Giáo sư đắm mình trong thế giới côn trùng và… thơ

GD&TĐ - Đam mê làm thơ, thích sự lãng mạn bay bổng của thiên nhiên, là lý do đưa GS.TSKH Vũ Quang Côn đến với công nghệ sinh học.

GS.TSKH Vũ Quang Côn chủ trì Hội nghị Côn trùng học Quốc gia lần thứ 11.
GS.TSKH Vũ Quang Côn chủ trì Hội nghị Côn trùng học Quốc gia lần thứ 11.

GS.TSKH Vũ Quang Côn là Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với nghiên cứu mới mẻ về thế giới côn trùng.

Chọn sinh học vì mê thơ, yêu thiên nhiên

GS.TSKH Vũ Quang Côn sinh năm 1944 ở huyện Đông Hưng, Thái Bình. Từ khi học phổ thông ông đã có niềm yêu thích với văn chương. Ông học tốt khoa học tự nhiên trong đó Vật lý là điểm mạnh. Học hết phổ thông, ông dự định đăng ký nguyện vọng vào khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

“Tìm hiểu kỹ ra tôi thấy Vật lý không hấp dẫn, trong khi tôi lại là người mê thơ, lựa chọn như thế e là không hợp. Tôi vẫn còn ấn tượng khi đó, nhìn thấy các đoàn công tác về quê mình, có cả người Nga ăn mặc rất đẹp. Họ điều tra các loài sinh vật như chim, côn trùng.

Lúc đó, là người yêu thơ, tôi nghĩ có lẽ đây là ngành để mình đi thi chăng? Bởi nó vừa lãng mạn, bay bổng khi được gần với thế giới tự nhiên, lại vẫn được đi theo thế mạnh của mình. Thế là tôi viết đơn vào ngành Sinh học của Đại học Tổng hợp Hà Nội”, GS.TSKH Vũ Quang Côn kể.

Năm 1962, ông trở thành sinh viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Khi vào học, vì đúng sở thích nên tôi rất say sưa. Sinh viên ngày đó được đi thực địa rất nhiều, mỗi năm có đến 1-2 tháng. Vào rừng, tìm thực vật, bắt động vật, bắt bướm làm mẫu...

Lúc đó được tự do tiếp xúc với thiên nhiên nên tôi vô cùng yêu thích. Chúng tôi được vào rừng núi, vào những thung lũng ít người đặt chân tới phục vụ cho việc học tập. Đây là những trải nghiệm đầu tiên của tôi khi quyết định chọn con đường “lãng mạn” là sinh học”, GS.TSKH Vũ Quang Côn nhớ lại.

Khi đó, đa phần sinh viên học 3 năm là tốt nghiệp có bằng cử nhân hệ 3 năm. Một số người được nhà trường giữ lại làm tiếp luận văn thêm 1 năm thì được cấp bằng cử nhân 4 năm.

Do được giữ lại trường thêm 1 năm làm luận văn, GS.TSKH Vũ Quang Côn được thầy Nguyễn Văn Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật hướng dẫn nghiên cứu về côn trùng trên cây dâu ở ngoại thành Hà Nội.

Ông nhớ lại, khi đó, bước vào cánh đồng dâu ngút ngàn để nghiên cứu, ông chẳng có một chút mệt nhọc nào mà chỉ thấy sự lãng mạn, nên thơ bên dòng sông Hồng lững lờ trôi. Tiếc là đến nay cuốn luận văn đó đã không còn nữa.

Luận văn hoàn thành và ông tốt nghiệp năm 1966. Ông được phân công về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, làm thư ký vụ, Ban Sinh vật Địa học do GS Tạ Quang Bửu phụ trách. Ông phụ trách tìm hiểu, điều tra cơ bản côn trùng toàn miền Bắc. Đây là nơi làm việc mà ai cũng mơ ước, nên lúc đó ông vô cùng hồi hộp, háo hức.

Ông kể, lúc đó được đi khắp nơi ở miền Bắc từ Nghệ An, Hải Dương, Hòa Bình, Thanh Hóa... để điều tra cơ bản về côn trùng đồng thời tập hợp phân loại nhóm xén tóc. Chuyến nào cũng một mình lên xe hàng, đi một mình như thế trong 3-4 năm liên tục.

“Lãng mạn đấy mà lo lắm. May có chuyến vào Thanh Hóa không bị quân địch thả bom, đi đến đâu cũng được đón tiếp nhiệt tình nên rất vui. Cứ 6 tháng tôi phải viết báo cáo điều tra cơ bản về côn trùng một lần. Mỗi năm báo cáo Nhà nước 1 lần về côn trùng Việt Nam”, GS Vũ Quang Côn chia sẻ.

Giảm dùng thuốc trừ sâu trên cây bông

GS Vũ Quang Côn.

GS Vũ Quang Côn.

Năm 1969, khi đang công tác ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, ông được phân công vào Thanh Hóa phụ trách nhóm nghiên cứu về sâu hại bông. Lúc đó sâu hại bông ở Thanh Hóa vô cùng nghiêm trọng, dùng thuốc trừ sâu rất nhiều nhưng không khắc phục được.

“Tôi về điều tra, lội ruộng là thấy ngay mùi thuốc trừ sâu, ăn cơm cũng ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu. Mà lại toàn là loại thuốc độc như DDT666, vì là thuốc được cấp miễn phí nên họ dùng rất bừa bãi. Nhiệm vụ của tôi là làm sao phòng trừ sâu hại mà giảm được thuốc trừ sâu”, ông kể.

Kết quả, ông nghiên cứu được quy luật sâu hại bông và đề ra phương pháp hạn chế sâu hại. Ông tìm ra quy luật sinh thái của sâu hại, nó từ đâu ra, ký chủ là gì, sau đó chủ trương giảm thuốc trừ sâu được đưa vào. Đến năm 1970, ông viết báo cáo 100 trang trong đó có đủ các loại hình vẽ, báo cáo trước hội nghị toàn viện của Viện Khoa học Việt Nam.

GS.TSKH Vũ Quang Côn chia sẻ, điều ông trăn trở là cho đến nay, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu vẫn còn quá nhiều. Trong khi đó côn trùng gây hại rất ít, chỉ có khoảng 1 - 2% tổng số loài trong sinh quần có thể làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Trong tự nhiên, các loài ký sinh, bắt mồi có thể tiêu diệt tới 95%, thậm chí còn cao hơn nữa, số cá thể của quần thể sâu hại. Nếu như các loài thiên địch này bị hóa chất trừ sâu tiêu diệt hoàn toàn thì sâu hại phát triển thành dịch cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, thiên địch chính là yếu tố kìm hãm quần thể sâu hại, giữ cân bằng số lượng của chúng dưới ngưỡng gây hại kinh tế trên đồng ruộng.

Ông ví dụ, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã sử dụng thuốc trừ cỏ phun bèo Nhật Bản ở sông, ngòi, kênh mương cũng như các loài cỏ dại xung quanh. Điều đó đã phá hủy sự cân bằng giữa các loài sinh vật, giữa ký sinh, ăn thịt và các vật chủ, vật mồi của chúng gây độc hại cho môi trường đất, nước, ô nhiễm sinh thái, cảnh quan, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Phát hiện mới được ghi nhận

GS.TSKH Vũ Quang Côn kể, năm 1970 khi đang công tác ở Thanh Hóa, ông được gọi về Hà Nội làm hồ sơ gửi sang Liên Xô để làm nghiên cứu sinh. Trong thâm tâm ông nghĩ, chắc khó được gọi vì rất nhiều người làm hồ sơ.

Khi đó ông viết về đề tài nghiên cứu, lợi dụng các loài thiên địch (ký sinh và bắt mồi) để đấu tranh sinh học chống sâu hại. Hồ sơ gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Moscow và Leningrad vào tháng 3/1970. Tháng 9 năm đó ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Leningrad.

“Sang đó, tôi được ở ký túc xá sạch đẹp của Viện và mê mẩn nghiên cứu khoa học nơi nước bạn. Không khí bên đó hoàn toàn khác nước mình. Trong khi Việt Nam đang trong chiến tranh, đói khổ, sang đến nơi chúng tôi được cấp phát quần áo ấm, điều kiện sinh hoạt rất tốt. Chưa kể, điều kiện nghiên cứu vô cùng tuyệt vời, tôi được thỏa sức nghiên cứu, làm những điều mình thích.

Không khí làm khoa học ở đó quá say sưa, tiếp xúc với thầy hướng dẫn xong, tôi được giao luôn nhiệm vụ viết đề cương ngắn rồi được thầy sửa và làm. Tôi nghiên cứu rệp hại trên cây có hoa và thiên địch diệt chúng, từ đây lao vào cuộc chiến đấu”, GS.TSKH Vũ Quang Côn nhớ lại.

Nhiều khi đi ra ngoài đường lạnh buốt đến âm 20 độ C mà ông cũng quên mất cảm giác lạnh. Hôm nào cũng làm đến 11 giờ đêm ở phòng thí nghiệm, cả thứ bảy, chủ nhật.

Ông nhớ lại: “Sau chưa đến 1 năm thì tôi phát hiện ra một quy luật cơ bản về mối quan hệ chu trình mùa giữa ký sinh và vật chủ ở vùng Saint-Peterburg trong loài sâu hại trên cây hoa vàng. Tôi vẽ ra chu trình đó và đưa cho thầy hướng dẫn. Thầy hướng dẫn tôi viết một bài báo khoa học dài hơn 20 trang.

Nghiên cứu này của tôi lúc đó là hoàn toàn mới. Tôi phát hiện loài ký sinh trong vật chủ có 2 hình thức thở hút, mùa Hè có ống hút bên ngoài lấy oxy từ không khí. Mùa Đông nằm hoàn toàn trong cơ thể vật chủ, không lấy oxy bên ngoài mà hưởng oxy trong cơ thể vật chủ.

Tôi kết luận, đây là loài vừa có khả năng sử dụng oxy trong thiên nhiên và có khả năng sử dụng oxy trong cơ thể vật chủ, là điều rất lạ. Những con côn trùng được ký sinh thường phát triển rất nhanh, hình thức béo tốt.

Tôi kết luận, ký sinh tác động kích thích vật chủ phát triển. Vật chủ cần chống lại ký sinh nên ăn nhiều, béo lên để tồn tại qua mùa Đông. Trường hợp này, ký sinh làm vật chủ khó chết trong mùa Đông vì chính ký sinh cần tồn tại. Tiến hóa này thuộc về ký sinh chứ không phải vật chủ”.

Năm 1975, ông bảo vệ thành công tiến sỹ sinh học của Viện Động vật học Leningrad. Sau đó ông về Viện Khoa học Việt Nam, công tác ở Viện Sinh vật. Năm 1983, ông sang Liên Xô để bảo vệ tiến sỹ khoa học và thực hiện thành công tiến sỹ khoa học năm 1986 đề tài Mối quan hệ ký sinh ký chủ ở côn trùng trên nghiên cứu điển hình là các loài cánh vẩy hại lúa và các ký sinh của chúng ở Việt Nam.

Từ năm 1975 đến năm 1992, ông đã ra 2 cuốn sách chuyên khảo về mối quan hệ ký sinh, ký chủ ở côn trùng xuất bản tại Nga, trong đó có một cuốn được dịch ra tiếng Anh và lưu hành ở thư viện nhiều nước.

Năm 1998, ông được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho đến hết năm 2004 thì nghỉ hưu. Ông tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện đến năm 2009.

Hiện GS Vũ Quang Côn làm Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam. Thời gian rảnh, ông vẫn làm thơ và hiện đã có 6 tập thơ. “Năm nay tròn 80 tuổi, tôi vẫn làm thơ. Thơ làm tôi sáng tạo trong khoa học, làm vơi đi mệt nhọc, như điểm nghỉ, điểm khơi thông bế tắc trong tâm hồn”, ông nói.

GS Vũ Quang Côn vẫn say mê nghiên cứu và làm thơ ở tuổi 80.

GS Vũ Quang Côn vẫn say mê nghiên cứu và làm thơ ở tuổi 80.

“Tôi may mắn nhờ vợ”

Nhìn lại chặng đường dài đã qua, đến giờ GS.TSKH Vũ Quang Côn vẫn phải thừa nhận lựa chọn làm khoa học đối với ông là rất đúng đắn. Điều tiếc nuối nhất với ông hiện nay là sức khỏe không cho phép làm nhiều hơn nữa dù trong đầu có rất nhiều dự định mới, đề tài hay.

Theo ông, một nhà khoa học chỉ có lương không, có vợ cũng làm khoa học thì rất vất vả. Thu nhập có chăng chỉ đủ duy trì cuộc sống chứ khó có tích lũy. GS Vũ Quang Côn luôn tự hào có người vợ giỏi. Bà là kỹ sư luyện kim, nhờ năng động hoạt bát, bà có nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy để xuất khẩu nên nuôi được cả gia đình.

Ông kể: “Ngay từ lúc mới lấy nhau (năm 1990), khi ấy nhà tôi là cán bộ Viện KH&CN Việt Nam. Cô ấy bảo, thôi thì trong nhà có anh làm khoa học rồi, để em ra làm ngoài. Từ năm 1992 cô ấy đã ra ngoài làm dây chuyền lắp ráp phụ tùng xe máy, rồi đến sản xuất phụ tùng xe máy, ô tô”. Nhờ có “hậu phương” lo kinh tế, chăm sóc nuôi dạy con cái nên ông mới có thời gian để toàn tâm toàn ý làm khoa học, rong chơi cùng với các nghiên cứu của mình.

Giờ ở tuổi 80, là tuổi của “tự do” - theo lời ông nói, sáng nào ông cũng dậy từ 5 giờ 30 phút đạp xe một vòng Hồ Tây rồi đến điểm tập luyện với bạn bè. Về nhà, ông nghỉ ngơi rồi lại đến Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để thực hiện bách khoa thư về Sinh học và Công nghệ Sinh học Việt Nam trong dự án xây dựng Bách khoa Toàn thư Việt Nam. Dự kiến phải đến năm 2030 mới hoàn thiện cuốn bách khoa toàn thư này với khoảng trên 30 cuốn. Riêng nhóm của GS Côn làm 1.500 mục từ, mỗi mục từ từ 2 - 4 trang.

Ông bảo, làm khoa học, ngoài học tốt phải có sự say sưa theo đuổi mục đích của mình. Làm khoa học nhưng không có nghĩa là cái gì cũng biết mà chỉ biết sâu lĩnh vực của mình mới có được chuyên khảo. Để có thành tựu phải hy sinh thời gian, các mục đích làm kinh tế khác và không có khát vọng về chính trị.

Làm khoa học nghiêm túc cực kỳ khó, nó đòi hỏi người ta phải đầu tư thời gian, tâm huyết với nghề, không vụ lợi gì ngoài mục đích tìm ra chân lý, tìm ra cái mới. Chân lý nằm ở các quy luật tự nhiên, làm sao mình phải “lôi”, “kéo”, “vẽ” được nó ra. Nói phải có bằng chứng cứ khoa học chứ không bằng lý lẽ thông thường được…

Ngoài ra, “từ kinh nghiệm của tôi, để làm được khoa học, phải có sự hỗ trợ kinh tế của gia đình”, GS Vũ Quang Côn cười nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.