Tuyển sinh đại học 2021: Tỉnh táo... trước tiêu chí phụ

GD&TĐ - Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, nhiều trường áp dụng tiêu chí phụ. Do vậy, thí sinh cần tỉnh táo, đọc kỹ đề án tuyển sinh riêng và lưu tâm đến những tiêu chí này để tránh “trượt oan”.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh riêng của các trường và lưu tâm đến tiêu chí phụ. Ảnh: TG
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh riêng của các trường và lưu tâm đến tiêu chí phụ. Ảnh: TG

“Cứu cánh” của thí sinh

Nguyễn Quốc Việt – sinh viên năm thứ nhất Học viện Tài chính (Hà Nội) cho biết: Năm ngoái nếu không nhờ vào tiêu chí phụ, giấc mơ học đại học của em đã bị lỡ dở. Việt chia sẻ: Năm 2020, Học viện Tài chính áp dụng tiêu chí phụ với những thí sinh nằm ở cuối danh sách có điểm bằng nhau. May mắn, em có điểm thi môn Toán cao nhất trong tốp những thí sinh này nên trúng tuyển. 

“Với những trường hợp như của em, tiêu chí phụ trở thành “cứu cánh”. Vì thế, em khuyên các bạn thí sinh năm nay, bất luận thế nào cũng nên dành thời gian để nghiên cứu đề án tuyển sinh của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, cần lưu tâm đến tiêu chí phụ đã được ghi rõ trong đề án của trường. Bởi khi cần thì phụ sẽ trở thành chính” – Việt chia sẻ.

Theo ghi nhận, mùa tuyển sinh 2021 nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển, trong đó có khối các trường quân đội. Cụ thể, trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, trường sẽ sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển.

Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào các học viện, trường trong quân đội, sẽ được xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp vào trường ngoài quân đội theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Điều kiện phụ của nhà trường khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là: Trong trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu ngành, thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ được xét trúng tuyển theo điều kiện phụ như:

Tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển (không nhân hệ số, không làm tròn); nếu vẫn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn. Đối với xét tuyển theo điểm bài thi đánh giá tư duy, điều kiện phụ được xét lần lượt là điểm phần thi Toán; thứ tự nguyện vọng.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG

Không bỏ qua chi tiết nhỏ

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, mỗi trường sẽ đưa ra các tiêu chí phụ khác nhau, vừa để “lọc” bớt thí sinh, vừa không để bị vượt chỉ tiêu được giao. Với những trường áp dụng tiêu chí phụ khi xét tuyển bằng phương thức học bạ, thí sinh cần hết sức lưu ý, vì các trường chỉ có thể kiểm tra học bạ sau khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Vì thế, nhiều em không để ý đến tiêu chí phụ nên đến khi làm thủ tục nhập học mới biết mình không nằm trong danh sách trúng tuyển.

Chia sẻ về câu chuyện dở khóc, dở cười của mùa tuyển sinh năm trước, GS.TS Hoàng Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ nên ngậm ngùi nhận thông báo trượt nguyện vọng 1. Vì thế, đừng bỏ qua những chi tiết này, bởi trong nhiều trường hợp, tiêu chí phụ đã trở thành tiêu chí chính, giúp thí sinh đàng hoàng bước chân vào giảng đường đại học.

“Các em phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh sai sót không đáng có. Với những bạn đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vẫn nên thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi rất có thể, đây sẽ là tiêu chí phụ quan trọng giúp bạn có thêm “điểm +” và giành ưu thế so với những thí sinh cùng hạng” – GS.TS Hoàng Tuấn Anh bật mí.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay: Năm 2019, 2020, ngoài việc không chú ý đến tiêu chí phụ, nhiều thí sinh còn quên hoặc ghi sai địa chỉ cần liên hệ. Khắc phục nhược điểm này, cách tốt nhất, các em nên ghi địa chỉ trường THPT – nơi các em học.

Đặc biệt, tuyệt đối không nên thay đổi địa chỉ email, số điện thoại trong suốt quá trình xét tuyển (từ khi đăng ký xét tuyển cho đến khi kết thúc quá trình tuyển sinh). Việc này nhằm bảo đảm sự nhất quán về thông tin khi nhà trường cần trao đổi, liên lạc trong quá trình xét tuyển, tránh sơ sẩy không đáng có. 

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội lưu ý, thí sinh cần “bỏ túi” các mốc thời gian quan trọng trong tuyển sinh. Chẳng hạn như: Thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, thời gian được phép điều chỉnh nguyện vọng, thời gian xét tuyển của cơ sở giáo dục đại học mà mình đăng ký xét tuyển… 

Trước những băn khoăn của thí sinh về việc làm sao biết mình hợp với ngành nào? Cô Hường lưu ý: Đầu tiên, các em nên tự phân tích bản thân để hiểu rõ năng lực, sở thích và đam mê của chính mình. Quá trình tìm hiểu ngành cần chú ý đến các thông tin về vị trí việc làm, môi trường làm việc, yêu cầu của ngành đó cũng như nhu cầu của ngành đó trong hiện tại và tương lai. “Hiểu mình, hiểu ngành” sẽ giúp thí sinh có thể “chốt” đúng ngành, đúng trường mà mình mong muốn” – cô Hường bật mí.

Điều quan trọng nhất lúc này, các em phải cố gắng, nỗ lực trong học tập. Thời gian từ nay đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không còn nhiều, các em đã có dự định chọn trường, ngành, vì thế cần có kế hoạch học tập khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất. Cần chú ý, cập nhật thông tin về tuyển sinh của các trường đại học trên phương tiện truyền thông, đồng thời tham khảo đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT mới công bố để kịp thời lấp đầy những “lỗ hổng” về kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.