Cần thêm nguồn lực để hỗ trợ xóa mù chữ ở vùng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song để hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ đặt ra hiện nay thì vùng khó cần thêm cơ chế, chính sách phù hợp.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói hỗ trợ học viên lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói hỗ trợ học viên lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai.

Nhiều khó khăn cần được xem xét

Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Với việc quy định rõ hơn về độ tuổi của đối tượng xóa mù chữ (những người trong độ tuổi từ 15 - 62 chưa biết chữ), đa phần các cơ sở giáo dục tại tỉnh Điện Biên đều cho rằng phù hợp với thực tế.

Trên thực tế, số lượng người không biết chữ trong độ tuổi này tại địa phương, đặc biệt là vùng khó vẫn còn tương đối nhiều. Tuy nhiên, việc huy động đủ số lượng học viên để có thể tổ chức lớp học tại nhiều địa bàn lại gặp vướng mắc. Điều này liên quan trực tiếp đến việc công nhận và duy trì xã đạt chuẩn xóa mù chữ.

Đơn cử, bản Na Ngua, xã Luân Giói được xem là một trong những địa bàn nhiều thuận lợi nhất của huyện Điện Biên Đông. Tại đây hiện có 70 người dân đang theo học 2 lớp xóa mù chữ. Chủ yếu trong số này là phụ nữ. Theo trưởng bản Vì Văn Phát thì đời sống bà con những năm gần đây được nâng lên nhiều. Nhu cầu biết chữ để theo kịp với tiến bộ xã hội vì thế cũng tương đối lớn.

Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh mà nhiều người không thể tham gia học xóa mù. “Ở bản hiện vẫn còn một số thanh niên, người trong độ tuổi lao động chưa biết hoặc tái mù chữ. Nhưng đa phần họ đều đi làm thuê ở các tỉnh, thành miền xuôi, chỉ về nhà vào dịp Tết. Vì thế, không thể có mặt thường xuyên tại địa phương để tham gia học được”, ông Phát cho hay.

Lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông.

Lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông.

Tại xã Pú Hồng, hiện đang duy trì 2 lớp xóa mù chữ được mở năm 2022. Theo dự kiến năm nay sẽ mở thêm 2 lớp, với khoảng 50 học viên. Trường PTDTBT Tiểu học Pú Hồng được giao phụ trách các lớp học này. Theo thầy Hiệu trưởng Lò Văn Tỉnh, thì khó khăn nhất là việc huy động và duy trì sĩ số học viên tham gia lớp.

“Thực tế thì số người mù chữ trên địa bàn vẫn còn, đa phần đều trong độ tuổi lao động. Ở đây, kinh tế khó khăn nên bà con đi lao động ngoài địa bàn khá nhiều. Vì thế, dù có nhu cầu song nhiều bà con không thể tham gia các lớp xóa mù. Chúng tôi phải rất vất vả để cân đối số lượng học viên với việc lựa chọn địa bàn và tổ chức ra 1 lớp học”, thầy Tỉnh giãi bày.

Trong khi đó, theo dự thảo quy định, thì tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là phải có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 - 35 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. Độ tuổi đối với xã khu vực 3, 2, 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là từ 15 - 25. Tương tự, với xã chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 phải có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 - 62 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; từ 15 - 35 tuổi ở xã khu vực 3, 2, 1.

Hiện tỉnh Điện Biên có số người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 96,88%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là 88,39%. Tỉnh đang duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Theo dự kiến, năm 2023 địa phương sẽ mở 54 lớp xóa mù chữ, với 1.223 học viên. Tuy nhiên hiện tại mới có huyện Điện Biên Đông khai giảng các lớp mới.

Cần gỡ khó về chế độ, chính sách

Cũng theo dự thảo, để đảm bảo việc xóa mù chữ, xã phải huy động đủ người tham gia dạy học xóa mù tại địa bàn là giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác. Người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.

Đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo, bảo đảm huy động đủ người tham gia dạy học xoá mù chữ tại địa bàn là giáo viên hoặc người đã tốt nghiệp THCS trở lên. Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu giáo viên hiện tại, nhiều trường gặp khó trong việc xoay sở, bố trí. Do vậy, tỉnh Điện Biên kiến nghị sớm bổ sung thêm biên chế cho ngành giáo dục, đặc biệt là tại các địa bàn vùng khó.

Đơn cử, tại địa bàn huyện Điện Biên Đông, trong số các xã nằm trong kế hoạch mở lớp xóa mù chữ năm 2023 hiện còn xã Tìa Dình chưa thể triển khai. Theo cán bộ chuyên môn Phòng GD&ĐT địa phương, thì nguyên nhân chính là do xã này thiếu giáo viên trầm trọng. Mọi ưu tiên trước mắt cho thực hiện các chương trình giáo dục nên khối lượng công việc của mỗi giáo viên hiện tại đã rất lớn.

Người dân bản Chua Ta A, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông tham gia lớp xóa mù chữ.

Người dân bản Chua Ta A, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông tham gia lớp xóa mù chữ.

Đối với Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, hiện đang phụ trách 9 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2, tại 6 bản. Trung bình mỗi lớp có từ 25 - 35 học viên. Vì đối tượng học viên có đặc thù riêng nên để đảm bảo chất lượng, mỗi lớp phải sắp xếp 2 giáo viên. Một người đứng lớp chính, người kia trợ giảng và hỗ trợ.

“Lịch học diễn ra liên tục từ tối thứ 2 - 6 hàng tuần nên những giáo viên phụ trách các lớp này đều rất vất vả trong việc sắp xếp thời gian. Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cân đối lịch giảng dạy của các thầy, cô”, cô Trương Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Ngoài ra, theo cô Tuyết, do địa điểm tổ chức lớp học đều mượn tại cơ sở nên mỗi năm trường phải trích kinh phí hàng chục triệu đồng để sửa sang cơ sở vật chất, chi trả các khoản phát sinh (lắp đặt đường dây, chi phí điện thắp sáng hàng tháng… Trong bối cảnh nhiều khó khăn đặc thù của trường bán trú khu vực miền núi, nhà trường phải tính toán, cân đối để chắt bóp các khoản chi.

“Số lượng lớp xóa mù lớn nên chi phí phát sinh cũng lớn, mà hiện nay quy định mới chỉ hỗ trợ chi phí cho người học. Với nguồn lực hiện tại thì nhà trường chưa biết xoay sở ra sao. Vì thế chúng tôi mong muốn mỗi năm sẽ bố trí một khoản kinh phí nhất định để các nhà trường chi trả những khoản phát sinh trong quá trình tổ chức, duy trì lớp học”, cô Tuyết kiến nghị.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chua Ta, xã Phì Nhừ giảng dạy tại lớp xóa mù chữ bản Chua Ta A, C.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chua Ta, xã Phì Nhừ giảng dạy tại lớp xóa mù chữ bản Chua Ta A, C.

Còn theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông thì giáo viên được huy động dạy lớp xóa mù chữ cũng không được bố trí kinh phí hỗ trợ thêm nào. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện. Trong khi đó, mỗi giáo viên đảm nhận thêm nhiệm vụ này vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn chính.

Để giảm bớt áp lực, khó khăn, nhà trường hạn chế giao thêm nhiệm vụ cho các thầy cô phụ trách lớp xóa mù. Ngoài ra, trường cũng cân đối mở lớp tại các khu vực thuận tiện, đảm bảo các điều kiện. Cụ thể, năm 2023 theo dự kiến trường sẽ mở lớp xóa mù chữ tại điểm bản Ao Cá do khảo sát nhu cầu của người dân khá cao.

Tuy nhiên, bản này lại cách xa trung tâm, toàn bộ là đường đất, hiểm trở, khó khăn lại không có điểm trường. Việc bố trí giáo viên di chuyển mỗi ngày để giảng dạy không khả thi, gây nhiều khó khăn, áp lực về thời gian, kinh phí…Do vậy, trường buộc phải chuyển địa điểm mở lớp. Dẫu vậy thầy Tỉnh cũng thừa nhận điều này phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức cũng như nhu cầu thực tế của bà con.

“Để phần nào gỡ khó, chúng tôi mong muốn được quan tâm về chính sách, bố trí kinh phí hỗ trợ. Đặc biệt là chế độ cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Phần nào chia sẻ khó khăn, song cũng là nguồn động viên thiết thực để thầy cô cố gắng”, thầy Tỉnh nói.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ