Giao thông vận tải thành tâm điểm giải ngân đầu tư công

GD&TĐ - Với khoảng 15 dự án quan trọng ngành Giao thông vận tải trở thành tâm điểm giải ngân đầu tư công trong năm 2023.

Năm 2023 sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm.
Năm 2023 sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm.

Bài toán giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công

Theo kế hoạch được Quốc hội thông qua, năm 2023 khu vực đầu tư công sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi 700.000 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 khoảng 25%.

Tuy nhiên, làm thế nào để tiêu hết 700.000 tỷ đồng là bài toán hóc búa đối với các cấp chính quyền. Bởi tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2022 được cho là chậm. Không những thế, giải ngân còn có sự bấp bênh qua nhiều năm.

Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, năm 2022, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 58% so với năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu vốn từ khu vực đầu tư công lại ở mức cao.

Nhìn lại 5 năm trước, đó là 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, tốc độ giải ngân đầu tư công lần lượt là 73%, 66%, 67%, 82% và 72%. Số liệu trên thể hiện sự thiếu ổn định trong việc giải ngân vốn đầu tư. Đáng ngại hơn, năm 2022 tốc độ giải ngân chậm nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Theo Bộ KH&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công. Đó là việc thiếu đồng bộ về cơ chế chính sách, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho biết: Cơ chế, thủ tục thanh quyết toán của các dự án còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ. Đơn giá định mức cũng không phù hợp với thực tế.

Chẳng hạn, đơn giá đắp nền đường Nhà nước quy định là 16.000 đồng/mét khối, nhưng thực tế là 30.000 đồng/mét khối (gần gấp đôi so với đơn giá Nhà nước).

Cấp phối đá dăm theo quy định là 30.000 đồng nhưng thực tế đang là 120.000 đồng (tức cao hơn gấp 4 lần đơn giá Nhà nước). Việc chênh lệch về giá như vậy đẩy nhiều nhà thầu vào tình thế bị thua thiệt.

Việc lúng túng trong công tác triển khai các dự án đầu tư công được ông Hiệp dẫn ra như tại dự án sân bay Long Thành.

Bên mời thầu ban đầu đưa ra tiêu chí mà không nhà thầu Việt Nam nào đạt được. Đó là Việt Nam chưa có sân bay mới nào có công suất 25 triệu lượt khách/năm, trong khi tiêu chí nhà thầu phải thực hiện dự án tương tự là không khả thi. Nếu nhà thầu nước ngoài tham gia thì họ cũng không đáp ứng được tiêu chí về giá của bên mời thầu…

Ngoài ra, yếu tố khách quan như lạm phát khiến giá cả leo thang, tình hình thế giới có nhiều biến động và các yếu tố khác nằm ngoài dự báo đã ảnh hưởng đến đầu tư công.

Những dự án giao thông nào được hưởng lợi?

Bên cạnh những dự án đã triển khai, năm 2023 có 15 dự án giao thông trọng điểm dự kiến khởi công với tổng số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Các dự án quan trọng bao gồm: Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TPHCM; Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; Cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn; Tuyến đường bộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Các tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Có thể điểm qua một số dự án giao thông lớn như đường Vành đai 4 Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh với chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có chiều dài 76 km với tổng vốn đầu tư lên đến 75.000 tỷ đồng. Tuyến đường được chia làm 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và khánh thành năm 2025. Kỳ vọng đến 2026 tuyến đường sẽ chính thức được khai thác, qua đó giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành, tạo thuận lợi trong kết nối giao thương kinh tế - xã hội với những vùng lân cận.

Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 dài hơn 188 km với tổng mức đầu tư là trên 44.600 tỷ đồng. Tuyến đường chia làm 4 dự án thành phần. Khởi công 2023 hoàn thành năm 2025 và dự kiến đi vào khai thác toàn bộ năm 2027.

Theo thiết kế, tuyến đường có 4 làn xe. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện với 4 làn xe. 2 làn còn lại sẽ thực hiện dự án giai đoạn 2.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nối hai tỉnh Lạng Sơn – Cao Bằng cũng dự kiến được khởi công trong năm 2023. Tuyến đường có tổng chiều dài 121 km với tổng mức đầu tư trên 22.600 tỷ đồng.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 100 km với mặt cắt ngang 17m đảm bảo nhu cầu lưu thông giai đoạn 2025 – 2030. Giai đoạn 2 là hoàn thiện đầu tư hơn 20 km còn lại.

Ngoài ra, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cũng hút nguồn vốn lớn. Cụ thể: Tuyến đường dài 74km với tổng mức đầu tư trên 19.500 tỷ đồng. Dự án giúp “chia lửa” ùn tắc với Quốc lộ 20, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Các dự án khác như Tân Phú - Bảo Lộc, Hữu Nghị - Lạng Sơn, Dầu Giây - Tân Phú… cũng có mức đầu tư từ 10.000 - 17.000 tỷ đồng.

Nhìn vào quy mô các dự án giao thông có thể thấy, lĩnh vực giao thông vận tải trở thành tâm điểm đầu tư công trong năm 2023, chiếm tỷ trọng cao trong tổng ngân sách giải ngân đầu tư công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ