Gen Z nghiên cứu ngôn ngữ 'hội mẹ bỉm sữa' trên mạng xã hội

GD&TĐ - Hai nữ sinh ngành Sư phạm vừa gây chú ý với nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ của mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội.

Lê Thu Phương (bên trái) và Nguyễn Thị Minh Tâm.
Lê Thu Phương (bên trái) và Nguyễn Thị Minh Tâm.

Đó là Nguyễn Thị Minh Tâm và Lê Thu Phương, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội

Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram và các diễn đàn như Webtretho đã biến không gian trực tuyến thành nơi để phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ trẻ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, với nhiều nhóm cộng đồng dành riêng cho phụ huynh như “Hội các mẹ bỉm sữa” thu hút hàng trăm nghìn thành viên.

thu-phuong-1.jpg
Nguyễn Thị Minh Tâm, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Ngôn ngữ được sử dụng trong các bài đăng, bình luận, hay video không chỉ phản ánh trải nghiệm cá nhân mà còn định hình nhận thức, hành vi, và thậm chí là áp lực xã hội đối với vai trò làm cha mẹ.

“Bắt trọn” nhu cầu cấp thiết trong việc hiểu và định hướng ngôn ngữ giao tiếp trong bối cảnh mạng xã hội đang định hình đời sống hiện đại, hai nữ sinh Nguyễn Thị Minh Tâm và Lê Thu Phương, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quyết định chọn đề tài nghiên cứu về đặc điểm từ vựng - ngữ dụng của diễn ngôn chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ trên mạng xã hội ở Việt Nam.

“Việt Nam đã có một số nghiên cứu về từ vựng - ngữ dụng của diễn ngôn chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ trên mạng xã hội, nhưng chưa thực sự phong phú”, Nguyễn Thị Minh Tâm bày tỏ và cho biết thêm, trên thực tế, các nghiên cứu hiện có thường tập trung vào từ vựng hơn là ngữ dụng, và phần lớn mang tính so sánh hoặc phân tích văn hóa. Chúng em kỳ vọng nghiên cứu của mình không chỉ làm sáng tỏ vai trò của ngôn ngữ trong việc định hình trải nghiệm làm cha mẹ mà còn góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Suốt nhiều tháng, hai nữ sinh dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin trên Facebook, TikTok. “Chúng em gặp nhiều khó khăn ở phần tìm ngữ liệu khảo sát. Chúng em cần tìm ở đa dạng các nền tảng, đối tượng khảo sát cũng cần ở đủ mọi độ tuổi, từ phụ huynh trẻ tới phụ huynh lớn tuổi, phụ huynh ở vùng nông thôn cho tới thành thị”, Thanh Tâm nói.

Khó khăn đối với hai nữ sinh còn đến từ những khó khăn trong việc thống kê để phân loại đúng các loại từ vựng, nắm rõ đặc điểm ngôn ngữ mạng và đưa ra được kết quả chính xác nhất về đặc điểm diễn ngôn của phụ huynh khi chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Từ đó, định hướng được cần phát triển nền tảng số hỗ trợ phụ huynh như thế nào sao cho thiết thực và đạt hiệu quả nhất

Góp phần xây dựng một cây cầu ngôn ngữ

Theo đánh giá của TS Lương Thị Hiền – Phó trưởng Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc sử dụng từ vựng và ngữ dụng trong diễn ngôn hiện đang đặt ra nhiều vấn đề. Từ vựng được sử dụng trong diễn ngôn làm cha mẹ thường mang tính thân mật, dễ hiểu, và giàu cảm xúc.

Tuy nhiên, sự lạm dụng từ lóng (như “bỉm sữa”), viết tắt (“ko”, “dc”), hoặc ngôn ngữ lai tạp (như “baby cute”) đang làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Một số bài viết còn chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ quảng cáo, với các cụm từ như “sản phẩm an toàn” hay “tốt cho bé”, làm mất đi tính tự nhiên của diễn ngôn.

Những phát hiện trong đề tài này cảnh báo về nguy cơ mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ và cần có các biện pháp nâng cao ý thức sử dụng tiếng Việt đúng cách. Về ngữ dụng, việc kể chuyện cá nhân, đặt câu hỏi, hay sử dụng biểu tượng cảm xúc nhằm thu hút tương tác, nhưng đôi khi vô tình củng cố các chuẩn mực không thực tế.

minh-tam.jpg
Lê Thu Phương, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Trong bối cảnh Việt Nam, nơi văn hóa gia đình vẫn đóng vai trò trung tâm, việc nghiên cứu diễn ngôn trên mạng xã hội giúp nhận diện các áp lực vô hình, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ phụ huynh, đặc biệt là những người trẻ, trong hành trình nuôi dạy con. Đồng thời góp phần bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt và định hướng sử dụng ngôn ngữ một cách tích cực, chuẩn mực trong không gian trực tuyến.

“Điều chúng em mong muốn nhất khi thực hiện đề tài này là có thể góp phần xây dựng một cây cầu ngôn ngữ giữa những người làm cha mẹ và thế giới số. Bằng việc nghiên cứu đặc điểm từ vựng - ngữ dụng của diễn ngôn chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ trên mạng xã hội, chúng em hi vọng hiểu sâu hơn cách mà phụ huynh đang giao tiếp, chia sẻ, và học hỏi từ nhau.

Từ đó, chúng em định hướng phát triển một ứng dụng số không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, mà còn thân thiện về mặt ngôn ngữ, dễ tiếp cận, dễ đồng cảm, như một người bạn đồng hành thực sự của các bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con cái. Mong muốn cuối cùng vẫn là hiểu để hỗ trợ, hành trình làm cha mẹ trở nên bớt cô đơn và nhiều yêu thương hơn” - Nguyễn Thị Minh Tâm bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ