Chưa bắt nhịp cùng đổi mới
Theo cô giáo Nguyễn Hoài Trang (Trường THPT Chuyên Hạ Long – Quảng Ninh): Học sinh THPT luôn hiếu động, nhạy bén trước cái lạ, cái mới… Thế nhưng, không ít giáo viên chủ nhiệm vẫn còn thụ động, chạy theo đuôi các vụ việc. Phần lớn các công việc của giáo viên lệ thuộc quá trình nhiều ở sự nhắc nhở, chỉ bảo của lãnh đạo nhà trường.
Không ít giáo viên chủ nhiệm còn trông chờ, ỷ lại, chưa thể hiện sự chủ động của mình trong công việc. Như vậy lãnh đạo nhà trường không thể làm thay phần việc của giáo viên và cũng không phải lúc nào cũng nắm bắt kịp thời tình hình cụ thể của từng lớp, từng đối tượng học sinh. Nếu giáo viên không sát sao với từng học sinh trong lớp sẽ dẫn đến tồn tại, khuyết điểm phổ biến là không kịp thời ngăn chặn các biểu hiện xấu của học sinh khi vụ việc còn đang tiềm ẩn.
Một thực trạng khác là cách thức xử lý học sinh vi phạm của một số giáo viên chủ nhiệm đôi khi khá ngẫu hứng, sử dụng phương pháp sư phạm, giáo dục chưa phù hợp và thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến dễ vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm nhân phẩm học sinh, gây khó chịu đối với cha mẹ học sinh. Việc vận dụng yếu tố tâm lý trong giáo dục hành vi học sinh của một số giáo viên còn đơn điệu mang nặng tính áp lực, răn đe buộc học sinh vâng lời tức thì mà không làm cho học sinh nhận thức đúng vấn đề...
Đổi mới để thích nghi
Đổi mới công tác chủ nhiệm lớp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh đòi hỏi mỗi giáo viên phải từng bước nâng cao năng lực làm chủ nhiệm. Mặt khác cần nhiều tấm gương sáng hơn nữa trong công tác chủ nhiệm để có sự lan tỏa mạnh mẽ đến với những giáo viên còn ít kinh nghiệm, giáo viên trẻ…
Kinh nghiệm đổi mới trong công tác giáo viên chủ nhiệm đã được cô giáo Hoài Trang chia sẻ: Giáo viên phải lập kế hoach, chỉ rõ chương trình công tác chủ nhiệm toàn năm. Sau đó báo cáo kế hoạch với lãnh đạo nhà trường phụ trách công tác chủ nhiệm lớp; trao đổi với ban đại diện cha mẹ học sinh và thảo luận kế hoạch đề ra với chính tập thể lớp mình chủ nhiệm.
Mặt khác, cần có sự phối kết hợp hiệu quả với các bộ phận có liên quan như Đoàn thanh niên nhà trường, giáo viên bộ môn… Để biết được sự đổi mới, sáng tạo trong công tác chủ nhiệm hiệu quả tới đâu cần có sự đánh giá hoạt động đã thực hiện sau mỗi tháng và cuối kỳ, rút kinh nghiệm để bổ sung cho sáng kiến. Báo cáo công tác chủ nhiệm cuối tháng và cuối kỳ…
Theo cô Trang, với những đổi mới sáng tạo trong công tác chủ nhiệm mà học sinh đã giữ gìn ý thức nền nếp tốt. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy của nhà trường. Học sinh cũng học tập chăm chỉ, sáng tạo và hiệu quả cao hơn. Biết giúp đỡ nhau trong học tập.
Ngoài ra học sinh còn năng động tham gia các hoạt động của nhà trường, từng học sinh có khả năng nói trước đám đông, tập huấn để từng em có khả năng tổ chức sự kiện. Học sinh được tạo khả năng hoạt động trong nhóm nhỏ, nhóm lớn. Biết xây dựng kế hoạch công việc trước khi thực hiện công việc được giao.
Giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe, chia sẻ và thường xuyên tìm hiểu tâm lý học sinh qua mỗi năm học, khóa học khác nhau. Không áp dụng máy móc 1 phương pháp hay cách thức quản lý. Giáo viên chủ nhiệm phải thể hiện sự nhiệt tình, ân cần, khoa học và đặc biệt là sự công bằng giữa các học sinh. Thường xuyên tìm tòi những cách làm tốt, đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh...
Để đổi mới, sáng tạo thành công công tác giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi các hoạt động liên quan tới quản lý học sinh đều cần tới sự vào cuộc và phối hợp tích cực giữa nhà trường, đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, gia đình học sinh.