Thông qua sáng kiến “thực địa ảo”, ông mở ra xu hướng giáo dục mới, vẽ đường cho dạy học “ảo” lên ngôi.
“Khóa học của tương lai”
Ariel Anbar chào đời ở Rehovot, Israel nhưng lớn lên và đi học ở California và New York, Mỹ. Từ khi còn là sinh viên, ông đã rất nổi tiếng vì học lực xuất sắc. Niềm đam mê của ông là nghiên cứu địa chất. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, ông làm giảng viên Khoa Khoa học và Môi trường Trái đất tại Trường Đại học Rochester, sau đó chuyển sang Trường Đại học bang Arizona.
Tại Trường Đại học bang Arizona, Ariel Anbar đã mở khóa học trực tuyến Habitable Worlds - viết gọn là HabWorlds, mà ông tin sẽ trở thành mô hình giảng dạy trong tương lai. “Với trực tuyến, tôi có thể dễ dàng kết nối với sinh viên hơn bao giờ hết. Thông qua thư điện tử và thảo luận online, chúng ta không còn bị giới hạn bởi không gian, địa điểm nữa”, Giáo sư Anbar tuyên bố.
HabWorlds yêu cầu quyền truy cập, cho phép chỉnh sửa nội dung, cập nhật thông tin và chia sẻ dữ liệu. Đầu thập niên 2010, tuy cách đây chưa lâu, nhưng sự phổ biến của công nghệ số thì thua xa bây giờ. Hầu hết các giảng viên đều giảng dạy theo phương pháp truyền thống, tức là phấn trắng bảng đen hoặc trình chiếu trên giảng đường. Các sinh viên cũng chỉ có thể nghe giảng trên lớp.
Với sinh viên, khó qua nhất chính là các môn đại cương. Giáo sư Anbar nhận ra, khoảng một nửa sinh viên đại học thi rớt các môn này. Để “qua cửa”, họ buộc lòng phải đăng ký học lại và điều này đồng nghĩa với “mài mông trên ghế” thêm lần nữa, tốn kém thời gian. Không ít người nợ môn lâu hoặc phải từ bỏ tốt nghiệp. Nếu có khóa học trực tuyến để “rảnh lúc nào cũng có thể nghe giảng”, sinh viên rớt môn chắc chắn trả tín chỉ hiệu quả hơn. Vì suy nghĩ này, ông sáng tạo “khóa học của tương lai”. Nhờ thầy, các sinh viên có thể học không cần lên lớp.
Giáo sư Ariel Anbar. Ảnh: Đại học bang Arizona |
Giáo viên phải đi trước
Ngày nay, “khóa học của tương lai” đã trở thành khóa học hiện tại. Chuyện dạy và học trực tuyến quen thuộc với hầu hết giáo viên, giảng viên, học sinh và sinh viên. Tuy nhiên, sự thách thức của chuyển đổi số hình như vẫn thế.
Đầu tiên, cả người dạy lẫn người học đều phải trang bị kiến thức số. Không ít người cảm thấy bất tiện, đặc biệt là các giáo viên đã quen với phương pháp giảng dạy truyền thống. Tuy nhiên, “chúng ta phải thích ứng”, nhà nghiên cứu ứng dụng số vào giảng dạy - George Siemens nhấn mạnh.
“Tiện ích công nghệ giúp học sinh nắm vững nội dung nhanh hơn. Giáo viên có nghĩa vụ phải đi trước, bắt kịp nhịp số và đem kỹ năng ấy ra áp dụng vào dạy học, nâng chất lượng giảng dạy lên. Chỉ có thế, chúng ta mới không tước mất của trẻ cơ hội tiếp cận phương pháp học tập hiện đại, hiệu quả nhất”, ông George Siemens nhấn mạnh thêm.
“Chúng ta phải biết, thứ mà học sinh thật sự cần là gì, sau đó mới xem xét công nghệ kỹ thuật số nào đáp ứng yêu cầu nhất”, chuyên gia sư phạm “số” - Vanessa Crouch tư vấn. Để lựa chọn chính xác, chuyên gia Crouch khuyên các giáo viên nên hợp tác, trao đổi với học sinh. Thông qua tương tác, thầy và trò mới thấu hiểu lẫn nhau. “Trong trường hợp thiếu kỹ năng và tự tin công nghệ, thầy cô hãy thẳng thắn thừa nhận với học sinh. Các em sẽ đổi vai, trở thành người hướng dẫn và chia sẻ hiểu biết “số” tận tình. Điều này tốt cho cả hai bên, chứ không có gì “mất mặt” cả”, chuyên gia Crouch nói.
Giáo viên phải thích ứng “số” bằng mọi cách. Ảnh: Nationaleducationsummit.com |
Khởi động “học tập nhập vai”
Quay lại với Giáo sư Anbar, năm 2014, ông được công nhận là “nhà giáo đổi mới giảng dạy”. HabWorlds của ông ngày càng nâng cấp, không chỉ đa dạng nội dung trực tuyến, mà còn cho phép thực địa ảo, đặc biệt là thực địa nhập vai.
Cụm từ “thực địa nhập vai” mô phỏng theo thuật ngữ game “trò chơi nhập vai”. Trong thực địa nhập vai, người học chỉ cần ngồi yên một chỗ, đeo kính ảo lên là thoải mái nhìn ngắm địa điểm thực, khám phá xung quanh, tìm hiểu các đặc trưng địa hình, địa chất… Ngày nay, nhờ công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển, thực địa nhập vai càng thú vị hơn. Các thầy cô có thể đưa học sinh lên đa dạng các chuyến đi thực tế ảo, ngắm nhìn cả thế giới mà không cần rời lớp học.
Tiếp nối thực địa nhập vai, “học tập nhập vai” ra đời. Giống như trò chơi nhập vai, người học sử dụng công nghệ ảo, nhảy vào môi trường học tập ảo và thỏa sức tìm hiểu tri thức, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian.
Trong kỷ nguyên học tập “ảo” ngày nay, giáo viên vừa cần phải nhanh nhạy để theo kịp nhịp số, vừa cần phải linh động để thiết kế chương trình giảng dạy thích ứng. Đây là cuộc rượt đuổi không có điểm kết thúc, đòi hỏi các thầy cô sáng tạo không ngừng.
Khi quá “chìm” trong “ảo”, học sinh cũng có khả năng xa rời không gian thực tế, đánh mất kết nối với người giảng dạy. Các thầy cô cần chú tâm vấn đề này, can thiệp đúng thời điểm để trò không bị “số” cướp mất.