Trung Quốc khuyến khích cử nhân "bỏ phố về quê"

GD&TĐ - Trung Quốc đang kêu gọi cử nhân tốt nghiệp đại học tìm việc làm ở nông thôn khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị tăng cao kỷ lục.

Sinh viên tham gia ngày hội việc làm tại một trường đại học Trung Quốc năm 2021.
Sinh viên tham gia ngày hội việc làm tại một trường đại học Trung Quốc năm 2021.

Theo tuyên bố chung của Bộ Giáo dục, Tài chính, Dân sự, Nhân lực và An sinh xã hội, chính quyền địa phương nên thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học làm công chức tại thôn bản.

Chính phủ sẽ ưu đãi thuế và hỗ trợ vay cho tân cử nhân để phục vụ cộng đồng nông thôn. Các ưu đãi cũng sẽ được phân bố cho doanh nghiệp nông thôn tích cực tuyển dụng nhân viên là sinh viên mới ra trường.

Sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc có xu hướng “đầu quân” cho các doanh nghiệp trả lương hậu hĩnh ở thành phố lớn. Từ đó, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị ngày càng mở rộng.

Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc kêu gọi tân cử nhân tìm việc làm ở những vùng nông thôn rộng lớn, kém phát triển. Trên thực tế, tháng 7/2020, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên tấn công nền kinh tế nước này, các nhà chức trách đã khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học chuyển đến các vùng nông thôn thay vì ở lại thành phố và tranh giành cơ hội việc làm hạn chế.

Năm 2022, chính phủ tiếp tục kêu gọi “bỏ phố về quê” vì ước tính, 10,76 triệu sinh viên – con số cao kỷ lục được ghi nhận – sẽ tốt nghiệp vào tháng 8 tới. Các chuyên gia kinh tế dự đoán những người này sẽ phải đối mặt với mùa tốt nghiệp và tìm việc làm khó khăn nhất trong lịch sử.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2022, đồng nghĩa việc làm sẽ ít hơn ở thành thị. Các doanh nghiệp nhỏ - nguồn tuyển dụng lao động chính – đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong độ tuổi 16-24 tuổi đã tăng vọt lên mức 18,2% vào tháng 5/2022. Con số này chưa bao gồm số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm nay.

Trái ngược với viễn cảnh ảm đạm tại thành thị, ở các vùng nông thôn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng cường tuyển dụng lao động trẻ có tay nghề cao ở nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến công nghệ, kỹ thuật... Chưa kể các cơ quan nhà nước ở vùng nông thôn cũng đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực do người trẻ rời quê hương lên thành phố tìm việc làm.

Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán khi nền kinh tế lâm vào khó khăn, việc trúng tuyển trường đại học tốp đầu càng cạnh tranh khốc liệt hơn tại Trung Quốc.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm 2022, Trung Quốc ghi nhận kỷ lục 11,93 triệu thí sinh dự thi. Những học sinh này phải nỗ lực không ngừng nghỉ vào được các trường đại học hàng đầu, đồng thời phải chịu áp lực rất lớn từ cha mẹ và nhà trường.

Sau kỳ thi diễn ra vào ngày 7-10/6, hầu hết học sinh đánh giá đề thi năm nay quá khó. Theo ghi nhận của truyền thông nước này, nhiều học sinh đã bật khóc sau khi làm bài kiểm tra môn Toán. Một số nhận xét đề thi môn Văn “khó đến mức các nhà văn cũng không thể làm nổi”.

Trước phản ánh của dư luận, Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định: “Đề thi khó nhằm phân loại học sinh, từ đó phục vụ tốt hơn cho mục tiêu của chính phủ là xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng”.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ