Douglas Maclennan cho rằng mặc dù thời trang cũng là nghệ thuật, nhưng về bản chất đây là một thứ nghệ thuật đã đi vào đời sống ngay từ thuở ban đầu và vì thế mà có tác dụng phục vụ nhân loại thật to lớn. Con người đã thực thông minh khi nâng ngành công nghiệp thời trang lên một tầm mức cao, khi kết tinh trong thiết kế và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng bằng những buổi trình diễn thời trang.
Giáo sư Douglas Maclennan đã có 45 năm làm việc trong ngành đào tạo thời trang và thiết kế thời trang, lĩnh vực của ông là đào tạo sau bậc phổ thông. Kể từ năm 1990 ông đã đi khắp thế giới, cộng tác và làm việc tại nhiều trường đại học khác nhau để khảo thí hệ thống giáo dục của Anh Quốc trên các nước khác. Giáo sư Douglas cho rằng, tiêu chuẩn đào tạo của Anh Quốc về thiết kế thời trang vẫn luôn dẫn đầu thế giới.
Ông cũng chia sẻ, khi ngành thời trang chính thức được đưa vào hệ thống giáo dục Anh Quốc năm 1932 thì nó vẫn núp dưới bóng của ngành Mỹ thuật. Tuy nhiên, đến năm 1960 thì ngành thiết kế thời trang đã đứng độc lập và phát triển mạnh mẽ.
Các sinh viên ngành thiết kế thời trang không chỉ biết vẽ mẫu đẹp như xưa, và đã biết thành thục kỹ năng làm ra mẫu quần áo mới như thế nào từ những mẫu vẽ của mình. Sự đào tạo trong ngành này đã bắt đầu gắn chặt với thực tế đời sống.
Hiệu quả của đào tạo trong ngành là do những người đã thành công trong ngành thiết kế thời trang sau đó quay trở lại các trường để dạy học, truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho lớp đàn em. Nhờ đó mà những người học sau này có được kiến thức thiết kế cùng lúc với kinh nghiệm sản xuất hàng thời trang.
Cho tới thời điểm này, thì ngành thời trang và thiết kế thời trang vẫn là ngành được đón đợi nhất trong thị trường giáo dục và đào tạo Anh Quốc - Giáo sư Douglas Maclennan cho biết. Tuy nhiên, ngành đã dịch chuyển lên công nghệ sỹ thuật số và tự động hóa tiên tiến nhất.
Qua đó, từ ý tưởng thiết kế ban đầu, các công đoạn tiếp theo để tạo ra mẫu thời trang thực thụ đều được số hóa và tự động sản xuất, khiến điều kiện thiết kế được mở rộng và hiệu quả hơn nhiều. Và thậm chí những mẫu thời trang cao cấp, đặt riêng với số lượng hạn chế, được làm thủ công với giá trị rất cao, nhưng cũng không được thực hiện bằng tay như trước, mà qua máy móc. Như vậy, nhiều kỹ thuật mới đã được phát triển trong sản xuất hàng thời trang cao cấp cũng như đại trà.
Giáo sư Douglas Maclennan cũng khuyên các sinh viên ngành thời trang và thiết kế thời trang Việt Nam, rằng để có thể trụ vững và thành công trong thị trường thời trang đang trong giai đoạn thay đổi mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên cần trau dồi vững chắc kiến thức nền về thời trang, kiến thức văn hóa gốc của vùng mình làm việc, kinh doanh, nắm rõ quy luật phát triển và lặp lại của thời trang, cũng như những đặc điểm cơ thể người, sự thay đổi của môi trường, và kinh tế chính trị…
Sinh viên cũng cần nắm bắt được rõ đối tượng khách hàng của mình là ai, cũng như lối sống và mong muốn của họ để đưa ra xu hướng thời trang phù hợp. Cần học cách sử dụng màu sắc của các bậc đàn anh danh tiếng đi trước. Bên cạnh đó tạo phong cách riêng cho mình. Ví dụ như các mẫu thiết kế của nhà mốt Chanel do Karl Lagerfeld thiết kế thì thiên về sự đơn giản, nhưng tới Yves Saint Lauren thì lại chú trọng hơn ở màu sắc, và họ đều thành công.
Nhận xét về thị trường thời trang Asean, trong đó có Việt Nam, Giáo sư Douglas Maclennan cho rằng đây là một thị trường thời trang đang phát triển mạnh nhưng chưa hết tiềm năng, do đó là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thiết kế trẻ khai thác.
Cũng cần nhìn sang Trung Quốc, để thấy rõ rằng Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra thời trang ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế của họ. Và nhờ sự quan tâm tạo điều kiện nhiều mặt của Chính phủ, mà Thượng Hải đã trở thành một thành phố sáng tạo bậc nhất về thời trang. Các bạn sinh viên nên nuôi ước mơ tạo nên thương hiệu thời trang danh tiếng cho mình và quốc gia, làm thế nào để khách hàng nhớ đến mình.
Khi cơ hội đến, mình cần nhanh chóng tóm lấy và phát triển mạnh lên. Nhà thiết kế phải vững vàng trong tay nghề thiết kế, trong cả lĩnh vực làm stylish hoặc thiết kế khu trưng bày thời trang trong showroom, phải giỏi cả marketing, các chiến dịch quảng bá, vững vàng trong kiến thức, tư duy và kỹ năng quản trị, biết kết nối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may lớn, chứ không chỉ giỏi thiết kế đơn thuần.
Và bạn hãy đau đáu trong mình câu hỏi, bao giờ Việt Nam có một thành phố sáng tạo? Liệu Hà Nội có trở thành một thành phố sáng tạo về thời trang?