu cho giáo viên tự tập huấn.
Với hình thức tập huấn trực tiếp, giáo viên sẽ được các báo cáo viên trực tiếp tập huấn giảng dạy, sử dụng SGK; Theo hình thức tập huấn trực tuyến qua mạng, giáo viên có thể tương tác online hoặc offline với các chuyên gia tập huấn.