Ứng phó biến đổi khí hậu: Đa dạng hình thức trang bị kỹ năng cho học sinh

GD&TĐ - Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai, các trường học chủ động giáo dục học sinh bằng nhiều hình thức.

Điểm giữ trẻ mùa lũ tại tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang).
Điểm giữ trẻ mùa lũ tại tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang).

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cộng đồng hướng đến mục tiêu vừa ứng phó với BĐKH, vừa phòng chống thiên tai… đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nâng cao nhận thức và kỹ năng

Trong những năm qua, tình hình BĐKH, đặc biệt là thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, ngập lụt, sạt lở… diễn ra nhiều nơi. Nhiều địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp và huy động nhân lực, vật lực để ứng phó.

Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp BĐKH, thiên tai là trường học và học sinh. Để chủ động ứng phó và có bước chuẩn bị, công tác giáo dục tại nhà trường được chú trọng. Hằng năm, mỗi cơ sở giáo dục đều tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai cho trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên và cha mẹ học sinh cùng cộng đồng.

Tại TP Cần Thơ, hằng năm đều xảy ra tình trạng lốc xoáy, ngập lụt, sạt lở. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn xảy ra 26 đợt lốc xoáy, 30 điểm sạt lở, làm sập và hư hỏng 684 căn nhà, làm 5 người chết. Thiên tai đã làm thiệt hại tài sản trên 21 tỷ đồng… Do đó, công tác phòng, chống thiên tai được ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục tại TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bằng giải pháp tuyên truyền, lồng ghép các nội dung, ý thức của cán bộ, giáo viên, học sinh đối với việc phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường ngày được nâng lên, hình thành ý thức tự bảo vệ mình trước những tình huống tiêu cực của thiên nhiên… Sở đã chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp cơ quan chức năng tổ chức giữ trẻ vào mùa lũ. Các điểm tổ chức giữ trẻ trong mùa lũ bảo đảm an toàn cho trẻ, có rào chắn xung quanh.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải cùng HS Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thí nghiệm dự án bảo vệ môi trường.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cùng HS Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thí nghiệm dự án bảo vệ môi trường.

Điểm giữ trẻ mùa lũ không chỉ tạo được sự an toàn cho trẻ em, mà còn giúp các bậc phụ huynh an tâm đi làm, cải thiện kinh tế trong mùa lũ. Theo bà Trần Thị Thu Vân, chủ Điểm giữ trẻ mùa lũ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), phụ huynh đa phần cuộc sống khó khăn, đến mùa nước thì đi giăng câu, giăng lưới, bắt ốc, hái rau... Do vậy, có điểm giữ trẻ, bà con an tâm phần nào vì có điều kiện đi làm ăn, con cái được chăm lo an toàn. Năm nào cũng vậy, mới bắt đầu vô mùa nước là bà con đã yêu cầu mở những điểm giữ trẻ. Đối tượng tiếp nhận là các em vùng lũ, ngập sâu, vùng xa không có điều kiện đến trường. Quy mô mỗi điểm giữ trẻ là 3 cô giáo với 50 học sinh. Giáo viên dạy trẻ là những người được tham gia tập huấn về phương pháp, kỹ năng chăm sóc và nuôi giữ trẻ vùng lũ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, các điểm giữ trẻ cộng đồng, tập trung ở các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua. Đến mùa mưa lũ, mỗi điểm có từ 15 trẻ nhỏ trở lên và bố trí 2 cô giáo. Nhờ đó trẻ nhỏ vùng lũ được bảo đảm an toàn, phụ huynh yên tâm.

Tình trạng sạt lở, sụt lún tại Cà Mau đang đe dọa hàng chục ngàn người dân, trong đó có nhiều trường học. Trong mùa khô hạn đầu năm 2020, huyện Trần Văn Thời xảy ra nhiều vụ sụt lún, có nơi tiến sát trường học.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, sở lập đoàn công tác kiểm tra trường lớp gần khu vực sụt lún và sạt lở đất trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, đề nghị phòng GD&ĐT huyện thống kê số phòng học, trang thiết bị dạy học bị ảnh hưởng để có giải pháp ứng phó…

HS Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) tham gia phân loại rác thải nhựa.
HS Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) tham gia phân loại rác thải nhựa.

Học đi đôi với hành

Trang bị kiến thức ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai, nhiều trường học tổ chức lồng ghép vào hoạt động dạy học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bằng hình thức truyền thông về giáo dục BĐKH, các trường lồng ghép, dạy tích hợp vào các môn học: Địa lý, Tự nhiên xã hội, Giáo dục công dân, các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi: Rung chuông vàng, vẽ tranh về BĐKH, thi hùng biện; thiết kế mô hình về các loại hình thiên tai, vận động học sinh “nói không với rác thải nhựa”, hưởng ứng Giờ Trái đất, trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Một trong những “điểm sáng” là Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Những năm qua, thầy trò nhà trường có nhiều công trình, sáng kiến gây tiếng vang trong tỉnh và cả nước, tham gia cuộc thi tầm quốc tế. “Linh hồn” của những giải pháp là thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên bộ môn Sinh học. Những năm qua, thầy Hải cùng học trò tham gia nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, BĐKH như giáo dục, tuyên truyền học sinh, người dân tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động của Câu lạc bộ Em yêu môi trường; các buổi sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức các cuộc thi trong nhà trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như: “Rác không là phế thải”, “Thời trang và môi trường”, “Tìm hiểu về biến đổi khí hậu”, “Rừng gập mặn”, “Bảo vệ nguồn nước”,“Vẽ tranh bảo vệ môi trường”…

Thầy Hải chia sẻ: “Giáo viên cần phải có đam mê, kiến thức cơ bản để hướng dẫn học sinh, giúp các em hiểu được công việc mình phải làm... Hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài liên quan đến môi trường, giúp gắn kết các em lại với nhau, tránh xa các tệ nạn xã hội, thực hiện đúng phương châm: Học đi đôi với hành, gắn liền lý thuyết với thực tiễn. Đồng thời thực hiện đúng chủ trương của ngành là Xây đựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ