Xu thế dịch chuyển lao động quốc tế: Đại học cần làm gì?

GD&TĐ - Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm 2015, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển lao động đáng chú ý sang các quốc gia đứng đầu khối ASEAN. Xu thế đó đặt ra yêu cấp thiết cho các trường ĐH, CĐ và sinh viên phải đổi mới chính sách đào tạo và nâng cao năng lực tự học.

Thị trường lao động nước ngoài đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thị trường lao động nước ngoài đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Làn sóng dịch chuyển lao động

AEC đã thỏa thuận 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, làn sóng dịch chuyển lao động và đội ngũ trí thức diễn ra phong phú, bao quát nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực chuyên sâu.

Theo báo cáo của JobStreet năm 2016, có đến 80% người Việt mong muốn tìm việc ở Singapore, theo sau là Malaysia và Philippines với tỉ lệ 12%. Những công việc cần nhân sự ở ASEAN không còn là công việc phổ thông theo kiểu xuất khẩu lao động mà đã có yêu cầu cao về kỹ năng, tri thức, cũng như kinh nghiệm và bằng cấp. Ví dụ những công việc trong lĩnh vực IT, chăm sóc khách hàng, xử lý và phân tích dữ liệu…

Thời gian qua, có rất nhiều startup của Việt Nam tìm đến Singapore kiến tạo doanh nghiệp. Không thiếu những startup ươm mầm ý tưởng từ trường ĐH sau đó được quỹ ngoại đầu tư và phát triển ra môi trường quốc tế. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các chương trình chất lượng cao, các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam rồi đi làm cho các công ty đa quốc gia trong nước, sau đó là đi làm hẳn ở nước ngoài…

Chảy máu chất xám và giao tiếp tiếng Anh có phải vấn đề?

Theo TS Lê Văn Út - Trưởng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Hiện tượng dịch chuyển lao động thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa và giúp Việt Nam sớm sở hữu các ĐH đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện tượng này vừa là sự lưu chuyển tri thức vừa có nguy cơ chảy máu chất xám.

Nếu chúng ta chưa tạo môi trường làm việc đẳng cấp để lực lượng tri thức có thể yên tâm làm việc thì họ tìm đến các môi trường tiên tiến là điều hết sức tự nhiên. Mặc dù làm việc bên ngoài Việt Nam nhưng thông qua hợp tác, người lao động hoàn toàn có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển cho đất nước và đôi khi còn hiệu quả hơn cả việc họ làm việc trong nước nhưng khó phát triển. 

Nhiều trường ĐH trong nước đang định hình xu thế ĐH quốc tế cho người Việt.
Nhiều trường ĐH trong nước đang định hình xu thế ĐH quốc tế cho người Việt. 

Các trường ĐH chuẩn bị như thế nào?

Mặc dù còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục nhưng nhiều trường ĐH lớn trong nước đã chủ động trong việc đổi mới và cập nhật chính sách đào tạo, giúp sinh viên trở thành “công dân toàn cầu”.

Theo TS Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã sớm chuẩn bị cho quá trình quốc tế hóa. Về chương trình, nhà trường tham khảo các chương trình đào tạo của các ĐH thuộc top 100 trên thế giới. Về nghiên cứu, áp dụng các thông lệ quốc tế trong 10 năm qua. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp đạt 100%. Nhiều chương trình đào tạo đã được kiểm định và lần đầu được tổ chức xếp hạng ĐH uy tín nhất hế giới Academic Ranking of World Universities (ARWU) đưa vào top 901-1.000.

Về giáo trình, các Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Kinh tế TPHCM cũng từng giới thiệu bộ sách giáo trình liên quan đến kinh tế - tài chính - quản trị do đội ngũ khoa học hùng hậu của nhà trường biên dịch từ giáo trình quốc tế. Ví dụ các quyển Kinh tế vi mô/vĩ mô, Tài chính quốc tế, Kỷ nguyên mới của quản trị…, những đơn vị bài học được sắp xếp rất logic, dễ hiễu, các ví dụ đi kèm cực kỳ phong phú, gần với diễn biến thực tế của thị trường.

Riêng Trường ĐH Hoa Sen đang xây dựng định hướng ĐH thông minh, gồm ba cấu phần chính: e-office, e-learning, e-campus. E-office hỗ trợ tinh giản hoạt động quản lý giáo dục. Công tác book phòng học, chấm công không cần giấy tờ, chữ ký. Các file học liệu được lưu trữ điện tử. Quyền truy cập được phân cấp rõ ràng. E-learning mới triển khai vào giữa năm 2019, tiến hành thử nghiệm 20 khóa học nhưng nhận được 10.000 lượt tương tác/ngày. Đây là phương pháp học tập mới, phù hợp với xu thế của các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trong thời đại tri thức được chuyển giao một cách mau chóng, theo con đường phi truyền thống.

Các khóa học này sẽ cho nhà trường kho dữ liệu lớn. Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng nhằm phân tích, dự báo về năng lực, xu hướng tính cách, mức độ tương tác, khả năng hoàn thành khóa học của sinh viên. Không chỉ có phần mềm chấm đạo văn, ĐH Hoa Sen còn có data để chấm tự động bài luận. Cuối cùng, e-campus tạo ra một phòng dịch thuật ảo cho sinh viên thực hành, tương tự như phòng ảo dùng cho thực tập ngành y tế, nhà hàng - khách sạn.

Lưu chuyển tri thức rất tốt cho sự phát triển của đất nước vì bao giờ cũng vậy, chỉ có cạnh tranh mới thúc đẩy sự phát triển. Một khi lực lượng lao động của Việt Nam phải cạnh tranh với khu vực và thế giới thì con đường duy nhất để tồn tại là phải tự nâng chất.

TS Lê Văn Út - Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.