Với triết lý vì sự phát triển của người học, đánh giá thường xuyên có tác dụng tốt hơn. Vấn đề là GV sẽ phải “học” để có cách nhận xét tích cực khi đánh giá thường xuyên sự tiến bộ của học sinh (HS) mỗi ngày.
Học sinh ảnh hưởng nhiều từ nhận xét của giáo viên
Chị Nguyễn Thu Trang, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: Con nhút nhát nên khi đọc bài thường không tự tin. Biết đặc điểm của con, cô giáo hay gọi con đọc bài để khích lệ, đồng thời phê vào bài: “Con đọc tình cảm nhưng cần đọc to, rõ ràng hơn”. Dần dần, cháu tự tin hơn và đến hết học kỳ I đã đọc to, rõ ràng, thường được cô tặng bông hoa đỏ vào bài nên không còn sợ học đọc, mà còn thích đọc mọi nơi, mọi lúc…
Trong khi đó, chị Vũ Thị Hồng, có con học lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Con chưa quen với việc làm các phép toán tìm số lớn, nhỏ nên rất sợ mỗi khi học môn Toán. Phải mất một thời gian phối hợp với GV kèm con, cháu đã khắc phục điểm yếu, được cô giáo khen: “Con học tiến bộ, biết cách làm bài”. Cháu phấn khởi và thích đi học hơn, không còn lo lắng mỗi khi làm các bài tập Toán…
GS.TS Hoàng Công Khanh - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi: Kết quả học tập của HS tiểu học bị ảnh hưởng sâu sắc bởi không khí lớp học, đặc biệt từ những lời nhận xét của GV. Vì vậy, ngoài việc đánh giá thường xuyên, với đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, GV cũng cần cân nhắc để có những nhận xét, phù hợp, thỏa đáng.
Theo GS Khanh, yêu cầu mới đòi hỏi GV phải học cách nhận xét tích cực người học; sử dụng công cụ đánh giá đa dạng (câu hỏi, tình huống, bài tập, trò chơi…), đặc biệt là đánh giá thường xuyên, chú ý phân hóa từng HS. Nếu không sẽ không tạo ra sự công bằng, không vì sự tiến bộ của người học. Việc đánh giá thường xuyên nhằm mục đích phát hiện lỗi, sai sót, thiếu hụt… cả sự tiến bộ, sáng tạo của mỗi HS nhằm cải tiến, điều chỉnh các hoạt động, kế hoạch dạy học, không nhằm phân loại, xếp hạng HS.
Giáo viên phải quan tâm, sát sao từng học sinh
Thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhận định: Thông tư 27 mới triển khai nên để đánh giá đúng tinh thần Thông tư cần thận trọng để đánh giá khách quan, phản ánh đúng năng lực, khả năng tiếp thu chương trình mới của HS lớp 1. GV tiểu học đã có nền nếp đánh giá thường xuyên, kết hợp với động viên, khích lệ HS nên không quá khó khăn. Vấn đề là làm sao có được những nhận xét tích cực, tạo hứng thú học tập cho HS, đồng thời phải bảo đảm đúng năng lực, sự tiến bộ của các em. Thay vì điểm số, nhận xét, đánh giá phải thể hiện được trình độ của HS theo từng thời điểm, qua đó có phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả hơn với HS, nhất là HS tiếp thu kiến thức còn chậm...
Theo thầy Trường, GV “học” cách nhận xét tích cực qua thực tiễn dạy học hằng ngày, trao đổi với đồng nghiệp trong khối, dự các chương trình tập huấn… Tuy nhiên, quan trọng nhất là từ sự sát sao, gần gũi với HS trong mỗi giờ học, đánh giá thường xuyên sẽ khách quan và chính xác nhất.
Cô Trần Thị Huyền Trang - GV Trường Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng: Đánh giá theo Thông tư 27 có nhiều điểm hay so với cách đánh giá cũ. Bởi thực tế, một HS có thể kém môn này nhưng lại giỏi lĩnh vực khác. Theo Thông tư mới, các em được đánh giá đúng theo năng lực của mình.
Cô Trang xác định, để đánh giá đúng, GV phải quan tâm, sát sao từng HS mới phát hiện ra năng lực của từng em. Vì có những HS không phải lúc nào cũng thể hiện năng lực, nhận thức của mình qua tiết học mà có thể qua các hoạt động khác… GV sẽ phải linh hoạt để đưa ra nhận xét tích cực và phù hợp với sự phát triển của trò.