Tại các tỉnh miền núi – nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, nhiều chính sách chăm lo cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) nhằm rút ngắn dần khoảng cách giữa chất lượng giáo dục các vùng miền. Là tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế về tiếng Việt
Một thực tế cho thấy, HS DTTS càng học lên lớp trên thì khả năng đạt chuẩn chương trình các môn học càng thấp vì nhiều nguyên nhân như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học, điều kiện kinh tế, điều kiện học tập, trình độ nhận thức… trong đó, sự thiếu hụt về vốn sống, vốn ngôn ngữ là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra.
Hơn nữa, do trình độ nhận thức, vốn tiếng Việt của HS DTTS phần nào còn hạn chế nên chất lượng giáo dục toàn diện ở các huyện miền núi so với khu vực đồng bằng còn chênh lệch khá lớn.
Để giúp HS DTTS có vốn tiếng Việt sâu, rộng để có thể học tập tốt và học lên cao hơn là không hề đơn giản. Quảng Ninh là một tỉnh miền núi có hơn 20 đồng bào dân tộc sinh sống cũng đang gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là chất lượng giáo dục dân tộc. Nhiều chính sách đặc thù quan tâm, chăm lo tới giáo viên (GV) và học sinh (HS) khu vực miền núi, hải đảo nhằm rút ngắn dần khoảng cách giữa chất lượng giáo dục các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tiếng Việt qua giao lưu
Quán triệt Nghị Quyết 40/2002/NQ-QH của Quốc hội khóa IX về đổi mới giáo dục phổ thông: Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông được đưa vào dạy học thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tiếng Việt trong nhà trường tồn tại với hai tư cách: Vừa là một môn học, vừa là công cụ giao tiếp, học tập của HS. Do đó, trình độ tiếng Việt (vốn từ, kiến thức về tiếng Việt và kỹ năng sử dụng vốn từ trong học tập, giao tiếp) có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng với khả năng học tập các môn của HS.
Nắm vững tinh thần này, Quảng ninh đã có nhiều giải pháp khắc phục và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Bà Vũ Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho HS tiểu học vùng DTTS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện có hiệu quá việc triển khai đề án: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoàn 2016-2020, định hướng đến 2025” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác quan lý giáo dục dân tộc, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ DTTS vừa đảm bảo chương trình, vừa phù hợp với điều kiện năng lực của HS, đặc biệt là HS lớp 1.
Quan tâm bổ sung các điều kiện đảm bảo dạy học tiếng Việt cho HS tiểu học DTTS; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS tiểu học DTTS; tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh HS trong việc huy động HS ra lớp và xây dựng cơ sở vật chất cho các trường; tham mưu xây dựng chính sách các địa phương bên cạnh các chế độ chính sách đặc thù riêng của tỉnh dành cho người dạy, người học ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống; thực hiện có hiệu quả việc tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, các hội thi, giao lưu.
Đặc biệt chúng tôi duy trì và tổ chức có hiệu quả các kỳ “Giao lưu tiếng Việt cho HS vùng DTTS” và xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tiếng Việt cho HS.
Sau mỗi kỳ giao lưu đều có sự thay đổi, đa dạng hình thức tổ chức, tránh sự nhàm chán cho giáo viên, học sinh khi tham gia. Địa điểm tổ chức giao lưu cấp huyện, cấp tỉnh được đặt luân phiên tại các địa phương để tạo điều kiện cho các cán bộ GV, HS tham gia các đoàn giao lưu, tham quan thực tế các địa danh, nét văn hóa đặc trưng của địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau đó cùng tổ chức triển khai thực hiện và tổng kết, đánh giá kết quả giao lưu của từng đơn vị tham gia.
Trên cơ sở tổ chức giao lưu cấp tỉnh, các Phòng GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từ cấp trường (cụm trường), cấp huyện. Yêu cầu các địa phương phổ biến đến toàn thể giáo viên, phụ huynh HS hiểu rõ tinh thần của giao lưu là cơ hội để HS được nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt cho HS, tạo tâm lý thoài mái, tự tin cho HS khi tham gia giao lưu.
Hình thức tổ chức nhẹ nhàng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của các đơn vị để mỗi kỳ giao lưu tiếng Việt thật sự trở thành ngày hội dành cho HS vùng DTTS.
Đồng thời cần tăng cường công tác xã hội hóa trong việc tổ chức hoạt động giao lưu. Thực hiện tốt công tác truyền thông qua cha mẹ HS tạo sự đồng thuận, không gây áp lực cho GV, HS tham dự.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã triển khai, các trường tiểu học có HS DTTS học tập trên địa bàn tỉnh đã có những kết quá đáng khích lệ, thu hút được HS ra lớp và tỷ lệ duy trì sĩ số đảm bảo; giảm thiểu số lượng HS không hoàn thành chương trình lớp học, cấp học.
Hàng năm tỷ lệ trẻ DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học đạt 99,9%; 100% số HS DTTS hoàn thành chương trình tiểu học. Chất lượng giáo dục môn Tiếng Việt: Số học sinh hoàn thành trở lên đạt tỉ lệ 99,2%; trong đó HS DTTS đạt 96,9%.
Đặc biệt, qua mỗi kỳ giao lưu đã tạo cơ hội cho HS được học hỏi, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; biết vận dụng tiếng Việt trong giao tiếp, viết văn hay chữ đẹp góp phần gìn giữ đa dạng, phong phú, trong sáng của tiếng Việt.
Mỗi kỳ giao lưu không chỉ mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể, qua đó khích lệ phong trào thi đua dạy tốt – học tốt trong các nhà trường; qua đó các cơ sở giáo dục phát hiện và bồi dưỡng HS năng khiếu phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn trong các nhà trường địa phương.
Năm học 2017 - 2018 có 222 trường phổ thông với tổng số HS là 115,895 trong đó có 15,263 HS DTTS học tập tại các trường tiểu học của 7 huyện miền núi.