Tư vấn hướng nghiệp trực tuyến, qua mạng xã hội đang chiếm ưu thế

GD&TĐ - Ngoài chuyên trang tư vấn tuyển sinh trên website, các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng mạng xã hội (fanpage, Zalo, ứng dụng chatbox…) để chuyển tải thông tin tuyển sinh đến thí sinh.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến theo từng khoa.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến theo từng khoa.

So với tư vấn tuyển sinh trực tiếp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến tiếp cận sát nhu cầu của học sinh, thông tin tập trung hơn.

Những hướng đi hiệu quả

Các khoa của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều có fanpage riêng.

Ngoài thông tin chung như tổ hợp môn, phương thức xét tuyển, các khoa còn chú trọng thông tin về chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm.

Những ngành nghề SV có thể tham gia tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp hợp tác đào tạo với khoa… cũng được trường chia sẻ.

TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Kết quả khảo sát khi SV làm thủ tục nhập học cho thấy, phần lớn thí sinh trước khi làm hồ sơ xét tuyển ĐH đều tìm hiểu thông tin từ website, fanpage của nhà trường.

Cùng với việc tham gia tư vấn tuyển sinh trực tiếp, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh tư vấn trực tuyến với sự tham gia của giảng viên cốt cán các khoa.

Nhờ vậy, HS được tư vấn chuyên sâu về ngành nghề có dự định theo học.

Có những ngành đầu ra rất rộng nhưng không phải thí sinh nào cũng có đầy đủ thông tin.

Vì vậy, việc duy trì kênh tư vấn trực tuyến sẽ hỗ trợ thí sinh tìm hiểu thông tin chuyên sâu. 

Cũng theo TS Nguyễn Hồng Hải, nhà trường cũng công bố các số điện thoại hotline để HS, phụ huynh có thể tham khảo, tư vấn trực tiếp. Một số khoa đào tạo của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) còn thành lập group tư vấn tuyển sinh qua Zalo. 

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) ngoài tổ chức livestream tư vấn tuyển sinh chung, còn có lịch tư vấn theo các nhóm ngành.

Bên cạnh đó, các khoa cử giảng viên tư vấn tuyển sinh trực tuyến dựa trên những câu hỏi mà thí sinh comment trên fanpage hoặc gửi riêng vào hộp thư tư vấn tuyển sinh.

PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: So với tư vấn trực tiếp, tư vấn trực tuyến tiếp cận sát với thí sinh hơn.

Những em này đã định hình được ngành, nghề sẽ theo học và muốn tìm hiểu kỹ hơn về cơ hội việc làm, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, điều kiện thực tập thông qua các doanh nghiệp mà trường có ký kết hợp tác…

Chính vì vậy, có thể số lượng HS, phụ huynh tham gia một buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến không đông nhưng hiệu quả cao.

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) không duy trì app tuyển sinh như những năm trước. Theo PGS.TS Lê Văn Huy, với app tuyển sinh, thí sinh buộc phải tải về điện thoại mới cập nhật được các thông tin liên quan.

Chính vì vậy, sẽ có nhiều hạn chế khi tiếp cận với thí sinh qua app tuyển sinh.

Nhà trường tận dụng tối đa nguồn lực và sử dụng linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tư vấn trên nhiều kênh truyền thông để chuyển tải thông tin đến đông đảo phụ huynh, học sinh.

Trên website của nhà trường, chỉ cần người xem mở ra đã có sẵn hệ thống câu hỏi có liên quan đến tuyển sinh được xây dựng.

Hệ thống chatbox này sẽ trả lời tự động những thông tin chung như mức học phí, phương thức xét tuyển... Câu hỏi cụ thể sẽ được chuyển đến ban tư vấn để trả lời sâu hơn.

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến.
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến.

Linh hoạt trong tiếp cận thí sinh

Trong điều kiện các trường phổ thông đang kích hoạt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường tận dụng tối đa phương thức tư vấn tuyển sinh trực tuyến.

“Tư vấn trực tuyến hiệu quả với thí sinh có dự định đăng ký xét tuyển vào các ngành liên quan đến công nghệ. Với những ngành kỹ thuật của nhà trường, vẫn tổ chức tư vấn trực tiếp.

Tuy nhiên, trong điều kiện siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, nhà trường khắc phục bằng cách xây dựng clip ngắn giới thiệu kỹ các ngành đào tạo của trường, từ điều kiện thực hành, thực tập, cơ hội việc làm, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động... 

Em Hà Song Lam (HS lớp 12, Trường THPT Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ: Trong thời đại công nghệ, việc tìm hiểu thông tin về một trường đại học để theo học không quá khó.

Thậm chí, chúng em có thể “check” được uy tín đào tạo của trường qua việc tìm hiểu trên các diễn đàn học sinh, sinh viên.

Em có nguyện vọng theo học ngành tiếng Trung của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng nhưng đang phân vân vì điểm trúng tuyển năm vừa rồi khá cao.

Chính vì vậy, em đang tham khảo thêm thông tin về các trường đại học có đào tạo tiếng Trung tại Đà Nẵng để ưu tiên thứ tự nguyện vọng xét tuyển.

So với 5 năm trước, phụ huynh có nhiều thay đổi trong hướng nghiệp cho con em mình. Việc lựa chọn ngành nghề chủ yếu dựa trên sở thích, năng lực của con cũng như xu thế tuyển dụng nhân lực của xã hội. Vì vậy, gần như công tác hướng nghiệp, những thông tin đào tạo của các trường ĐH phải “rải đều” quanh năm chứ không chờ đến đợt HS lớp 12 THPT làm hồ sơ mới tiếp cận thí sinh. Bởi vậy, tư vấn tuyển sinh trực tuyến sẽ là hình thức tư vấn có hiệu quả và được các trường đại học duy trì lâu dài chứ không chỉ là cách để thích ứng với điều kiện dịch bệnh. - PGS.TS Phan Cao Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ