Vận động, tuyên truyền và cả răn đe cũng có. Thế nhưng, nhận thức của đồng bào vùng cao còn hạn chế nên nhiều khi mọi nỗ lực của giáo viên gần như bất thành.
Bỏ học... “làm chui”...
Tròn 1 tháng kể từ khi tỉnh Điện Biên cho học sinh đi học trở lại, song ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng (Điện Biên) vẫn trăn trở tìm giải pháp để chỉ đạo các trường học vận động học sinh trở lại lớp.
Huyện Mường Ảng có 36 trường học với hơn 500 lớp, gần 14.000 học sinh theo học các cấp. Trước khi tái giảng sau đợt nghỉ dịch kéo dài, 1.224 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn đã “đôn đáo” phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, bản trên địa bàn vận động học sinh đến lớp. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 5, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cấp tiểu học và THCS mới chỉ đạt khoảng 95 - 98%. Theo ông Thống, Phòng GD&ĐT huyện đang chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã vận động số học sinh còn lại đến lớp.
Ông Thống cho biết thêm: Qua rà soát có trường hợp đã tảo hôn hoặc “trốn” khỏi địa bàn để đi làm ăn xa. Sau thời gian vận động, tuyên truyền song không nhận được sự phối hợp từ phía gia đình, ngành GD-ĐT phải nhờ sự can thiệp của cơ quan công an, gia đình học sinh mới chịu phối hợp, cung cấp thông tin HS.
“Cán bộ, giáo viên đến tận gia đình, vận động học sinh đến lớp song phụ huynh che giấu. Họ bảo các cháu đi chơi ở đâu đó, không cung cấp số điện thoại. Chúng tôi thống nhất với gia đình, như vậy nghĩa là học sinh nằm trong diện “mất tích”, phải tìm kiếm và đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Lúc này, gia đình mới cho biết rằng các cháu đã bỏ học để đi làm ăn xa”, ông Lê Văn Thống chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Văn Thống, kết quả rà soát sơ bộ, trong số những học sinh chưa trở lại lớp, có vài trường hợp đã “dựng vợ, gả chồng”, hơn chục em đi làm ăn xa khi đang là học sinh THCS.
Đang đi học vẫn “dựng vợ, gả chồng”
Năm học 2019 - 2020, huyện Tủa Chùa có 41 đơn vị trường học; 614 nhóm, lớp với trên 19.000 học sinh. Cho đến ngày 27/5, còn một số trường hợp chưa thể đến lớp.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng GD&ĐT Tủa Chùa, 21 học sinh THCS đã lấy vợ hoặc lấy chồng. Tình trạng này không chỉ diễn ra sau đợt nghỉ học vừa qua, mà diễn ra thường xuyên. Trong năm học này, giáo viên các trường đều tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao để hạn chế tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, do bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen cho con em mình lập gia đình sớm nên tình trạng tảo hôn tiếp tục diễn ra.
“Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao về nạn tảo hôn. Thế nhưng, một bộ phận người dân cho rằng, khi đến tuổi “lên nương” (lao động chính), các em có quyền được lấy vợ, chồng. Khi gia đình đồng tình, HS chẳng phản đối thì thật khó để thầy cô khuyên ngăn”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa bộc bạch.
Cũng theo ông Sơn, phòng cho giáo viên các trường rà soát tình hình học sinh ở tất cả các cấp học và đã lập danh sách, báo cáo với lãnh đạo UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời với đó là việc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục vận động phụ huynh để họ tạo điều kiện cho con em mình đến lớp.
“Các em còn nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn. Lấy nhau về rồi bất đồng trong quan điểm sống, không lâu sau đó lại tranh cãi, ly hôn... mang theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Chứng kiến học trò tuổi ăn tuổi lớn đã tay bồng tay bế, lao động vất vả, thầy cô rất đau lòng. Song nếu không có sự đồng thuận từ phía gia đình để cùng giáo dục các cháu sẽ rất khó để cải thiện tình hình. Ngành GD-ĐT không thể đơn độc trong việc này được”, ông Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ quan điểm.
Được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát học sinh, giáo viên phải để ý cả những tuyến xe đường dài đi ngoại tỉnh. Có trường hợp thầy cô lên tận xe, yêu cầu học sinh của mình quay lại trường để học, nếu không các em đã “trốn” về các tỉnh dưới xuôi để đi làm “chui”. - Ông Lê Văn Thống