Giáo viên hướng dẫn cách làm bài thi nghị luận xã hội

GD&TĐ - Nghị luận xã hội là một trong những phần thi khó trong đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT do vậy nhiều HS dễ đánh mất điểm ở phần này.

Cô Hoàng Thị Khánh Xuân - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh NVCC.
Cô Hoàng Thị Khánh Xuân - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh NVCC.

Những kiến thức cần lưu ý

Theo cô Hoàng Thị Khánh Xuân - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn): “Đối với kiến thức nghị luận xã hội, học sinh cần lưu ý những đơn vị kiến thức như sau:

Về đoạn văn: Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản. Mỗi đoạn văn diễn đạt một nội dung tương đối hoàn chỉnh, hướng tới chủ đề chung của văn bản.

Đoạn văn được bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn. Đoạn văn thường do nhiều câu văn liên kết với nhau tạo thành, các câu trong đoạn được liên kết bằng các từ ngữ chủ đề và câu chủ đề.

Hình thức trình bày đoạn văn: Đoạn văn có thể được trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng - phân - hợp.

Kiến thức về đoạn văn nghị luận xã hội: Đoạn văn nghị luận xã hội là một phần của bài văn NLXH, trình bày tư tưởng, quan điểm về một khía cạnh cụ thể của vấn đề xã hội.

Có hai kiểu đoạn văn NLXH: Đoạn văn nghị luận về một khía cạnh của một tư tưởng, đạo lí; Đoạn văn nghị luận về một khía cạnh của một sự việc, hiện tượng đời sống”.

Cô Khánh Xuân luôn tạo không gian thoải mái cho học sinh của mình học tập. Ảnh NVCC.

Cô Khánh Xuân luôn tạo không gian thoải mái cho học sinh của mình học tập. Ảnh NVCC.

“Khi viết đoạn văn NLXH, học sinh được trình bày quan điểm, ý kiến riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật, thể hiện nhận thức đúng đắn, tích cực, tiến bộ về vấn đề đó. Để đáp ứng tốt yêu cầu trên, học sinh cần có hiểu biết xã hội.

Đặc biệt là về các vấn đề tư tưởng, đạo lí quen thuộc như: về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống của thanh niên); về tính cách, phẩm chất (lòng dũng cảm, sự kiên trì, sự trung thực, ý chí, nghị lực…); về các mối quan hệ (gia đình, xã hội); về cách ứng xử trong cuộc sống. Hay các hiện tượng đời sống gần gũi như các phong trào thiện nguyện, việc sử dụng mạng xã hội, việc phòng chống dịch bệnh …”, cô Khánh Xuân nhấn mạnh.

Về kĩ năng

Theo cô Khánh Xuân: “Khi làm đề văn NLXH, học sinh cần đọc kĩ đề, gạch chân các từ ngữ quan trọng trong đề bài, từ đó xác định các yêu cầu về dạng đề, nội dung nghị luận, phạm vi nghị luận, thao tác lập luận sẽ sử dụng, hình thức và dung lượng đoạn văn.

Tiếp đến, tìm ý và sắp xếp ý bằng cách đặt câu hỏi để tìm ý phù hợp với khía cạnh cần nghị luận và sắp xếp các ý đã tìm được theo một trình tự logic”.

“Đối với yêu cầu nghị luận về khía cạnh ý nghĩa của một vấn đề xã hội, các em có thể tìm hệ thống luận cứ lí lẽ, dẫn chứng theo định hướng sau: Nêu ý nghĩa của vấn đề theo đối tượng (đối với cá nhân; đối với tập thể, với cộng đồng) hoặc nêu ý nghĩa của vấn đề theo lĩnh vực (về mặt kinh tế; về mặt an ninh, quốc phòng; về mặt xã hội; về mặt tinh thần; về mặt thể chất)”, cô Khánh Xuân nói.

Cách viết đoạn văn NLXH

Khi viết đoạn văn NLXH, thí sinh nên liên kết các luận cứ đã tìm được thành đoạn văn hoàn chỉnh bằng kĩ năng lập luận, diễn đạt.

Có thể triển khai viết đoạn văn theo cấu trúc sau:

Mở đoạn (giới thiệu khía cạnh cần nghị luận, nêu luận điểm của đoạn văn).

Thân đoạn: Giải thích vấn đề; bàn luận về khía cạnh của vấn đề (làm rõ luận điểm qua các luận cứ dẫn chứng, lí lẽ; cần có thao tác phản biện).

Kết đoạn: Khái quát khía cạnh nghị luận; bài học nhận thức và hành động.

Hệ thống hoá kiến thứcbằng bảng

Để giúp học sinh có được kiến thức xã hội phong phú, cập nhật và quan điểm đúng đắn, lành mạnh nhằm vận dụng trong bài làm, cô Khánh Xuân thường lưu ý học sinh quan sát các hiện tượng đời sống xung quanh;

Đọc các bài báo, tra cứu mạng, tra cứu từ điển, xem các chương trình truyền hình, nghe bài giảng của giáo viên để nắm được các thuật ngữ, khái niệm xã hội học phổ biến; cập nhật kịp thời những vấn đề thời sự nổi bật, có ý nghĩa đối với cuộc sống con người, với sự phát triển của xã hội.

Cô Hoàng Thị Khánh Xuân cùng học trò của mình trong một tiết học. Ảnh NVCC.
Cô Hoàng Thị Khánh Xuân cùng học trò của mình trong một tiết học. Ảnh NVCC.

Đọc những bài nghiên cứu, phân tích, phản biện xã hội; những bài văn nghị luận xã hội tham khảo.

Trong giai đoạn nước rút, cô hướng dẫn học sinh lựa chọn các chủ đề quen thuộc, phù hợp; hệ thống hóa, lưu giữ, ghi nhớ tư liệu theo chủ đề.

Ví dụ một hướng hệ thống hóa, ghi chép tư liệu theo chủ đề theo bảng:

STT

Tên chủ đề

Khái niệm

Dẫn chứng

(Mỗi chủ đề ghi lại từ 2-3 dẫn chứng)

Ghi chú

(Cột này dành để bổ sung, cập nhật thông tin về chủ đề)

1

2

3

Cách ghi chép thông tin một dẫn chứng: đảm bảo trả lời ngắn gọn các câu hỏi: Ai? Việc gì/ Hoàn cảnh nào? Làm gì/ Bằng cách nào? Kết quả?

Bên cạnh đó, để phân bố thời gian làm bài hợp lý, cô Khánh Xuân lưu ý: “Đối với phần này học sinh nên dành từ 20 - 25 phút làm. Quá trình làm, cần đảm bảo đúng dung lượng yêu cầu của đề (khoảng 200 chữ), không viết quá dài hoặc quá ngắn.

Đoạn văn chỉ yêu cầu nghị luận về một khía cạnh của vấn đề, tuyệt đối không viết đoạn văn như viết một bài văn thu nhỏ. Khi bàn luận về khía cạnh cụ thể của vấn đề cần kết hợp lí lẽ và phân tích ngắn gọn dẫn chứng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ