Đột phá với giải pháp hai tốc độ

GD&TĐ - Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) gắn liền với những đột phá về công nghệ, đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Để có thể hòa nhập và tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này, Việt Nam cần phải đào tạo được nguồn nhân lực, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức và chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội.

Đột phá với giải pháp hai tốc độ

Tư duy thứ bậc

TS Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho rằng: Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phải chạy hai tốc độ, một mặt theo tốc độ của nền kinh tế tri thức thời đại CMCN 4.0, một mặt theo tốc độ thực hiện giảm nghèo và phát triển toàn diện, giữ vững ổn định nhất là ở khu vực nông thôn, nông nghiệp phát triển lạc hậu.

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải có giải pháp hai tốc độ tương ứng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động nông thôn; chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững của Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo…

Cùng với đó, tận dụng những cơ hội và thế mạnh để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên những thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại theo đặc trưng của cuộc CMCN 4.0.

Một số giải pháp cụ thể đã được TS Nguyễn Chí Trường đề xuất, trong đó: Chuẩn hoá và phát triển theo kỹ năng tư duy thứ bậc của Bloom và

Anderson (Kỹ năng nhớ, Kỹ năng hiểu, Kỹ năng ứng dụng, Kỹ năng phân tích, Kỹ năng đánh giá và Kỹ năng sáng tạo) làm cơ sở để xác định chuẩn đầu ra trong GDNN và cải cách phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức.

Trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, chú trọng trang bị các kỹ năng bổ trợ thiết yếu cho người lao động tại nơi làm việc, gồm: Kỹ năng nhận thức; kỹ năng thích nghi, kỹ năng con người với con người, kỹ năng tại nơi làm việc và giá trị văn hóa, đổi mới sáng tạo.

Trang bị kiến thức kinh doanh, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, kỹ năng phát triển khu vực kinh tế phi chính thức, kỹ năng việc làm, thay đổi tư duy người học từ chờ việc làm, xin việc làm sang tư duy tự tạo việc làm, khởi nghiệp sáng tạo và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Phát triển năng lực riêng biệt

TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: Trong nhiều năm qua xã hội đang chịu tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, tự động hóa với tốc độ chóng mặt.

Trong khi hầu hết các nền giáo dục trên thế giới vẫn chưa có nhiều thay đổi. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nhưng thừa nhiều lao động chất lượng thấp.

Kiến thức được trang bị trong nhà trường chỉ là một cấu phần để tạo nên nền tảng tri thức và kỹ năng lao động ban đầu. Chính vì vậy, giáo dục cần hướng tới từng cá nhân để phát triển năng lực riêng biệt.

Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, người lao động muốn có vị trí việc làm tốt phải xác định đúng năng lực của bản thân; phải đổi mới cách học để học tập suốt đời để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất thích nghi với thị trường lao động hiện đại mà hầu hết các công việc có khi chỉ tồn tại trong vòng 10 năm, 5 năm, thậm chí còn ngắn hơn.

GDNN phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ chuyển đổi nghề nghiệp, phải có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh trạnh quốc gia thì thách thức lớn nhất là nhu cầu đào tạo bao gồm: đào tạo cho đối tượng người học mới, đối tượng chuyển đổi nghề nghiệp, đối tượng học bổ sung, nâng cấp trình độ và đào tạo lại. Bên cạnh đó, đào tạo những nghề mới, những nghề sử dụng công nghệ mới, để đáp ứng được cả về số lượng, chất lượng, tính hiệu quả của lực lượng lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải