Biết tiếng dân tộc để hòa nhập tốt
Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), trong tổng số giáo viên đang giảng dạy bậc mầm non, tiểu học, THCS có khoảng 50% là dân tộc Kinh.
Tuy nhiên, đây là địa phương có tỷ lệ học sinh dân tộc khá cao, phần lớn các em sử dụng bản ngữ tiếng Khmer để giao tiếp. Do các em học sinh trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer nhưng giáo viên là người Kinh nên trước đây gặp không ít khó khăn.
Do không được học bản ngữ nên những giáo viên người Kinh mới vào nghề thường khá lúng túng trong giao tiếp với trẻ.
Ông Lý Văn Luận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhận định: “Ở địa phương, giáo viên không giao tiếp được bằng bản ngữ gặp nhiều khó khăn khi dạy học, nhất là bậc mầm non và tiểu học.
Nhằm tạo thuận lợi cho giáo viên được giảng dạy tốt, ngành Giáo dục thị xã bố trí công việc cho giáo viên người Kinh biết tiếng dân tộc vào những ngôi trường thiếu giáo viên và có đông học sinh dân tộc.
Song song đó là tăng cường tiếng Việt cho học sinh qua thời lượng học, các hoạt động ngoại khóa hướng đến nâng cao kỹ năng giao tiếp của thầy và trò”.
Đồng hành cùng giáo viên, lãnh đạo ngành Giáo dục thị xã Vĩnh Châu cũng chỉ đạo từng đơn vị trường mở những lớp đàm thoại tiếng Khmer cho giáo viên tại đơn vị.
Căn cứ theo nhu cầu giao tiếp thực tế, cả hiệu trưởng và hiệu phó là người dân tộc Khmer sẽ trực tiếp dạy đàm thoại vào buổi tối, tăng cường cơ hội học tập bản ngữ cho giáo viên.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Thầy Trần Trinh Tiến - giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 2 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), là dân tộc Hoa. Tại địa phương thầy được sống trong không gian của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer nên vốn giao tiếp bằng bản ngữ Hoa, Khmer khá tốt.
Thầy bày tỏ: “Học sinh dân tộc thiểu số sử dụng tiếng Việt còn hạn chế, các em khó tiếp thu bài học nên tôi biết tiếng Khmer để hướng dẫn học sinh bằng tiếng Việt và tiếng Khmer, giúp học sinh hình dung được những từ ngữ khó hiểu.
Ngoài ra, nhờ biết tiếng dân tộc Khmer, tôi có điều kiện dễ dàng giao tiếp với phụ huynh, vận động các em trở lại lớp học”.
Quá trình trau dồi bản ngữ của thầy Tiến hay nhiều trường hợp giáo viên khác ở Vĩnh Châu đều rút ra từ những kinh nghiệm giảng dạy, sinh sống tại địa phương. Việc học tập tiếng Khmer phụ thuộc yếu tố hoàn cảnh, hầu hết qua những cuộc giao tiếp giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số để tự học bản ngữ lẫn nhau.
Rèn luyện cách nghe, cách phát âm chuẩn bản ngữ sẽ khiến học sinh dân tộc thích thú với cách dạy lồng ghép hai ngôn ngữ, giáo viên tự tin truyền đạt kiến thức.
Thầy Thạch Chanh Sà Quanh - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), trao đổi: “Giáo viên người Kinh đang công tác tại trường chiếm phần lớn, nhưng giảng dạy ngôi trường dân tộc nội trú có tới 95% học sinh dân tộc Khmer thì trước khi được tuyển dụng phải qua lớp đàm thoại tiếng dân tộc, qua lớp bồi dưỡng văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số.
Tiếng Khmer được sử dụng là ngôn ngữ giao tiếp thông dụng giữa giáo viên và học sinh tại đây. Đạt được những yêu cầu bắt buộc khi giảng dạy, trên nhu cầu những học sinh đầu cấp THCS cần được tăng cường dạy song ngữ, giáo viên phải có khả năng linh hoạt kết hợp song ngữ Việt - Khmer nhất là trong những môn học thuộc khối Khoa học xã hội như: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân”.