Phải sát sao…
Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có 523 học sinh theo học, trong đó có 119 học sinh lớp 1. Do đặc thù là xã biên giới còn nhiều khó khăn nên ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên khối lớp 1.
Thầy giáo Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, từ vài năm học trước, chúng tôi đã chủ động bồi dưỡng đội ngũ, bố trí cơ sở vật chất phù hợp trong giảng dạy. Nhà trường đã cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Sau kỳ I giảng dạy, giáo viên lớp 1 của nhà trường đã tổ chức tương đối linh hoạt các nội dung giảng dạy để có kết quả cao nhất với bộ SGK mới. Cũng nhờ kinh nghiệm sẵn có trong quá trình chủ nhiệm và giảng dạy nên giáo viên đánh giá học sinh một cách chủ động”.
Cô giáo Trần Thanh Loan là một trong những giáo viên cốt cán được BGH Trường Tiểu học Thanh Hưng ưu tiên lựa chọn bồi dưỡng để giảng dạy chương trình SGK mới năm học này. Cô Loan nhận thấy nếu không sát sao, giáo viên sẽ không đánh giá chính xác được năng lực và phẩm chất của học sinh.
“Giáo viên phải sát sao với mọi đối tượng học sinh. Giáo viên cũng phải linh hoạt. Ví dụ như có 4 bài toán, học sinh hoàn thành được 3 rồi, vậy thì 1 bài nữa có thể là nợ cô. Nhưng ngày hôm sau, cũng bài tương tự như thế mà cháu trả được cô thì có nghĩa là cũng đã hoàn thành. Hoặc hoàn thành ở mức tốt, đó là đối với môn toán”, cô giáo Trần Thanh Loan chia sẻ.
“Thế còn Tiếng Việt, thực tế kỹ năng viết vần tốt, nhận vần tốt, đọc được yêu cầu đảm bảo được tốc độ. Rồi những nội dung khác, như cháu có giao tiếp tốt đối với học sinh người địa phương thì như thế đạt được ở mức tốt rồi. Thế còn những em chậm hơn có thể sẽ ở mức hoàn thành”, cô Loan cho biết thêm.
Giám sát chéo…
Cô giáo Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San (Tiểu học Dào San) cho biết, quá trình đánh giá học sinh đơn vị mình gặp nhiều thuận lợi do có sự chủ động từ trước.
“Chúng tôi chủ động ngay từ ban đầu, từ việc lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng, tập huấn. Họ là những giáo viên có nhiều thành tích, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và trong công tác chủ nhiệm. Vì vậy, sau bồi dưỡng các cấp về, họ chủ động bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của Sở, của Phòng nên hầu như không gặp khó khăn gì nhiều”, cô Xuân nói.
Sau khi kết thúc kỳ I, kinh nghiệm rút ra đối với nhiều đơn vị trường học là cần thiết phải tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng đánh giá và công cụ đánh giá.
“Cũng phải xây dựng một số hệ thống bài tập để trong quá trình mình kiểm tra thì đánh giá xem là giữa giáo viên với cán bộ quản lý có khớp nhau về kết quả đánh giá hay không? Tức là hôm nay tôi ra một bài kiểm tra gần giống như cô. Ví dụ ở mạch kiến thức này, mình đưa ra bài toán phép cộng trong phạm vi 7 chẳng hạn, mình có bao nhiêu hệ thống trong bảng cộng ấy thì mình đưa ra. Cô cũng đưa ra bài giống như thế, tương đồng về nội dung. Sau qua đó mình phỏng vấn cô, xem em đó là đánh giá như nào, rồi đối chiếu xem có khớp hay không”, thầy giáo Trần Văn Xuyên chia sẻ.
Theo thầy giáo Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, quá trình đánh giá học sinh theo thông tư 27 của Bộ GD&ĐT có nhiều thuận lợi. Tiêu chí đánh giá theo thông tư này có nhiều linh hoạt, dễ dàng cho giáo viên khi đánh giá và không gây áp lực cho học sinh.