Giáo viên đồng tình ôn tập không theo đề cương, bài mẫu

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM trong hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I cấp tiểu học năm học 2022 - 2023.

Học sinh lớp 10 tại TPHCM làm bài kiểm tra cuối kỳ 1 với nhiều thay đổi. Ảnh: INT
Học sinh lớp 10 tại TPHCM làm bài kiểm tra cuối kỳ 1 với nhiều thay đổi. Ảnh: INT

Trong hướng dẫn có yêu cầu: Không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, học thuộc lòng bài mẫu. Nhiều giáo viên bày tỏ đồng tình với chỉ đạo này.

Kết quả tích cực

Cô Lã Thị Hè, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: Lâu nay, nhiều nhà trường, thầy cô giáo thường giới hạn đề cương, yêu cầu học sinh soạn, ôn tập và ra đề kiểm tra học kỳ theo đề cương. Kể cả các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết trở lên, không ít giáo viên cũng giới hạn một số bài, nội dung nhất định. Cách làm này học sinh được giảm tải lượng kiến thức rất lớn trong từng môn học, từ đó giảm bớt áp lực trong kiểm tra, thi cử.

Nhờ ôn và học đề cương nên điểm số, kết quả học tập từng bộ môn của học sinh được cải thiện, nhất là đối với diện học sinh trung bình, yếu. Tuy nhiên, cách dạy ôn tập kiểm tra học kỳ theo đề cương khiến học sinh có tâm lý ỷ lại, học vẹt để đối phó với kiểm tra, thi cử. Có em lười học trong quá trình trên lớp, song tới ngày thi chỉ cần học thuộc đề cương là đạt điểm cao.

Dù là lớp dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay chương trình 2006, cô Mông Triệu Nguyệt Nga, Trường THCS 719 (Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, giáo viên nhà trường cũng không ra đề cương ôn tập. Thay bằng giao câu hỏi hay bài tập sẵn, thầy cô hướng dẫn học sinh ôn tập theo ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra.

“Là giáo viên dạy Ngữ văn, tôi thấy rõ những thay đổi của người học khi đổi mới kiểm tra, đánh giá. Việc ra đề mở, gắn với trải nghiệm trong cuộc sống khiến các em ít áp lực và hứng thú hơn. Nhiều em có bài làm hay, sáng tạo”, cô Mông Triệu Nguyệt Nga chia sẻ.

Bản đặc tả đề kiểm tra, theo cô Mông Triệu Nguyệt Nga, là một bản mô tả chi tiết, có vai trò như một hướng dẫn để viết một đề kiểm tra hoàn chỉnh. Bản đặc tả cung cấp thông tin về cấu trúc đề kiểm tra, hình thức câu hỏi, số lượng câu hỏi ở mỗi loại và phân bố câu hỏi trên mỗi mục tiêu đánh giá. Bản đặc tả giúp xây dựng đề kiểm tra đánh giá đúng mục tiêu dạy học dự định được đánh giá. Nó cũng giúp bảo đảm sự đồng nhất giữa các đề kiểm tra dùng để phục vụ cùng một mục đích đánh giá.

Đặc biệt, bản đặc tả giúp hoạt động học tập trở nên rõ ràng, có mục đích, có tổ chức và có thể kiểm soát được. Người học có thể sử dụng để chủ động đánh giá việc học và tự chấm điểm sản phẩm học tập của mình. Còn người dạy có thể áp dụng để triển khai hướng dẫn các nhiệm vụ, kiểm tra và đánh giá. Bên cạnh đó, bản đặc tả cũng giúp các nhà quản lý giáo dục kiểm soát chất lượng giáo dục của đơn vị mình.

Hướng dẫn học sinh cách tự học

Câu hỏi đặt ra: Nếu không ôn theo đề cương, thì cách ôn tập, giao bài cho học sinh thế nào là phù hợp, đạt được kết quả tốt? Cô Lã Thị Hè cho rằng, đầu tiên, thầy cô cần thường xuyên liên lạc, hướng dẫn học sinh học tập, trả lời các câu hỏi của học sinh trên lớp, về nhà. Phụ huynh chủ động liên lạc với thầy cô để trao đổi, nắm được việc học của con em mình.

Cô Võ Phương Liên, Tổ trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) hướng dẫn học trò trong giờ học.

Cô Võ Phương Liên, Tổ trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) hướng dẫn học trò trong giờ học.

Thông qua hướng dẫn của thầy cô, phụ huynh lựa chọn hình thức hướng dẫn cho con tự ôn tập kiến thức sao cho hiệu quả nhất. Hàng ngày dành thời gian nhất định để kèm cặp, hướng dẫn con ôn tập bài theo hướng dẫn của thầy cô. Đặc biệt, học sinh cần nâng cao ý thức tự học, chủ động trao đổi bài với bố mẹ, thầy cô, để giải quyết những bài chưa hiểu, bài khó để các em được hiểu bài…

Hoạt động kiểm tra, đánh giá cần coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh bảo đảm công bằng, khách quan. Không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá hướng đến sự tiến bộ của học sinh. Không tạo nhiều áp lực cho học sinh mà chỉ xem kiểm tra cuối học kỳ như một hoạt động đánh giá định kỳ thông thường.

Giáo viên cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, có kế hoạch phụ đạo riêng cho những em tiếp thu kiến thức còn chậm và gặp khó khăn trong học tập. Đề kiểm tra áp dụng và phát triển các phương pháp trắc nghiệm khách quan (câu đúng - sai, câu nhiều lựa chọn, câu ghép đôi, câu điền khuyết,…).

“Đề cương”, “bài mẫu” được sử dụng trong mỗi kỳ kiểm tra, đánh giá được hiểu là phần giới hạn nội dung, kiến thức nhất định trong chương trình học dưới hình thức câu hỏi/hệ thống câu trả lời, yêu cầu học sinh soạn, ôn tập để tăng tỉ lệ đạt kết quả cao trong kiểm tra.

Chia sẻ điều này, cô Võ Phương Liên, Tổ trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) bày tỏ hoàn toàn đồng ý với việc: Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập thay vì chăm chăm soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, học thuộc lòng bài mẫu. Bởi, nếu quá lạm dụng sẽ chỉ làm hạn chế tính chủ động của học sinh; biến các con trở thành những thợ học chỉ biết học tủ, học vẹt. Giáo viên chỉ dạy những kiến thức để phục vụ công tác đánh giá, kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.

Cô Võ Phương Liên cho rằng, cùng với việc thay đổi về chương trình học, thay đổi về phương pháp, kỹ thuật dạy theo hướng phát triển năng lực cá nhân, nhà trường cần chú trọng thay đổi cách kiểm tra, đánh giá theo hướng vận dụng kiến thức vào thực tế. Từ đó, kích thích các con tư duy linh hoạt, thông minh, giải quyết tình huống thực tế theo quan điểm cá nhân trên nền kiến thức chung được học.

Bên cạnh đó, giáo viên phải là người có ý thức kiến tạo những tiết học hấp dẫn, thú vị, thu hút sự tập trung của các con mỗi ngày, khiến học sinh hào hứng, tiếp thu kiến thức một cách chủ động… Khi đó, đề cương sẽ là một công cụ hữu ích, tích cực giúp học sinh nhớ lại kiến thức trọng tâm một cách hiệu quả. Bài mẫu cũng có giá trị của mình khi được sử dụng trong một số hoạt động học tập thường ngày với một số đối tượng học sinh lực học còn yếu, nhằm giúp các em học hỏi cách diễn đạt, trình bày.

Cô Võ Phương Liên phát biểu: Tôi không phủ nhận hoàn toàn giá trị của “đề cương” trong thi cử. Đề cương, bài mẫu chỉ thực sự phát huy tác dụng khi những người làm giáo dục chú trọng vào việc điều chỉnh cách dạy, cách học, phát huy phẩm chất cá nhân. Công tác hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập trước khi triệt tiêu năng lực tự học của học sinh bằng những bộ đề cương nặng tính lý thuyết, học thuật; những bài mẫu sáo rỗng, giáo điều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ