Giáo viên đổ xô ra nước ngoài tìm việc

GD&TĐ - Ở Philippines, Zimbabwe... xuất hiện tình trạng giáo viên chuyển đến làm việc tại các quốc gia phát triển vì được trả lương và đãi ngộ tốt hơn.

Nhiều giáo viên Zimbabwe đang làm việc tại Vương quốc Anh.
Nhiều giáo viên Zimbabwe đang làm việc tại Vương quốc Anh.

Xu hướng trên được cảnh báo sẽ khoét sâu vào tình trạng thiếu giáo viên và giảm chất lượng giáo dục trong nước.

Mong muốn mức lương hậu hĩnh

Thay mặt giáo viên trong hệ thống trường công lập, ACT kêu gọi Chính phủ Philippines tăng lương từ 27.000 peso (11,3 triệu đồng) lên hơn 36.000 peso (15,1 triệu đồng) mỗi tháng cho giáo viên bậc 1. Ngoài ra, chính phủ và các cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ, quy định việc làm... để cải thiện chất lượng việc làm, điều kiện sống cho giáo viên; từ đó, giúp thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.

Sau khi vượt qua Kỳ thi cấp giấy phép giáo viên vào năm 2010, cô giáo Mari Resurreccion được phân công công tác tại một trường tư thục trong 3 năm, sau đó chuyển sang làm giáo viên Giáo dục công dân cho một trường công lập tại tỉnh Zambales, Philippines. Tuy nhiên, công việc, dù ở trường công lập hay tư thục, cũng không đem lại mức lương đủ cho nữ giáo viên chi trả chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Sau khi con trai chào đời vào năm 2014, gia đình cô Resurreccion lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải vay nợ khắp nơi để có tiền mua bỉm, sữa cho con. Trong hoàn cảnh bế tắc, cô Resurreccion tình cờ tìm thấy thông tin tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tại các nước châu Á. Vì từng có cơ hội tham gia khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản và các vị trí việc làm ở nước này trả mức lương hậu hĩnh nhất, Resurreccion quyết định ứng tuyển.

Năm 2019, cô Resurreccion gửi con trai 4 tuổi về quê cho bố mẹ chăm sóc còn mình khăn gói sang Nhật Bản. Tại đây, cô làm giáo viên tiếng Anh trong một bệnh viện rồi chuyển sang làm giúp việc cho một gia đình giàu có.

Sau 3 năm, vì nhớ nghề dạy học, cô Resurreccion quyết định ứng tuyển vào vị trí giáo viên tiếng Anh tại một trường mẫu giáo quốc tế và làm việc cho đến nay. Lớp của cô có 16 em, thường đến từ các gia đình khá giả. Mức lương của công việc này cũng tương đối hậu hĩnh.

Dù quãng thời gian ở Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn, có khi không được làm công việc như mong muốn, nhưng cô Resurreccion kiếm được gấp ba lần so với khi làm giáo viên trong nước. Thời gian tới, Resurreccion dự kiến đưa chồng con sang Nhật Bản theo diện thị thực lưu trú gia đình.

Còn anh RD Aquino, cựu nhân viên Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội Philippines (DSWD) đã quyết định nghỉ việc và chuyển đến Nhật Bản làm trợ giảng cho Chương trình Trao đổi và Giảng dạy Nhật Bản (JET).

Đối với chàng trai trẻ, việc ứng tuyển là một quá trình dài do anh phải cạnh tranh với nhiều giáo viên Philippines sở hữu bằng cấp, thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, anh đã vượt qua nhiều đối thủ xuất sắc và chính thức giảng dạy tại Nhật Bản từ năm 2019.

Ở đất nước mới, anh Aquino nhận mức lương cao hơn khi làm việc trong nước. Không chỉ dạy tiếng Anh cho học sinh THPT, thầy giáo còn có cơ hội được trau dồi và thúc đẩy giao lưu văn hóa, từ đó mở rộng kinh nghiệm và vốn sống.

Theo anh Aquino, ngoài mức lương hậu hĩnh, giáo viên tại Nhật Bản còn được nhận các khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe và phải trả rất ít chi phí cho các dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, một phần lương của giáo viên sẽ đóng góp vào quỹ hưu trí phúc lợi nên khi về già hoặc nghỉ việc, họ có thể nhận được một khoản tiết kiệm kha khá. Điều này cho thấy giáo viên nước ngoài tại Nhật Bản được hưởng chế độ đãi ngộ không mấy thua kém so với giáo viên bản địa.

Cô giáo người Philippines Mari Resurreccion dạy tiếng Anh tại một trường mẫu giáo quốc tế tại Nhật Bản.

Cô giáo người Philippines Mari Resurreccion dạy tiếng Anh tại một trường mẫu giáo quốc tế tại Nhật Bản.

Cô Resurreccion và anh Aquino chỉ là hai trong số hàng nghìn người Philippines đã rời đất nước để làm việc tại nước ngoài, trong đó, công việc được nhiều người lựa chọn nhất là giáo viên. Theo thống kê của Cơ quan Quản lý việc làm nước ngoài Philippines (POEA), từ năm 2013 - 2017, trung bình mỗi năm, khoảng 1.500 giáo viên Philippines ra nước ngoài làm việc.

Nhật Bản là một trong những điểm đến yêu thích của giáo viên nước Philippines. Vào cuối năm 2022, Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản ghi nhận 298.740 người Philippines sinh sống và làm việc tại nước này, trở thành quốc gia có đông người cao thứ 4 tại Nhật Bản.

Một quốc gia khác cũng đang thu hút giáo viên Philippines là Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ thiếu giáo viên trầm trọng, nước này đã mở rộng kế hoạch tuyển dụng ra nước ngoài. Giáo viên Philippines với trình độ tiếng Anh tương đối thành thục đã trở thành nguồn cung mới cho xứ cờ hoa.

Điều kiện làm việc hạn chế

Cô giáo Resurreccion chuyển đến làm việc tại Nhật Bản vì mức lương cao hơn so với làm việc trong nước.

Cô giáo Resurreccion chuyển đến làm việc tại Nhật Bản vì mức lương cao hơn so với làm việc trong nước.

Tại Philippines, giảng dạy được coi là nghề có tính cạnh tranh cao với tỷ lệ trung bình 14 ứng viên nộp đơn vào một vị trí trống. Hàng năm, giáo viên được đánh giá và xếp hạng liên tục. Những giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được trao thưởng Giáo viên Xuất sắc.

Tuy nhiên, theo Liên minh Ủng hộ Giáo viên Philippines (ACT), giáo viên trong các trường công lập lẫn tư thục bị trả lương thấp và chế độ đãi ngộ tương đối kém. Ngoài ra, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa giảng dạy và cuộc sống vì quy mô lớp học lớn, công việc hành chính khổng lồ... Nhiều giáo viên đâm ra kiệt sức và mất đi tinh thần nhiệt huyết với nghề.

Vì vậy, lựa chọn ra nước ngoài làm việc với họ là hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mức lương hậu hĩnh hơn và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. ACT ước tính Philippines đang thiếu 147.000 giáo viên công lập trong khi nhiều giáo viên đang rời bỏ nghề và làm việc ở nước ngoài.

Liên minh này cảnh báo tình trạng trên sẽ khiến chất lượng giáo dục và kết quả học tập của học sinh Philippines tụt dốc. Số liệu học tập tiểu học Đông Nam Á năm 2019 cho thấy tại Philippines, chỉ 10% học sinh đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về đọc và 17% đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về toán học.

Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng giáo viên rời đất nước và chuyển đến làm việc tại các quốc gia có điều kiện tốt hơn không còn là câu chuyện xa lạ. Trong đó, các chuyên gia cảnh báo nguồn lực đang đổ về phương Tây hay một số quốc gia châu Á phát triển.

Đơn cử, tại châu Âu, trong thời gian gần đây, Vương quốc Anh là điểm đến việc làm thu hút giáo viên quốc gia châu Phi Zimbabwe.

Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (còn gọi là sự kiện Brexit), Anh đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế và giáo viên ngày càng trầm trọng. Để tháo gỡ vấn đề trên, vào tháng 2/2023, Anh cho phép giáo viên dạy nước ngoài đến nước này làm việc trong tối đa 4 năm.

Ứng viên cần có trình độ giảng dạy ở các môn mà Anh đang thiếu giáo viên như Toán, Khoa học và các môn ngoại ngữ... Bên cạnh Zimbabwe, giáo viên một số nước nhắm đến làm việc tại Anh như Ghana, Nigeria, Nam Phi...

Giáo viên nước ngoài ứng tuyển vào các trường học Anh cần đạt trình độ giảng dạy tiếng Anh tối thiểu. Sau đó, trong quá trình làm việc tại Anh, họ sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ để lấy chứng chỉ giáo viên đủ tiêu chuẩn (QTS). Sở hữu QTS, giáo viên sẽ dễ dàng nhận được những công việc giảng dạy có điều kiện, mức lương hậu hĩnh.

Cô giáo Nyasha, sống tại Zimbabwe, nhìn nhận: “Đây là một tin tuyệt vời. Điều kiện làm việc tại Zimbabwe thật không thể chịu nổi”.

Nguy cơ “chảy máu chất xám”

Tình trạng giáo viên chuyển đến Anh làm việc gây 'chảy máu chất xám' tại Zimbabwe.

Tình trạng giáo viên chuyển đến Anh làm việc gây 'chảy máu chất xám' tại Zimbabwe.

Trong nhiều thập kỷ, giáo dục Zimbabwe được đánh giá là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất tại châu Phi. Bất chấp nhiều năm suy thoái kinh tế, nước này vẫn duy trì được đội ngũ giáo viên có trình độ học vấn và tay nghề cao.

Tuy nhiên, giáo viên Zimbabwe kiếm được mức lương ít ỏi. Ước tính, lương giáo viên Zimbabwe là 50.000 đô la Zimbabwe (75 USD), bằng một phần mức lương giáo viên hy vọng có thể kiếm được ở Vương quốc Anh. Theo Bộ Giáo dục Anh, mức lương trung bình của giáo viên hiện nay là 2.300 bảng (2.800 USD).

Tổng Thư ký Hiệp hội Giáo viên tiến bộ Zimbabwe, ông Raymond

Majongwe, cảnh báo: “Chỉ riêng trong năm nay, 15 giáo viên đã chính thức nói lời chia tay chúng tôi, chưa kể đến những người đang ấp ủ dự định này. Các giáo viên đang bị ‘bắt’ bởi Vương quốc Anh. Zimbabwe đang bị chảy máu chất xám nghiêm trọng”.

Trước khi Vương quốc Anh có lời mời giáo viên nước ngoài, giáo viên

Zimbabwe đã chuyển đến làm việc cho một số quốc gia trong khu vực có điều kiện tốt hơn như Nam Phi, Rwanda... Dù là nhận lời mời làm việc tại quốc gia nào, giáo viên Zimbabwe có cùng chung một suy nghĩ, đó là hy vọng được đổi đời.

Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệu trưởng các trường học quốc gia Zimbabwe, bà Munyaradzi Majoni, bày tỏ không ngạc nhiên về cuộc “di cư ồ ạt” của giáo viên, thậm chí là cán bộ quản lý, trong những năm tới.

“Đây là hồi chuông cảnh báo chính phủ cần hành động khẩn cấp để cải thiện điều kiện việc làm và giữ chân giáo viên”, bà Majoni cho biết.

Đến nay, các chuyên gia giáo dục chưa thể xác định những giáo viên di cư ra nước ngoài liệu có trở về nước và cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà hay không. Nếu điều này không xảy ra, tình trạng “chảy máu chất xám” tại các quốc gia kém phát triển hơn sẽ là vô cùng nghiêm trọng.

Tại Nhật Bản, giáo viên Resurreccion cho biết cô muốn trở lại Philippines sau khi tiết kiệm đủ tiền nhưng sẽ cho con cái theo học tại các trường đại học Nhật Bản. Còn anh Aquino, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo đuổi các cơ hội việc làm tại Nhật cho đến khi giành được thị thực thường trú nhân. Chàng trai dự định sẽ tiết kiệm tiền để học lên tiến sĩ và trở về Philippines ở một tương lai xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.