Triều cường diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường, mỗi tháng xuất hiện 1 đợt.
Do ảnh hưởng triều cường, năm 2019 nước ngập ngày 2 lần (sáng sớm và chiều tối), thời gian xuất hiện mức nước đỉnh triều vào sáng lúc 6 - 8 giờ và chiều tối lúc 17 - 19 giờ, đúng giờ đến và rời trường của học sinh. Do đó, việc đưa đón của phụ huynh hết sức khó khăn. Sở GD&ĐT phải ban hành văn bản khẩn cho học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền nghỉ học. Riêng một số trường không ảnh hưởng cho học sinh đi học bình thường. Tuy nhiên thời gian tập trung tại trường cũng được giãn ra, vì nhiều em học sinh nhà xa, bị ngập nước nên đến trễ...
Thầy Trương Thế Bảo - Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: Vào những tháng cuối năm, tuyến đường khu vực xung quanh trường, đặc biệt là tuyến đường chính thường bị ngập sâu do triều cường dâng cao, nhiều đoạn đường bị ngập khoảng 0,5m. Để bảo đảm an toàn, trường phối hợp với UBND và Công an phường hỗ trợ điều tiết giao thông, đồng thời cắm biển báo lưu ý khu vực nguy hiểm như cống, hố sâu, thực hiện một số công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh đến và rời trường an toàn.
Một trong những trường học bị ảnh hưởng nặng nề mỗi khi mưa to và triều cường là Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều). Mưa to hay triều cường dâng cao, tuyến đường trước cổng trường đều bị ngập sâu. Khi đó, cán bộ, giáo viên phải ở lại trường điều tiết, hỗ trợ và hướng dẫn phân luồng phụ huynh, học sinh để bảo đảm an toàn, đồng thời phối hợp với Cảnh sát giao thông và UNBD phường điều tiết giao thông tránh ùn tắc… Theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, trường thường xuyên tuyên truyền với phụ huynh công tác phòng tránh tai nạn khi di chuyển trong điều kiện mưa bão, đặc biệt là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu cục bộ do mưa, bão, triều cường dâng cao...
Chủ động ứng phó
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, thành phố bắt đầu bước vào thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh bởi các đợt triều cường, mực nước trên các sông, rạch sẽ lên cao dần vào các tháng 9, 10 và 11. Mực nước cao nhất trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ và vượt mức báo động III. Trên sông Hậu tại Cần Thơ, mực nước cao nhất năm 2020 có khả năng ở mức 2,15m - 2,25m (vượt báo động III là 0,15 - 0,25m), xuất hiện vào trung tuần tháng 10.
Để chủ động ứng phó, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ bám sát thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Sở chỉ đạo phòng GD&ĐT quận, huyện, các đơn vị trường học trực thuộc thành lập tiểu ban, tổ Phòng chống thiên tai, xây dựng phương án, giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với ngập sâu, nhằm giữ an toàn cho phụ huynh và học sinh.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng ngừa, ứng phó trong trường hợp triều cường dâng cao. Với địa phương xảy ra triều cường cao, ngập sâu cục bộ gây ảnh hưởng đến việc đưa rước học sinh, hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục, lãnh đạo các đơn vị chủ động triển khai đồng bộ giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là an toàn cho học sinh.
Phòng GD&ĐT và các trường học nằm trong khu vực ảnh hưởng của triều cường, chủ động điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp thực tế. Đồng thời, sở cũng giao phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra hoạt động của các điểm trông giữ trẻ tập trung; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện tốt việc đưa đón trẻ trong điều kiện ngập sâu do mưa và triều cường dâng cao...
Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, quận đang triển khai các giải pháp khẩn cấp, chủ động ứng phó với triều cường. UBND quận thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, rà soát và khẩn trương khắc phục các nắp hố ga, nắp hố kỹ thuật, cửa thu nước bị mất, hư hỏng; đồng thời rà soát, cắm biển báo nguy hiểm tại những vị trí ngập sâu, khu vực có nguy cơ mất an toàn…