Giáo viên Đà Nẵng nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT 2022 môn Sinh học: Hay và lạ

GD&TĐ - Thầy Hoàng Trọng Nghĩa - Tổ trưởng Tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét: Đề thi môn Sinh học năm nay rất hay và mới lạ. 

Thí sinh Đà Nẵng rời phòng thi môn Sinh học trong thời tiết nắng nóng
Thí sinh Đà Nẵng rời phòng thi môn Sinh học trong thời tiết nắng nóng

Theo thầy Nghĩa, đề thi môn sinh năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa. Trong đó, có nhiều câu hỏi mang tính chất tạo cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THPT. Có khoảng 60% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp. Chỉ cần học sinh chịu khó nghe giảng bài trên lớp học và nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm tốt những câu này và dễ dàng đạt được điểm trung bình. Đề thi có 40% câu hỏi dùng để phân hóa, trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.

Có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nằm trong chương I – Chuyển hóa vật chất và năng lượng, câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. 90% số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, phân bố gồm 9 câu Cơ chế di truyền và biến dị, 9 câu Quy luật di truyền, 1 câu di truyền người, 2 câu di truyền học ứng dụng, 3 câu di truyền quần thể, 4 câu Tiến hóa và 8 câu Sinh thái.

Các câu khó nhất của đề thi vẫn nằm trong phần quy luật di truyền và di truyền quần thể. Không có câu phả hệ ở mức vận dụng cao như đề thi truyền thống của nhiều năm qua. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, giống như hầu hết các đề môn Sinh trong những năm gần đây và đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Đà Nẵng có 5.293 thí sinh đăng ký dự thi môn Sinh học
Đà Nẵng có 5.293 thí sinh đăng ký dự thi môn Sinh học

Thầy Hoàng Trọng Nghĩa nhận xét, một số dạng bài như nhân đôi ADN, XYZ, mới nhìn qua dữ kiện của câu hỏi, thí sinh dễ bị rối nhưng đây là câu hỏi có tính chất phân hóa thí sinh rất tốt. Các dữ liệu được sử dụng không theo mô típ quen thuộc nên các em nếu không nắm được bản chất của câu hỏi sẽ cho là câu hỏi khó. Nếu đơn thuần chỉ học luyện thi bằng cách giải nhiều dạng đề mà không biết chọn được từ khóa, không có khả năng vận dụng và tư duy nhanh thì khó có thể giải quyết được các câu hỏi vận dụng cao ở đề thi năm nay.

Cái hay của đề thi tốt nghiệp môn Sinh học năm 2022, theo như thầy Hoàng Trọng Nghĩa nhận xét, là có sự giảm của việc lồng ghép toán vào câu hỏi, tăng tỉ lệ dạng câu hỏi đánh giá năng lực đặc biệt là các năng lực đọc, phân tích hình ảnh, đồ thị và bảng biểu để khai thác dữ liệu từ đó làm nguyên liệu cho việc trả lời câu hỏi.

Ở 10 câu cuối cùng của đề các câu hỏi sắp xếp không theo thứ tự mà ngẫu nhiên do phần mềm trộn đề. Điều này giúp hạn chế các thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên đáp án cho 4 câu vận dụng cao mà trước đây thường nằm ở cuối cùng.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, theo thầy giáo Hoàng Trọng Nghĩa, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng.

Dự đoán phổ điểm thi của môn Sinh học, thầy Nghĩa cho rằng, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Đề có tính phân hóa thí sinh tốt và không nhiều thí sinh đạt mốc điểm 9-10 nên mưa điểm 10 là khó xảy ra.

Thí sinh Xuân Linh, thí sinh tự do, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú nhận xét: “Môn Sinh học là môn thi cuối cùng của bài thi tổ hợp, thí sinh đã khá mệt, mức độ tập trung không còn được tốt như 2 môn đầu nhưng đề khá là dài. Thí sinh phải tập trung thời gian làm bài tối đa mới có thể làm được hết các câu hỏi”.

So sánh với đề thi môn Sinh học của năm 2021, theo Xuân Linh, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi lạ. Chẳng hạn như dạng bài biểu đồ sinh thái, gen tuy không phải mới nhưng cách xây dựng câu hỏi không theo mô típ quen thuộc của những năm trước đó. Nếu bạn nào mới đọc qua, thấy đề dài mà đã lúng túng, không gạch chân các cụm từ cần lưu ý trong đề để nhận diện dạng bài tập đúng thì rất dễ áp dụng nhầm công thức.

Ngoài ra, theo Xuân Linh, thí sinh cũng phải có kỹ năng phân tích đồ thị và bảng biểu để làm dữ liệu trả lời câu hỏi. Nếu thí sinh nào có kỹ năng này tốt thì dễ có điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ