Trường học gắn với thực tiễn: Hướng đi nâng cao hiệu quả giáo dục

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai mô hình trường học sinh thái, một ngôi trường vùng cao của huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai đã mang đến cho học sinh (HS) cơ hội được “Học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn. Đặc biệt đã góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong HS phổ thông. 

Môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại Trường THCS Lùng Vai
Môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại Trường THCS Lùng Vai

Đưa thực tiễn vào trường học

Khuôn viên Trường THCS Lùng Vai rộng hơn 3.000m2 nhưng gần như không có một khoảnh đất dư thừa. Tất cả đều được bố trí, tận dụng với những ý tưởng sáng tạo để tạo nên một môi trường giáo dục xanh – sạch – đẹp.

Cô Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai hồ hởi chia sẻ: Trong trường có đầy đủ các công trình: Đài phun nước, tiểu công viên, bồn hoa, tranh phù điêu hoa sen. Một hệ thống bồn hoa cây cảnh xanh mướt không chỉ tạo môi trường thoáng mát mà còn giúp không gian sân trường luôn sạch đẹp, gần gũi với GV và HS. Khu vườn ươm, vườn rau su su, cây đu đủ, cây sả, vườn thuốc nam đã mang lại giá trị kinh tế. Khu trang trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường cũng đã đóng góp đáng kể vào các hoạt động sinh hoạt chung của HS.

Điều đáng nói, tất cả những hạng mục công trình đều do đôi bàn tay, ý tưởng của đội ngũ giáo viên nhà trường cùng phụ huynh học sinh xây dựng.

Từ những ý tưởng, nền móng ban đầu và rút kinh nghiệm, nâng cấp hàng năm… đến nay mô hình trường học sinh thái đã triển khai thành công 5 năm tại Trường THCS Lùng Vai.

BGH nhà trường đã tích cực rà soát nội dung trong chương trình giáo dục có liên quan đến các hoạt động thực tiễn mà nhà trường lựa chọn sao cho thật phù hợp với đối tượng HS, điều kiện nhà trường và điều kiện địa phương để thực hiện.

Đội ngũ GV cũng chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh nội dung và thời lượng dạy học; dành thời lượng cho hoạt động tìm hiểu, tiếp cận, dạy học gắn với thực tiễn tích hợp với môn học như: KHTN, KHXH, Giáo dục công dân, Công nghệ, Hoạt động ngoài giờ lên lớp... để mang đến những tiết học bổ ích, hiệu quả giáo dục cao nhất.

Đến nay, sự thành công của mô hình đã được ngành Giáo dục Lào Cai, chính quyền địa phương, phụ huynh HS… ghi nhận. Nhiều trường học trong và ngoài huyện đã học hỏi kinh nghiệm từ Trường THCS Lùng Vai để triển khai ở trường mình.

Hiệu quả lớn từ mô hình phù hợp

Thực hiện mô hình trường học sinh thái – học tập gắn với thực tiễn đã đạt được những kết quả trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Mô hình trường học sinh thái đã giúp HS được vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống. Các em đã tích cực tham gia vào hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tiễn và sáng tạo; rèn luyện kĩ năng sống và ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Qua mô hình trường học sinh thái, được thầy cô dạy cách trồng và thu hoạch cây chè, đu đủ, cây sả, chăm sóc hoa cây cảnh… giúp HS Khi trở về với gia đình, địa phương đã có sẵn kiến thức, kĩ năng để áp dụng vào thực tế. Các em cũng trở thành những hạt nhân tích cực để cùng chung tay xây dựng kinh tế và tạo nên môi trường sống sạch đẹp, văn hóa… tại nơi mình ở.

Thay vì trang bị kiến thức một chiều cho HS, người dạy chú trọng đến việc gắn lí luận với thực tiễn đời sống. Sau mỗi tiết học lí thuyết, GV tổ chức cho HS học thực hành ngay trong khuôn viên nhà trường.

Qua các tiết học thực hành, GV giúp HS tìm hiểu, quan sát môi trường sống của thực vật, động vật trong tự nhiên để khắc sâu kiến thức và kĩ năng trong các môn học về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội;

Cô Phạm Thị Hòa khẳng định: Áp dụng mô hình trường học gắn với thực tiễn chắc chắn đội ngũ GV sẽ vất vả hơn trong hoạt động dạy, soạn giáo án, phải tích cực tự học, tìm tòi thêm kiến thức để truyền tải đến HS… Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều cảm thấy vui trong mỗi tiết học, bài giảng. Học sinh đã tiếp thu kiến thức nhanh hơn và có sự gắn kết gần gũi hơn với trường lớp và thầy cô giáo. Trường lớp xanh sạch đẹp, thân thiện cũng góp phần đáng kể vào việc tăng tỉ lệ chuyên cần của HS tại trường lớp.

Đặc biệt, chất lượng chuyên môn cũng có sự chuyển biến tích cực. Số lượng GV tham gia đạt GV dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tăng lên hàng năm. Nếu năm học 2017 - 2018 duy trì 8 GV dạy giỏi cấp huyện, và 2 GV cấp tỉnh thì đến năm học 2018 - 2019 đã có 11 GV đạt GV dạy giỏi cấp huyện, 5 GV dạy giỏi cấp tỉnh (trong đó có 1 GV đạt giải Nhì, 1 GV đạt giải Khuyến khích).

Kinh nghiệm được cô Hòa chỉ ra để đảm bảo cho việc xây dựng thành công mô hình trường học sinh thái – trường học gắn với thực tiễn là ngay từ đầu năm học BGH cần triển khai văn bản các cấp về hướng dẫn thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn. Thực hiện tuyên truyền phổ biến mục đích, ý nghĩa việc xây dựng mô hình đến CBGVNV và cha mẹ HS để tạo sự đồng thuận, thống nhất và tích cực tham gia xây dựng mô hình nhà trường.

Mặt khác, BGH cần có sự điều chỉnh, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, thành viên tham gia xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn.

Chỉ đạo tổ chuyên môn, GV tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với mô hình như: Biên soạn tài liệu, bộ phiếu tiêu chí, kế hoạch dạy học trải nghiệm, tổ chức giờ học thực hành các môn học Công nghệ, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Âm nhạc, Mĩ thuật…

Việc huy động các nguồn lực ngoài nhà trường tham gia vào mô hình trường cũng cần chuẩn bị tích cực và hiệu quả. Việc xác định, xây dựng kế hoạch để tích hợp nội dung dạy học gắn với thực tiễn cần được GV quan tâm, nghiên cứu khi xây dựng kế hoạch giáo dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ