Mô hình trường học sáng tạo gắn với thực tiễn

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm là một nội dung quan trọng nhằm phát triển tình cảm, đạo đức, phẩm chất nhân cách, năng lực, giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của các em. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm nâng cao năng lực cá nhân của học sinh là hết sức cần thiết.

Mô hình “Trường học sinh thái” của Trường Tiểu học và THCS Long Khánh
Mô hình “Trường học sinh thái” của Trường Tiểu học và THCS Long Khánh

Mô hình trường học gắn với cộng đồng

Những năm gần đây, việc xây dựng các mô hình trường học gắn với thực tiễn đã và đang được các trường học ở Lào Cai thực hiện có hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công. Đó là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Thầy Hà Đình Lũy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: Thực hiện dạy học gắn kết giữa lí thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh, từ năm học 2015 - 2016, nhà trường đã tiến hành xây dựng mô hình trường học gắn với cộng đồng.

Với đặc thù học sinh của nhà trường nằm ở địa bàn với nhiều dân tộc sinh sống như Mông, Dao, Tày (chiếm đến 96,1% là học sinh dân tộc), nhà trường đã áp dụng những đặc trưng của địa phương để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như dạy làm bánh chưng gù của người Tày, làm chổi chít, đan rổ rá, trồng rau… Ngoài những giờ học lý thuyết, các em học sinh được tham gia ngay tại trường với sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh.

Theo thầy Hà Đình Lũy, mô hình được đánh giá là đạt được nhiều hiệu quả tích cực, giúp các em học sinh trong trường được học tập, thực hành, nghiên cứu và trải nghiệm nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Mô hình trường học gắn với cuộc sống đã góp phần thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học tập với thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn, từng bước tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng nghề nghiệp.

Mô hình mới đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh hiểu giá trị của lao động, gắn kiến thức lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất. Các mô hình cũng hướng đến việc phát triển kỹ năng sống, giá trị sống, khả năng sáng tạo, hợp tác, làm việc với cộng đồng, giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, phát triển nghề của địa phương...

“Trường học sinh thái” - nâng “chất” giáo dục toàn diện

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn tham gia trồng rau
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn tham gia trồng rau 

Có thể nói, sức lan tỏa của mô hình trường học gắn với thực tiễn là khá lớn đối với các nhà trường ở vùng cao. Những mô hình này tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xác định trường học là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức phòng chống biến đổi khí hậu cho học sinh, Trường Tiểu học và THCS Long Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) đã lựa chọn xây dựng mô hình “Trường học sinh thái”. Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, nhờ bàn tay chăm chút của thầy và trò, không gian sân trường là một không gian xanh lí tưởng. Những ô cỏ được trồng xen kẽ những vườn hoa và cây xanh tỏa bóng mát là nơi HS vui chơi sau mỗi giờ học.

Thầy Trần Duy Hưng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Long Khánh cho biết: Gắn mô hình này với việc xây dựng cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp, nhà trường đã tạo được một môi trường thoáng mát bởi cây xanh xung quanh trường, không gian sân trường lúc nào cũng đẹp và rợp bóng mát nhờ hệ thống vườn hoa, cây cảnh được bài trí hài hòa.

Với tổng số 278 học sinh, trong đó 112 học sinh bán trú, nhà trường đã tổ chức cho các em trồng rau, chăn nuôi cá, lợn, chăm sóc đồi cây gỗ mỡ… Những việc làm thiết thực khiến học sinh hào hứng, sáng tạo. Trong các giờ học Sinh học, Công nghệ… nhà trường cũng luôn lồng ghép các hoạt động trải nghiệm ngay tại vườn trường.

“Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình giáo dục này, nhà trường mong muốn việc làm này sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức phòng chống biến đổi khí hậu đối với các em học sinh, đồng thời tạo hiệu ứng cho toàn cộng đồng, hướng đến các mục tiêu phát triển môi trường bền vững”, thầy Trần Duy Hưng chia sẻ.

Để áp dụng mô hình hiệu quả, nhà trường đã tiến hành xây dựng Dự án nuôi giun quế từ rác thải hữu cơ và phân gia súc, gia cầm; Phương pháp lên men thức ăn thừa để chăn nuôi, góp phần tạo nguồn thực phẩm an toàn cho học sinh bán trú, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, xử lý rác thải hợp lý cũng là một khía cạnh của bảo vệ môi trường, thông qua việc thực hiện dự án giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý rác thải một cách khoa học, giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách, đồng thời có hành vi đúng đắn trước vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tại nhà trường, địa phương , đất nước, có ý thức áp dụng khoa học vào phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần xây dựng đất nước.

Cô Phùng Thị Bích Phượng, giáo viên môn Địa lý, Trường TH&THCS Long Khánh cho biết: Trong các tiết học, cô luôn lồng ghép các nội dung tích hợp vào bài giảng. Từ những kiến thức trong sách giáo khoa về chống biến đổi khí hậu, cô đã vận dụng vào thực tế cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường. GV dạy cho học sinh ý thức trong việc chăm sóc đồi cây, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, ý thức trong dọn rác thải…làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hấp dẫn giáo dục cho học sinh nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến đời sống cộng đồng, thấy được vai trò của xây dựng trường học sinh thái góp phần phòng chống biến đổi khí hậu. Từ đó, tác động đến ý thức, hành động của mỗi cá nhân học sinh trong việc bảo vệ môi trường sống bằng những hành động cụ thể tại gia đình, địa phương nơi sinh sống, đặc biệt là góp phần xây dựng mô hình trường học sinh thái.

“Trường học là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức phòng chống biến đổi khí hậu cho học sinh. Do đó, nội dung này cần được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục cụ thể, bám sát thực tiễn. Nếu học sinh mỗi ngày cắp sách đến trường đều có ý thức về môi trường, về phòng chống biến đổi khí hậu; về xây dựng mô hình trường học sinh thái thì sẽ tạo được sức lan tỏa sâu rộng cho toàn cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường”,
Thầy Trần Duy Hưng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.