Yên Bái: Nỗ lực dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Yên Bái. Hoạt động này ý nghĩa hơn nữa khi học sinh tiểu học bắt đầu Chương trình, sách giáo khoa mới. 

Trẻ mầm non 5 tuổi được đặc biệt quan tâm làm quen
tiếng Việt. Ảnh: TG
Trẻ mầm non 5 tuổi được đặc biệt quan tâm làm quen tiếng Việt. Ảnh: TG

Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Yên Bái đã tổ chức lớp tập huấn cho 129 học viên là cán bộ chuyên môn phòng GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tiểu học; giáo viên dạy lớp 2 của 21 trường thuộc vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên. Nội dung tập huấn là giúp các học viên về phương pháp dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 2 vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, hoàn thiện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; tăng cường kĩ thuật giao tiếp cho học sinh theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Sau buổi tập huấn tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số đầu tiên của năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT tính tiếp việc triển khai tập huấn cho những khu vực dân tộc thiểu số còn lại trong tỉnh. Nói như nhà giáo Vương Văn Bằng: Trẻ đến trường không thể không biết tiếng Việt. Vì vậy, không có cách nào khác thầy cô giáo phải có năng lực dạy tiếng Việt cho trẻ.

Ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Văn Chấn thông tin: Thu hút học sinh ra lớp và hoạt động GD đạt hiệu quả, chất lượng đòi hỏi học sinh phải chắc tiếng Việt. Để thực hiện điều này, phòng GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường, đặc biệt là trường mầm non và trường tiểu học phải tập trung tiếng Việt cho trẻ. 

Trường Mầm non Hồng Ca, huyện Văn Chấn có 276 học sinh, đa số là người dân tộc Mông, Tày, Dao, Thái… Cô Hà Thị Hương Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để giúp học sinh tiếp xúc với tiếng Việt, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để miêu tả những sản vật địa phương, kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca. Trường cũng chỉ đạo GV viết chữ in lên các khu vui chơi của trẻ và đồ chơi, đồ dùng ngoài trời. Trong quá trình dạy học, GV chủ nhiệm lớp rèn cho HS các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đặc biệt, với trẻ 5 tuổi, các em đã nhận biết tốt, pháp âm tương đối đúng để sẵn sàng tâm thế học lớp 1. 

Còn ở Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu, huyện miền núi Văn Yên, Phó Hiệu trưởng Hoàng Minh Đức, chia sẻ: Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc được chúng tôi chú trọng nhiều năm nay. Năm học 2020 - 2021, nhiệm vụ này càng được đề cao. Phần lớn trẻ là người dân tộc thiểu số, khi vào nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế. Trường tổ chức các hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ