Triển khai mạnh mẽ hơn các mô hình giáo dục mới

GD&TĐ - Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị giao ban GD&ĐT 5 thành phố (TP) trực thuộc Trung ương, diễn ra tại TPHCM ngày 25/11.

Các thành phố lớn cần tiên phong trong việc triển khai mô hình GD mới
Các thành phố lớn cần tiên phong trong việc triển khai mô hình GD mới

Duy trì ổn định và bền vững

“Sau một năm triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, những thành tựu mà 5 TP trực thuộc Trung ương đạt được là hết sức đáng ghi nhận” – Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, Trưởng vùng thi đua số 7 - vui mừng báo cáo Bộ trưởng.

Sự thành công ấy đến từ việc kiện toàn hệ thống trường lớp, công tác đổi mới tuyển sinh, đổi mới quản lý, cũng như việc tích hợp, lồng ghép các mô hình GD mới vào trường học, để lại những dấu ấn đậm nét.

Tính riêng trong năm học 2015 - 2016, TPHCM đã đưa vào sử dụng 1.537 phòng học mới, nâng cấp và mở rộng 52 dự án trường học. Tính đến giữa năm 2015, bằng nguồn vốn ngân sách TP và nguồn vốn ODA, kế hoạch đợt 1 đã đầu tư cho 270 dự án từ khởi công xây dựng mới, chuyển tiếp, chuẩn bị thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư... lên đến gần 2.100 tỉ đồng. Đó là chưa kể số kinh phí đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho năm học mới ở 24 quận - huyện, khối trường THPT, GDTX là 329 tỉ đồng.

TP Hà Nội trong năm học 2015 - 2016 cũng đã xây mới 64 trường học các cấp, với kinh phí trên 2.300 tỉ đồng, cải tạo sửa chữa và xây mới 2.057 phòng học. Trong các điểm sáng về nâng cao chất lượng GD của năm học, việc Hà Nội và Cần Thơ đẩy mạnh được hệ thống trường chuẩn quốc gia vượt mức kế hoạch đề ra cũng được xem là thành công lớn. 

Trong hai năm 2014 – 2015, Hà Nội đã công nhận thêm 212 trường phổ thông đạt chuẩn và công nhận lại 296 trường. Tính đến tháng 11/2015, tổng số trường công lập đạt chuẩn là 51,8%. Với TP Cần Thơ cũng có chuyển biến mạnh khi công nhận thêm 59 trường, vượt 18% chỉ tiêu… Nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 188/447 trường.

Ngoài việc kiện toàn và mở rộng hệ thống trường lớp phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, năm học cũng ghi nhận nhiều giải pháp quyết liệt của các địa phương trong việc kéo giảm tình trạng HS nghỉ bỏ học, tình trạng dạy thêm, học thêm. 

Đặc biệt, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, năm học vừa qua tỉ lệ giáo viên mầm non trên chuẩn của TP Hà Nội đã đạt mức 53,5%, tiểu học đạt 93,8%, THCS đạt 75,6%, THPT là 21,3%, TCCN 39,8% và GDTX đạt 16,5%. Riêng TPHCM đã tuyển mới 2.908 giáo viên các cấp với tỉ lệ đạt chuẩn 100%.

Dù đạt được rất nhiều mặt tích cực, sự chuyển biến luôn có tính bền vững cao nhưng những tồn tại, khó khăn mà 5 TP đối mặt không phải không có. Ông Nguyễn Hữu Độ nhìn nhận: Dù công tác quản lý có nhiều đổi mới và tiến bộ nhưng chưa theo kịp sự đổi mới và phát triển của xã hội. 

Nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về việc giảng dạy môn tự chọn còn hạn chế; chất lượng và trình độ đội ngũ giáo viên giữa các trường, các vùng miền chưa đồng đều, việc thu chi ở một số đơn vị còn chưa đúng quy định của ngành…

Lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương ký giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT)
 Lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương ký giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT)

Giải đáp các kiến nghị

Tại Hội nghị, các Sở GD&ĐT thuộc vùng thi đua số 7 đã gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bản tổng hợp các kiến nghị với 12 điểm, như: Tăng định mức biên chế giáo viên chuyên biệt tại các trường mầm non; Định biên cho giáo viên dạy Tiếng Anh trong các trường tiểu học; Quy định chuyển và công nhận chứng chỉ tiếng Anh cho giáo viên phổ thông (nhằm xếp hạng ngạch lương); Xem xét lại quy định hưu, nghỉ việc của giáo viên; Hướng dẫn việc thực hiện đề án ngoại ngữ 2020 cho hệ TCCN; Xem xét lại phương án tuyển sinh bằng học bạ của các trường đại học; Sớm ban hành khung tiêu chí việc làm trong cơ sở GD công lập; Việc thực hiện Thông tư Liên tịch số 11/2015/TTLT-BNV-BGDĐT do Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT ban hành, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT…

Trong số các kiến nghị, Thông tư Liên tịch số 11 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng GD&ĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (có hiệu lực thi hành từ 12/7/2015) được các địa phương kiến nghị nhiều nhất.

Theo lãnh đạo các Sở, tại Thông tư 11 (trước đó là Nghị định 115, Thông tư hướng dẫn số 47/BGD) thì 3 vấn đề (công việc, tuyển người, tài chính) các lãnh đạo Sở, Phòng GD&ĐT không được quyết định nữa, thay vào đó việc tuyển người là do Sở Nội vụ, kinh phí thì do Sở Tài chính… khiến việc triển khai các kế hoạch, tuyển dụng gặp khó. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã dành nhiều thời gian trao đổi về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh về sự chủ động của lãnh đạo ngành GD các địa phương và các cơ sở GD.

Lắng nghe và đọc kỹ báo cáo của từng Sở GD&ĐT, Bộ trưởng ghi nhận những thành tích mà 5 TP trực thuộc Trung ương đã đạt được trong năm qua. Trong đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đặc biệt ấn tượng với việc 5 TP trực thuộc Trung ương đã duy trì, củng cố và nâng cao được chất lượng GD&ĐT, góp phần đáng kể vào chuyển động chung của toàn ngành.

Nhận định về các quyết sách để kéo giảm tình trạng lạm thu đầu năm, dạy thêm học thêm tại 5 TP lớn. Bộ trưởng ghi nhận sự chuyển biến lớn trong thời gian qua; đồng thời cũng cảnh báo các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, quyết liệt thực hiện các giải pháp và xử lý nghiêm túc để tồn tại này được giải quyết triệt để.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Rất cần sự chung tay của các địa phương

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các mô hình GD mới mà toàn ngành đã và đang triển khai thành công. 

Bộ trưởng nêu rõ: Việc Bộ GD&ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam vừa chính thức ký kết hợp tác, phát sóng Kênh Giáo dục VTV7 không ngoài mục tiêu phát triển năng lực HS, đẩy mạnh mô hình GD mới, hướng đến bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, góp phần kéo giảm triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm… 

Để đi tới thành công như mong đợi, rất cần sự chung tay của các địa phương đối với Bộ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các trường, Sở GD&ĐT cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp gắn kết với các trường sư phạm, các doanh nghiệp, xây dựng tốt hơn nữa môi trường, điều kiện thực hành cho sinh viên… 

Bộ trưởng tin tưởng, nếu làm tốt điều này, cả hai bên (đào tạo nhân lực và sử dụng nhân lực) sẽ giải quyết được rất nhiều việc cho mình, trong đó đặc biệt là công tác đào tạo sẽ hướng được tới thực chất, đáp ứng được nhu cầu xã hội. 

“Về đề xuất Bộ GD&ĐT nên cấm các trường đại học dùng phương thức xét học bạ để tuyển sinh, tôi khẳng định: Bộ GD&ĐT không thể cấm các trường được. Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, khi họ tự chủ thì người ta có quyền đưa ra phương thức tuyển, Bộ không thể cấm. 

Nói nguồn tuyển thiếu tôi thấy là không có cơ sở. Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT của chúng ta hàng năm có hệ số khoảng 1,5 (chưa tính số thí sinh tự do); trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 1,0. Chỉ tiêu tuyển sinh rất dồi dào. Không tuyển được, đơn giản vì chất lượng đào tạo của trường chưa tốt, chất lượng không ổn thì học sinh không vào”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.