Băn khoăn về “Đề án Ngoại ngữ” ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của một số giáo viên về việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Cần phát huy những sáng kiến trong dạy và học trong các nhà trường tại Thanh Hóa
Cần phát huy những sáng kiến trong dạy và học trong các nhà trường tại Thanh Hóa

Những băn khoăn của giáo viên

Trong đơn thư phản ánh, nhiều giáo viên (GV) cho rằng; Quyết định 3475/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 17/9/2018 về việc: Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” và sau đó là Công văn 2603/SGD ĐT của Sở GD&ĐT Thanh Hóa ngày 18/10/2018, thông báo kế hoạch rà soát, kiểm tra đánh giá trình độ năng lực của đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến ngày 5/11/2018, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn 2776/SGDĐT-GDTrH về việc kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh, đã khiến không ít GV đang dạy môn học này có nhiều băn khoăn về những vấn đề liên quan.

Cụ thể, theo Quyết định 3475/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa, sau khi rà soát tổng thể GV tiếng Anh toàn tỉnh, GV chưa đạt chuẩn sẽ phải đăng kí học bồi dưỡng, ôn thi và thi lấy chứng chỉ B2 (đối với GV cấp tiểu học và THCS) và C1 (đối với GV THPT). Việc rà soát khảo sát, bồi dưỡng ôn thi và dự thi đều được tỉnh lên kế hoạch dự chi kinh phí hàng tỷ đồng, tuy nhiên trong công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa lại yêu cầu GV phải tự túc kinh phí.

Từ năm 2012 đến 2017, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đề án ngoại ngữ này, tiến hành khảo sát, cử GV đi học bồi dưỡng, thi lấy chứng chỉ và hiện nay vẫn đang có lớp ôn thi. Sau đó Sở GD&ĐT còn cử những GV đạt chuẩn đi học lớp phương pháp giáo dục. Vậy, tại sao lần này UBND tỉnh vẫn chỉ đạo Sở GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường điều động toàn bộ GV tiếng Anh tiếp tục rà soát tổng thể, trong khi GV đã có chứng chỉ đạt chuẩn do Trường Đại học Quốc gia cấp? Liệu sau lần rà soát này, GV tiếng Anh trên địa bàn tỉnh còn phải tiếp tục rà soát nữa không?

Cũng theo đơn thư phản ánh, nhiều GV cho rằng, có nhiều tỉnh cũng thực hiện việc rà soát năng lực GV tiếng Anh. Tuy nhiên, ở những địa phương ấy, họ chỉ rà soát đối với những GV chưa đạt chuẩn, còn đối với GV đã có chứng chỉ công nhận chuẩn thì sẽ không phải rà soát nữa, tránh tốn kém chi phí cho Nhà nước không cần thiết, tránh mất thời gian để khỏi ảnh hưởng đến công việc dạy học bị gián đoạn và đặc biệt là tránh bức xúc đối với GV môn học này…

Sở chờ hướng dẫn từ Bộ

Sau khi nhận đơn thư phản ánh của GV, phóng viên Báo GD&TĐ đã trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Một thực trạng từ trước đến nay là chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa chưa phải là cao so với các tỉnh thành trên cả nước. Qua các đợt rà soát trước đây cho thấy, trình độ, năng lực của GV dạy tiếng Anh ở các trường học trong toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn rất thấp.

Đặc biệt, số GV có trình độ ngoại ngữ ở Thanh Hóa có tới khoảng 50% là bằng tại chức, mặc dù cũng đã được kiểm tra, rà soát rồi nhưng chất lượng chung vẫn còn thấp. Do đó, Sở GD&ĐT rất trăn trở về vấn đề này, nên có tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng môn học này. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý và phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”.

“Khi tiến hành thực hiện rà soát tổng thể đối với các GV đang dạy ngoại ngữ, thì tất cả GV tham gia đợt khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực lần này đều không phải đóng phí. Toàn bộ kinh phí cho lần khảo sát này do UBND tỉnh chi từ ngân sách. Bên cạnh đó, việc thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực đối với GV tiếng Anh đợt này là để chốt lại lần cuối. Nếu GV nào chưa đạt trình độ chuẩn, thì tỉnh và Sở sẽ có hướng đào tạo thêm cho GV đạt chuẩn, chứ không phải là sẽ có hình thức xử lý nào đó như một số GV hiểu nhầm”- bà Hằng cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, sau khi Sở GD&ĐT ban hành công văn gửi về các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và hiệu trưởng các trường THPT để triển khai thực hiện đề án thì có GV gửi đơn thư phản ánh cho Báo GD&TĐ. Do đó, để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho GV hiểu rõ, yên tâm công tác, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã làm công văn gửi về Bộ GD&ĐT xin ý kiến hướng dẫn của Bộ để Sở thực hiện đề án.

“Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của GV dạy Tiếng Anh, Sở GD&ĐT đang làm công văn gửi Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc: Những GV đã được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đạt chuẩn theo quy định rồi thì có thời gian là bao nhiêu năm. Nếu những trường hợp đó, mà không phải giới hạn về thời gian, thì Sở GD&ĐT sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét cho những GV đã qua bồi dưỡng, được cấp chứng chỉ đạt chuẩn rồi, thì có cần phải tham gia rà soát đợt này hay không. Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở GD&ĐT Thanh Hóa vẫn đang chờ ý kiến, hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT”- bà Phạm Thị Hằng cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.