Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Lòng vòng xét tuyển

GD&TĐ - Với yêu cầu thí sinh thi chuyên môn lại không được quay hình, không có barem điểm hay phúc khảo mà phụ thuộc vào cảm quan của người chấm khiến hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đặt câu hỏi về tính công bằng của kỳ thi sát hạch. Hơn nữa, các thầy cô phải ôn thi, chuẩn bị dụng cụ tốn bạc triệu trong khi không còn thu nhập.

Cô Hoàng Thị Ngân – Trường Mầm non Thanh Ngọc đã trải qua 20 năm giáo viên hợp đồng. Ảnh: Hồ Lài
Cô Hoàng Thị Ngân – Trường Mầm non Thanh Ngọc đã trải qua 20 năm giáo viên hợp đồng. Ảnh: Hồ Lài

Thay đổi để về phương án cũ

Tại Hà Nội, số giáo viên hợp đồng do lịch sử để lại vào khoảng 3.000 người. Để giải quyết chế độ chính sách cho đội ngũ này đòi hỏi phải có giải pháp “thấu tình, đạt lý”, vừa tuyển được giáo viên có chất lượng nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với  giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Bộ Nội vụ sau đó cũng ra Công văn số 5378 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên.

Thế nhưng, UBND TP Hà Nội sau vài lần thay đổi cách tuyển dụng, mới đây có quyết định thực hiện phương án tổ chức thi sát hạch giáo viên hợp đồng 2 vòng như quy định Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thầy Nguyễn Văn Hiệu - giáo viên hợp đồng (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: Sự việc kéo dài hơn 1 năm qua chưa được giải quyết khiến chúng tôi mệt mỏi. Sau thời gian dài kêu cứu, giáo viên hợp đồng đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đồng ý xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng.

Thực hiện Công văn 5378 của Bộ Nội vụ, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng thế nhưng thành phố Hà Nội vẫn dùng dằng mãi đến nay, thậm chí sau nhiều cuộc họp, thay đổi phương án, Sở Nội vụ Hà Nội thông báo hình thức tuyển dụng quay về phương án cũ.

Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên hợp đồng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: 21 năm qua, tôi giảng dạy, ổn định gia đình tại huyện Sóc Sơn. Theo kế hoạch Sở Nội vụ công bố, nếu chỉ tiêu tại ngôi trường đang giảng dạy không còn, chúng tôi sẽ phải đăng kí xét tuyển vào các trường ở huyện khác. Tôi đã 50 tuổi, không còn đủ sức khỏe để đi xa.

Còn cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng Trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ: Phương án tuyển dụng giáo viên của  Hà Nội không phải là xét tuyển đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ. Chúng tôi vẫn đang chờ quyết định “thấu tình, đạt lý” của thành phố để không phải xa rời bục giảng sau nhiều năm gắn bó.

Huyện Yên Thành có hơn 100 giáo viên hợp đồng nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng. Ảnh: Hồ Lài
Huyện Yên Thành có hơn 100 giáo viên hợp đồng nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng. Ảnh: Hồ Lài

Công bằng nào cho nhà giáo

Nghệ An có khoảng 1.400 giáo viên diện hợp đồng trước ngày 31/12/2015. Có 13/21 huyện, thành, thị đã thực hiện rà soát, kết quả có 566 người đủ điều kiện tuyển đặc cách theo Công văn 5378/BNV-CCVC và có 196 người không đủ điều kiện.

Thành phố Vinh là địa phương đầu tiên hoàn thành xét tuyển đặc cách với 8 giáo viên. Bên cạnh đó, thị xã Cửa Lò được đánh giá có thuận lợi nhất trong tuyển dụng đặc cách, do số lượng giáo viên hợp đồng nằm trong khung chỉ tiêu biên chế được giao.

Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết: Công văn 5378 ra đời mở ra cơ hội cho hơn 90 giáo viên hợp đồng của thị xã và là cơ sở pháp lý cho ngành trong việc tham mưu với thị xã tuyển dụng giáo viên đặc cách. Dù vậy, trong quá trình triển khai, quan điểm của chúng tôi là tuyển dụng đúng vị trí không tuyển dụng đại trà, tránh tuyển thêm giáo viên dôi dư tạo gánh nặng, áp lực cho ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, ở các địa phương còn lại gặp rất nhiều vướng mắc. Tại huyện Thanh Chương sau khi rà soát có 72 giáo viên thuộc diện được đặc cách nhưng chỉ có 42 chỉ tiêu. Vì vậy, huyện phải cân nhắc, tính toán thứ tự ưu tiên sao cho hợp lý.

Trước mắt, huyện tuyển dụng đặc cách cho 10 giáo viên THCS xuống làm giáo viên tiểu học (trong đó có 7 giáo viên được tuyển dụng và 3 giáo viên đang xin ý kiến tỉnh). Các trường hợp còn lại, theo ông Nguyễn Cao Thanh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương, có thể thêm tiêu chí phụ để lựa chọn.

Huyện Đô Lương cũng chỉ có 97/200 giáo viên hợp đồng thuộc diện đặc cách. Trao đổi về việc hơn nửa giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện xét tuyển, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Thầy cô có năng lực, cống hiến nhưng lại thiếu một số bằng cấp theo quy định mới như chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học, gây khó khăn cho quá trình xét tuyển.

Trong khi đó huyện Yên Thành có hơn 100 giáo viên hợp đồng huyện, chủ yếu ở bậc THCS. “Từ năm 2007 đến nay, huyện không được giao chỉ tiêu biên chế bậc học này nên nếu có đặc cách, huyện không có căn cứ nào để tuyển”, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho hay.

Với những khó khăn trên vẫn còn 18 huyện của Nghệ An đang tính toán hoặc chờ chỉ tiêu biên chế mới lên kế hoạch tuyển dụng. Ông Đậu Đình Dương – Trưởng phòng Công chức viên chức (Sở Nội vụ Nghệ An) thông tin: Sở Nội vụ đang dự thảo văn bản đôn đốc thực hiện gửi các cơ quan, đơn vị để việc rà soát sớm được hoàn thành.

Chủ trương của tỉnh là triển khai tuyển dụng đặc cách theo đúng các văn bản hướng dẫn. Về chỉ tiêu biên chế theo cấp học, cần cân đối trong tổng cơ số giáo viên của từng huyện, thành, thị chứ không theo từng trường học.

Nếu địa phương nào, số giáo viên thuộc diện đặc cách nhiều hơn chỉ tiêu biên chế phải xét tuyển khách quan, có thể thêm các tiêu chí phụ để lựa chọn như số năm công tác, thành tích đã đạt và các diện chính sách khác (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ