Văn hóa chất lượng trong trường đại học - hành trình không có điểm dừng

GD&TĐ - Chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế. Các cơ sở GD phải tạo ra hay xây dựng cho mình giá trị cốt lõi của văn hóa chất lượng để phát triển bền vững.

Giờ thực hành của sinh viên Đa khoa năm thứ hai, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: INT
Giờ thực hành của sinh viên Đa khoa năm thứ hai, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: INT

Lộ trình, giải pháp phù hợp

Khi nói về kiểm định chất lượng giáo dục, TS Trương Quốc Quân, Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng (Trường ĐH Thủy lợi) cho rằng: Đây là khâu quan trọng trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục - một hành trình không có điểm dừng tại các cơ sở đào tạo. Sau khi hoàn thành công tác đánh giá ngoài, đạt chuẩn và được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, việc xây dựng kế hoạch hành động để khắc phục những điểm còn tồn tại, phát huy điểm mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng và cần được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ. 

Cùng quan điểm này, bà Đỗ Khoa Thúy Kha, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, Trường ĐH Công nghiệp Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục ĐH hiện nay không chỉ là hoạt động nhằm khẳng định, công bố với các bên liên quan về chất lượng giáo dục mà còn nhằm cải tiến chất lượng liên tục ở nhiều trường ĐH trong cả nước.  

“Việc đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn về bảo đảm chất lượng là bằng chứng chứng tỏ chương trình đào tạo hoặc cơ sở giáo dục đã đáp ứng các yêu cầu của  khung bảo đảm chất lượng tại thời điểm kiểm định. Để chất lượng của chương trình đào tạo hoặc cơ sở giáo dục luôn được duy trì, cải thiện và tiếp tục đáp ứng các khung bảo đảm chất lượng ở các chu kì kiểm định tiếp theo, cần phải xây dựng văn hóa chất lượng trong trường ĐH. Nghĩa là làm cho tất cả  đối tượng trong nhà trường đều tham gia vào quá trình xây dựng, kiểm soát và nâng cao chất lượng của mọi hoạt động trong nhà trường”,  bà Đỗ Khoa Thúy Kha chia sẻ.

Theo TS Tạ Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ quản lý quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đại học duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động, đồng thời là cơ sở để thực hiện quyền tự chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội. Hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước với công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được ban hành khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. 

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ học thực hành. Ảnh Công Chương
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ học thực hành. Ảnh Công Chương 

Thực hiện cam kết cải tiến chất lượng 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, TS Tạ Thị Thu Hiền cho rằng: Các cơ sở giáo dục đại học cần nghiêm túc thực hiện cam kết cải tiến chất lượng, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên; có lộ trình, giải pháp và đầu tư nguồn lực để thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và xây dựng văn hóa chất lượng. Theo đó, cơ sở giáo dục cần chủ động rà soát, đánh giá chất lượng các hoạt động của mình, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu và sự phát triển của thị trường lao động. Quá trình đánh giá, cải tiến chất lượng, các hoạt động cần được đối sánh trong nước, quốc tế, xem xét yêu cầu của các bên liên quan, đồng thời nhà trường cần thực hiện cam kết cải tiến chất lượng sau quá trình kiểm định chất lượng.

Việc đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục (IQA) cũng hết sức quan trọng. Hệ thống các cơ chế kiểm soát, đánh giá cần được thiết lập nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Đồng thời, cần bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng với Khung trình độ quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo (đang được Bộ GD&ĐT triển khai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam); cần tham chiếu với Khung tham chiếu trình độ ASEAN để cập nhật chuẩn đầu ra, nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu về hội nhập giáo dục đại học và sự dịch chuyển lao động có trình độ cao trong ASEAN.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, việc cải tiến chất lượng các hoạt động sau kiểm định cần được thực hiện thường xuyên và thực chất, thể hiện cam kết và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức và năng lực về công tác bảo đảm chất lượng cho các bên liên quan, hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong nhà trường. 

Vấn đề chất lượng phải được xem xét trên nhu cầu thực sự của mỗi cơ sở giáo dục đại học cho việc xây dựng và vận hành tốt hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Khi đã làm tốt công tác bảo đảm chất lượng bên trong, việc đăng ký kiểm định chất lượng, đánh giá ngoài sẽ giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, trong khi chất lượng vẫn được duy trì và được cải thiện; đồng thời khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường” - TS Tạ Thị Thu Hiền cho hay.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy định, bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo cùng tài liệu hướng dẫn thực hiện. Bộ đồng thời  thành lập và cho phép thành lập 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng và công nhận chất lượng cho các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. - TS Tạ Thị Thu Hiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.