Theo nhiều giáo viên và phụ huynh nhận xét, cách đánh giá và khen thưởng như hiện nay đã động viên khích lệ được các em tiếp tục phấn đấu trong mọi lĩnh vực hoạt động học tập.
Kinh nghiệm triển khai Tại Trường Tiểu học Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình), theo cô Nguyễn Thị Thanh Loan – Hiệu trưởng nhà trường, quan điểm của nhà trường là, các em đáng khen ở hoạt động nào thì khen ở hoạt động đó. Làm đúng và trúng để các em không bị thiệt thòi và cảm thấy mình thực sự xứng đáng được tặng giấy khen.
“Kết thúc học kỳ I, hầu hết các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh đều rất vui và tin tưởng vào cách đánh giá theo Thông tư 30. Điều quan trọng là, thông qua cách đánh giá, nhận xét và khen thưởng như hiện nay đã tạo động lực để các em tiếp tục phấn đấu trong học tập.
Qua theo dõi ở những học sinh được tặng giấy khen ở trong học kỳ I thì các em đang tiếp tục phát huy rất tốt ở các hoạt động mà các em được khen thưởng” – cô Loan cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai của nhà trường, cô Loan cho hay: Trước tiên Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên các lớp để cho các em học sinh tự bình xét lẫn nhau, sau đó giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tham khảo ý kiến của học sinh và cuối cùng là lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để quyết định khen thưởng học sinh.
Khi khen thưởng, chúng tôi thực hiện theo nguyên tắc: Học sinh giỏi ở lĩnh vực nào thì khen thưởng ở lĩnh vực đó. Cái hay của Thông tư 30 là, học sinh được khen thưởng và khuyến khích ở nhiều mặt khác nhau, chứ không nhất thiết là phải học lực.
Chị Nguyễn Thị Hoa hiện có con đang theo học ở Trường Tiểu học Thiên Tôn bộc bạch: “Con tôi học không giỏi, nhưng cháu lại có năng khiếu làm thủ công và hoạt động Đội. Tuy nhiên, những năm trước cháu không được giấy khen vì cháu chỉ đạt học lực trung bình. Song kết thúc học kỳ I năm nay cháu phấn khởi lắm vì được cô khen khéo tay và năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa.
Cháu cũng được nhà trường tặng giấy khen trong lĩnh vực này. Nếu như những năm trước cháu rất buồn vì các bạn được giấy khen, còn năm nay cháu đã tự tin hơn vì cháu đã nhận ra rằng: Mình cũng có những năng lực nổi trội riêng mà các bạn không có. Điều đó khiến tôi cũng vui theo và khá hài lòng với cách đánh giá, nhận xét, khen thưởng như hiện nay”.
Thông điệp từ những lời nhận xét
Thực tế không riêng gì Trường Tiểu học Thiên Tôn mà hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoa Lư đều triển khai và thực hiện khá tốt theo hướng dẫn của Thông tư 30.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thiện – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoa Lư cho biết: “Qua khảo sát tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện cho thấy, Hiệu trưởng các trường đã làm rất tốt, họ vận dụng linh hoạt và đúng với hướng dẫn của Thông tư 30.
Rút kinh nghiệm từ học kỳ I, hiện nay, chúng tôi khuyến khích giáo viên của các trường trong đánh giá, nhận xét học sinh không nên dùng từ “cố gắng” mà thay bằng từ “tiến bộ” để bao hàm đầy đủ sự phát triển của các em trong các mặt học tập và các hoạt động liên quan đến phát triển năng lực cá nhân.
Ví dụ: Thay vì nhận xét em A có nhiều cố gắng hơn so với hôm trước thì giáo viên nên nhận xét là: Cô thấy em có nhiều tiến bộ, cần tiếp tục phát huy em nhé!”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Nam – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) nhấn mạnh:
“Mỗi lời nhận xét phải là thông điệp của người thầy đối với học sinh và phải đảm bảo được hai yếu tố đó là: Khẳng định trên cơ sở thực tiễn và tư vấn, động viên các em học sinh. Chúng tôi không khuyến khích các trường làm ngân hàng nhận xét vì như vậy rất hình thức.
Chúng tôi muốn mỗi lời nhận xét được viết hoặc nói ra phải chứa đựng tình cảm của người thầy. Tức là nếu em A làm tốt bài này, em B làm chưa đúng bài kia thì giáo viên phải nhận xét ngay tức thì và truyền tải được những thông điệp nhắn nhủ ở trong đó”.
Ông Nam cũng cho biết: Từ nay đến cuối năm học, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát các trường tiểu học trên địa bàn bằng cách, dự giờ của các giáo viên, gặp gỡ phụ huynh và học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chính những người trong cuộc.
Qua đó nhằm uốn nắn và điều chỉnh kịp thời với những giáo viên thực hiện chưa đúng, chưa đủ và chưa tròn trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 30.
Cùng với đó, chúng tôi cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT cũng tăng cường xuống cơ sở một cách độc lập với Sở GD&ĐT, qua đó nhằm có thêm được nhiều thông tin về việc triển khai thực hiện Thông tư này để có những biện pháp điều chỉnh hợp lý.