Giáo viên Hàn Quốc được điều trị tâm thần miễn phí

GD&TĐ - Theo kế hoạch do Bộ Giáo dục và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố mới đây, giáo viên sẽ được khám và điều trị tâm lý miễn phí.

Giáo viên Hàn Quốc gặp áp lực tinh thần do phụ huynh.
Giáo viên Hàn Quốc gặp áp lực tinh thần do phụ huynh.

Theo kế hoạch do Bộ Giáo dục và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố mới đây, giáo viên sẽ được khám và điều trị tâm lý miễn phí. Chính phủ sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên rơi vào trầm cảm hoặc các bệnh lý tâm thần khác.

Kế hoạch trên sẽ triển khai từ học kỳ hai, bắt đầu vào tháng 9 năm nay và kết thúc vào tháng 2/2024. Giáo viên Hàn Quốc có thể làm bài kiểm tra sức khỏe tâm thần trực tuyến hoặc thăm khám tại các trung tâm y tế quốc gia và tư nhân trên toàn quốc.

Ngoài ra, hai Bộ sẽ triển khai mô hình xe bus tư vấn di động đến các trường học trên toàn quốc để giáo viên có thể dễ dàng gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia tâm lý. Giáo viên sẽ làm đánh giá sức khỏe tâm thần hai năm một lần, gửi kết quả về cho Bộ Giáo dục.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo giáo viên Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần nghiêm trọng trong bối cảnh ít nhất 15 giáo viên đã tự tử trong năm 2023. Bộ Giáo dục Hàn Quốc bị chỉ trích vì chưa kịp thời can thiệp và giải quyết vấn đề trên.

Vụ việc gây chú ý nhất là cái chết của một giáo viên 23 tuổi ở Trường Tiểu học Seoi, thủ đô Seoul, hôm 18/7. Sau sự việc, hàng loạt giáo viên và người dân Hàn Quốc đã tổ chức tuần hành nhằm kêu gọi chính phủ bảo vệ quyền lợi cho giáo viên. Họ cũng kêu gọi sửa đổi luật lạm dụng và phúc lợi trẻ em để ngăn chặn việc phụ huynh đối xử ác ý với giáo viên.

Hồi tháng 8, một cuộc khảo sát với hơn 3.500 giáo viên đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình. Kết quả cho thấy cứ 10 giáo viên thì có 4 người có triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng, trong khi 16% có ý định tự tử. Trong số này, 4,5% giáo viên cho biết họ đã lên kế hoạch tự tử nhưng lại không thực hiện.

Những người được hỏi cho rằng nguyên nhân dẫn đến trầm cảm là do họ phải trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với phụ huynh và phải chịu đựng bạo lực bằng lời nói hoặc thể chất. Nhiều vụ giáo viên tự tử cũng do nguyên nhân tương tự.

Là giáo viên tiểu học, cô Kang Hyun-ju, 27 tuổi, đang điều trị tâm lý hàng tháng và nghỉ phép 6 tháng sau khi trải qua áp lực hồi đầu năm 2023 do căng thẳng vì phải làm việc với những học sinh ngang bướng.

Cô đã phải trả khoảng 200 nghìn won cho việc điều trị tâm lý, trong đó đã được chi trả bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhiều giáo viên khác còn chịu áp lực nặng nề hơn, mắc bệnh tâm lý nặng hơn nên phải chi trả nhiều tiền hơn.

Cô Kang Hyun-ju cho rằng, nếu muốn giải quyết cốt lõi của vấn đề, chính phủ cần bảo vệ giáo viên khỏi những lời phản ánh và cáo buộc ác ý từ phụ huynh.

“Kế hoạch mới cho thấy Bộ Giáo dục cuối cùng quan tâm đến sức khỏe tâm thần của giáo viên Hàn Quốc. Nhưng điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp thực sự cho vấn đề của ngành Giáo dục. Chính phủ cần giải quyết vấn đề ngay từ đầu thay vì quan tâm đến giáo viên khi họ đã chịu tổn thương”, nữ giáo viên này cho hay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết: “Giáo viên là nhân tố quan trọng nhất của lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, sức khỏe tinh thần của họ cần được đảm bảo để các hoạt động giáo dục trong trường học diễn ra an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những phương pháp hỗ trợ giáo viên”.

Theo ST

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ