Sáng 25/5, Bộ GD&ĐT, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp rà soát, góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; tham vấn chính sách đối với dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.
Dự kiến những điều chỉnh quan trọng
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đến công tác xây dựng, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là công việc yêu cầu cấp bách, tốc độ, nhanh, kịp thời; đồng thời yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm sự đổi mới.
Về phía Bộ GD&ĐT, bên cạnh xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ đã và đang tập trung cao độ cho việc điều chỉnh 3 luật rất quan trọng: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Với khối lượng công việc rất lớn, áp lực nhiều, nhưng tinh thần triển khai là quyết tâm làm đồng bộ để bảo đảm có cái nhìn tổng thể, liên thông và tính khả thi.

Báo cáo tóm tắt quá trình chuẩn bị và một số nội dung quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết:
Từ đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và chuẩn bị hồ sơ Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.
Lãnh đạo Bộ đã chủ trì nhiều cuộc họp để Ban soạn thảo, Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các cơ quan, đơn vị thảo luận về đề cương dự thảo Luật, bản thảo chi tiết các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật. Cùng với đó, giao đơn vị đầu mối tổ chức soạn thảo (Vụ Pháp chế) chủ động làm việc với từng đơn vị về các nội dung liên quan; trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý các phiên bản của dự thảo Luật và Tờ trình.
Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, như: Tham khảo quy định về Luật Giáo dục một số nước trên thế giới; tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan, tổ chức, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, chuyên gia nhà khoa học để góp ý với dự thảo Luật. Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật…
Các ý kiến đóng góp được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Đến 21/5, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Đến phiên bản dự thảo gửi thẩm định ngày 21/5/2025, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 47/115 điều, chiếm tỷ lệ 40,86%.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý liên quan đến: Hệ thống giáo dục quốc dân; văn bằng, chứng chỉ; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; hoạt động khoa học, công nghệ của cơ sở giáo dục; tài liệu giáo dục địa phương; Hội đồng trường trong trường mầm non, phổ thông công lập; phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục; chính sách miễn, hỗ trợ học phí; sửa đổi một số nội dung để phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy...

Báo cáo tóm tắt về xây dựng chính sách của Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP, Nghị quyết số 77/2025/UBTVQH15, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương xây dựng chính sách của Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Trên cơ sở nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng và xuất phát từ thực tiễn về những vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình triển khai thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ GD&ĐT đã xác định được 5 nhóm chính sách và hoàn thiện hồ sơ xây dựng chính sách để gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị theo quy định.
Cụ thể 5 chính sách gồm: Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Với 5 chính sách như trên, dự kiến dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 Chương, 48 Điều, giảm 31 Điều so với luật hiện hành; cắt giảm 32/70 thủ tục hành chính, chiếm 45,7% và đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ trong tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 38/70 thủ tục hành chính (chiếm 54,3%).

Về Dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), 6 nhóm chính sách bổ sung, điều chỉnh sẽ được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật; trong đó hiện đại hóa - tự chủ đại học - nâng cao chất lượng là trục xuyên suốt và thể hiện rõ trong từng chính sách đề xuất.
Cụ thể 6 nhóm chính sách gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao;
Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học hội nhập quốc tế; Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
Từ nhóm các chính sách trên, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) soạn thảo dự kiến giảm hơn 1/3 số điều, giảm 2 chương; giảm 50% số lượng quy trình; giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Đổi mới phải đem lại yếu tố chất lượng cho giáo dục
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm, định hướng một số chính sách lớn cần tập trung trao đổi, làm rõ, liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, văn bằng, chứng chỉ, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, hội đồng trường (với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục); quản lý nhà nước với giáo dục đại học, cơ chế học phí và hỗ trợ tài chính cho người học, bảo đảm chất lượng (với Luật Giáo dục đại học sửa đổi); cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp (với Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi)…
Các ý kiến phát biểu từ Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực khi triển khai điều chỉnh đồng thời 3 luật, cũng như cách làm hết sức khoa học, kịp thời của Bộ GD&ĐT. Đi vào góp ý từng nội dung cụ thể, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tính tổng thể, sự kết nối giữa các luật. Đại diện Ban soạn thảo các luật đã báo cáo làm rõ thêm một số nội dung Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội quan tâm.




Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội với nhiều ý kiến trao đổi, góp ý tâm huyết.
Theo Bộ trưởng, khi bắt tay điều chỉnh 3 luật, Bộ GD&ĐT đã xác định tư tưởng chỉ đạo, xuất phát từ cái nhìn tổng thể toàn hệ thống giáo dục. Những điều chỉnh cần giúp đổi mới toàn bộ hệ thống theo hướng nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt, mạch lạc, hiện đại, dễ triển khai, vận hành trơn tru, hiệu quả; hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản hơn, nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Điều chỉnh 3 luật phải đem lại yếu tố chất lượng cho giáo dục; từ khóa quan trọng là phải làm thế nào để gia tăng chất lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.