Ông Robert Langlands sinh năm 1936 tại Canada, hiện là giáo sư danh dự của Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (New Jersey, Mỹ).
GS Langlands từng giảng dạy tại nhiều đại học nổi tiếng nước Mỹ là Đại học Princeton, Đại học Yale, Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton.
Ông cũng từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Wolf, Giải thưởng Steele, Giải thưởng Jeffery–Williams, Giải thưởng Toán học Nemmers, Giải thưởng Shaw, Giải Toán học của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, Huy chương lớn của Viện hàn lâm Khoa học Pháp...
Các giả thuyết của GS Langlands đã được chứng minh là nền tảng của những thành tựu toán học trong nửa thế kỷ qua. Ông được coi là cha đẻ của Chương trình Langlands, một vấn đề quan trọng cần giải quyết trong toán học hiện đại.
Ông nghiên cứu toán học về các hình thái tự đẳng cấu (để phục vụ nghiên cứu về nhóm Galois trong lý thuyết số và lý thuyết cấu trúc đại số trừu tượng, phân nhánh có ảnh hưởng tới lý thuyết số.
Công trình được trao giải Able năm nay cho GS Langlands , giải thưởng được coi như "Nobel Toán học" được biết đến với cái tên chương trình Langlands, một dự án đầy tham vọng thường được gọi là “lý thuyết toán thống nhất”.
Abel là giải thưởng được vua Na Uy trao hàng năm cho những nhà toán học xuất chúng được bắt đầu từ năm 2001, khi Chính phủ Na Uy công bố kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà toán học Na Uy Niels Henrik Abel (1802), đánh dấu sự ra đời của một giải thưởng mới cho các nhà toán học.
Mục đích của giải này là để lấp đi sự thiếu vắng giải Nobel trong toán học. Giải Abel được đi kèm với số tiền thưởng là 6 triệu tiền kroner Na Uy, có giá trị tương đương với khoảng gần 1 triệu USD.
Cùng với giải thưởng Fields, giải Abel là phần thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học trên khắp thế giới. Giải Fields được trao 4 năm 1 lần và bị giới hạn bởi độ tuổi dưới 40.
Giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam đã được trao giải thưởng Toán học Fields năm 2010 vì đã chứng minh được bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands.
Trước đó vào năm 2017, giải thưởng Abel được trao cho nhà toán học người Pháp Yves Meyer về đóng góp nền tảng cho lý thuyết wavelet (các hàm số toán học được ứng dụng trong phân tích và nén dữ liệu).