Tuyển sinh mùa Covid-19: Nở rộ du học tại chỗ

GD&TĐ - Ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh phương thức xét tuyển cùng với việc mở chương trình đào tạo liên kết quốc tế phù hợp học sinh không thể ra nước ngoài du học.

Du học tại chỗ là phương án tối ưu cho học sinh cuối cấp trong mùa dịch. Ảnh minh họa
Du học tại chỗ là phương án tối ưu cho học sinh cuối cấp trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Mở rộng chương trình liên kết

Theo TS Huỳnh Khả Tú – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường ĐH Quốc tế (IU) – ĐHQG TPHCM, trong năm 2021, IU có 6 phương thức tuyển sinh cho thí sinh muốn theo học tại trường. Các phương thức này được thực hiện để tuyển sinh viên muốn theo học các chương trình trong nước hoặc chương trình đào tạo liên kết (CTĐTLK) với nước ngoài.

Với các thí sinh muốn đi du học, nhưng không đi được, chọn lựa học các CTĐTLK của nhà trường là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

“Trường có 30 CTĐTLK, trong đó 6 CTĐTLK tiếp nhận từ Viện Đào tạo quốc tế (IEI) của ĐHQG TPHCM. Đối với CTLK, sinh viên có thể chọn hình thức đào tạo 2+2, 3+1 hoặc 4+0. Người học có thể được xem xét chuyển đổi các hình thức đối với cùng một CTĐTLK”, TS Huỳnh Khả Tú chia sẻ.

Còn tại Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) – ĐHQG TPHCM, TS Đặng Đăng Tùng - Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế cho biết: Từ năm 2020, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, HCMUT triển khai việc tiếp nhận các du học sinh về Việt Nam học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Song song đó, nhà trường chủ động điều chỉnh cấu trúc của chương trình Chuyển tiếp quốc tế (bán du học) nhằm hỗ trợ SV tiếp tục học tập và hoàn tất chương trình bậc đại học tại HCMUT, hoặc đăng ký một số môn học để tích lũy tín chỉ trong thời gian chờ chuyển tiếp sang đại học đối tác.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng VLU ký văn bản hợp tác với ĐH Liverpool John Moores vào tháng 3/2021. Ảnh: TG
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng VLU ký văn bản hợp tác với ĐH Liverpool John Moores vào tháng 3/2021. Ảnh: TG

“Trên thực tế, hoạt động chuyển tiếp du học vẫn được tiến hành bình thường do chương trình đào tạo được vận hành bài bản trên nền tảng trực tuyến (online) từ nhiều năm nay. Phương thức tuyển sinh chương trình Chuyển tiếp quốc tế cũng cập nhật hình thức đăng ký xét tuyển kết hợp phỏng vấn từ năm 2021, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có dự tính du học nước ngoài”, Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế HCMUT chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) đang vận hành  8 CTĐTLK 2+2 dành cho thí sinh muốn đi du học và lấy bằng ĐH của các trường nước ngoài. Chương trình này do IUH liên kết với Angelo State University (ASU, Hoa Kỳ). TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH trao đổi: Sau khi học 2 năm ở IUH, SV đủ điều kiện được chuyển tiếp sang ASU.

Dịch Covid-19 khiến việc trải nghiệm CTĐTLK ngay tại Việt Nam trở nên phổ biến và thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác đào tạo (MOA) với ĐH Liverpool John Moores (Anh) và sắp tới sẽ là ĐH Newcastle (Úc), nhằm mở rộng sự lựa chọn và cơ hội cho người học.

Một giờ tự học của sinh viên IU. Ảnh: TG
Một giờ tự học của sinh viên IU. Ảnh: TG

Học phí và điều kiện học thế nào?

Vấn đề học phí luôn được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm, trong đó có học phí của các CTĐTLK. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, học phí của hệ này tại IUH khoảng 50 triệu/năm. Điều kiện học tập tương tự hệ Chất lượng cao của trường, đồng thời, khi sang ASU học phí cũng được hỗ trợ rất nhiều, còn khoảng 10.000 USD/năm.

“Đối với CTĐTLK, sau khi tốt nghiệp SV có thêm 1 năm để ở lại làm việc hoặc học lên cao hơn. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng thí sinh đăng ký không nhiều, trong năm 2020 có 2 thí sinh đầy đủ điều kiện nhưng do dịch nên không thể sang ASU học được. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ IUH nếu có tiếng Anh tốt vẫn có thể làm hồ sơ xin học bổng ở các bậc cao hơn từ các trường đối tác đã ký kết với IUH…” - TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.

Đối với Trường ĐH Bách khoa TPHCM, TS Đặng Đăng Tùng thông tin: SV chương trình Chuyển tiếp quốc tế học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học phí giai đoạn đầu tại HCMUT là 66 triệu đồng/năm và được điều chỉnh hàng năm theo lộ trình. Khi chuyển tiếp sang trường đối tác (Úc, New Zealand), học phí theo quy định của trường đối tác, trung bình khoảng 600 - 830 triệu đồng/năm...

“Trong thời gian chưa sang trường đối tác, sinh viên chương trình Chuyển tiếp quốc tế học tại Việt Nam trên nền tảng học trực tuyến của từng trường đối tác. Các lớp học trực tuyến được thiết kế như lớp học trực tiếp, sinh viên học theo khung giờ địa phương của trường đối tác hoặc xem lại các video được quay trực tiếp tại lớp học. Trường đối tác sẽ cung cấp buổi học tăng cường (tutorial) và thực hành giả lập dựa trên các ứng dụng mô phỏng” - Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế HCMUT nói.

Còn theo ThS Nguyễn Hữu Trí – Phó Trưởng phòng Hợp tác Đào tạo nước ngoài IU, sau khi sinh viên hoàn thành giai đoạn 1 tại IU, nhà trường có các hỗ trợ như: Hướng dẫn và giúp các em làm hồ sơ xin học bổng trường đối tác; Tư vấn chọn trường, hướng dẫn thực hiện hồ sơ chuyển tiếp sang trường ĐH đối tác; Hướng dẫn sinh viên và phụ huynh lập hồ sơ chứng minh tài chính (để xin visa, tập huấn kỹ năng phỏng vấn xin visa (đối với những quốc gia có thực hiện phỏng vấn)… Đồng thời, nhà trường phối hợp với trường đối tác tổ chức các lớp bổ sung để đạt điều kiện về tiếng Anh học thuật (với các sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS).

“Sau khi SV chuyển tiếp, nhà trường phối hợp với trường đối tác tiếp tục hỗ trợ, giải quyết những phát sinh trong suốt quá trình học tập tại nước ngoài” - ThS Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

“Các CTĐTLK tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm, học tập, phát triển bản thân để hội nhập thế giới và đồng thời mở thêm một hướng đi và sự lựa chọn cho những bạn đang có dự định du học trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp”. - TS Võ Văn Tuấn (VLU)
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ