Tiên phong đổi mới mô hình đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Phát biểu tham luận tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 giai đoạn 2021-2025 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để làm được điều này, vai trò của cơ sở đào tạo giáo viên (GV) là vô cùng quan trọng; và việc đổi mới mô hình đào tạo GV cũng đòi hỏi phải phù hợp với thực tiễn và cập nhật được các thành tựu nghiên cứu trong khoa học giáo dục.

Đào tạo “3 trong 1”

Trước đây, nước ta chỉ có một mô hình duy nhất là đào tạo GV trong các cở sở đào tạo GV, tức là các trường sư phạm (SP). Sinh viên (SV) được đào tạo cả về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, nghiệp vụ SP trong trường SP. Mô hình này còn gọi là mô hình “song song”, “liên tục”, “khép kín” hay “tích hợp".

Mô hình này được triển khai tại nhiều trường SP như: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TPHCM… Trường ĐHSP nằm trong ĐH đa ngành (Trường ĐHSP Thái Nguyên trong ĐH Thái Nguyên, Trường ĐHSP Huế trong ĐH Huế, Trường ĐHSP Đà Nẵng trong ĐH Đà Nẵng) hay các trường có khoa SP.

Thực tiễn hiện nay đã hình thành quan niệm “trường SP không chỉ đào tạo GV, GV không chỉ được đào tạo trong trường SP”.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: Cùng với quá trình hội nhập về kinh tế, giáo dục ĐH cũng mở ra và tiếp nhận những mô hình khác nhau.

Đầu những năm 2000, mô hình đào tạo GV trong các trường ĐH đa ngành ở nước ngoài bắt đầu được giới thiệu và du nhập vào Việt Nam. Mô hình này tạm gọi là mô hình ‘’tiếp nối’’ A+B (trước đây còn gọi là 3+1).

Giai đoạn A (tương đương khoảng 3 năm) - SV được đào tạo khoa học cơ bản do các giảng viên và theo chương trình của các trường thành viên khác của ĐHQG Hà Nội; giai đoạn B (tương đương 1 năm) - SV được đào tạo về khoa học giáo dục và nghiệp vụ SP tại Trường ĐH Giáo dục.

SV sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng cử nhân SP. Một số SV có bằng cử nhân khoa học ở các trường ĐH ngành tương ứng có thể học bổ sung một số chuyên đề về khoa học giáo dục, sau đó học cao học để lấy bằng Thạc sĩ Lí luận và Phương pháp dạy học. Đặc trưng nổi bật của mô hình này là “Giỏi về A, thành thạo về B”.

Ngoài các đối tượng trên, mô hình bằng kép đang được triển khai tại ĐHQG Hà Nội, dành cho các đối tượng là SV thuộc các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội đang học các ngành khoa học cơ bản được học song song với ngành SP tương ứng từ năm thứ 2 trở đi. Thời gian tối đa cho cho mỗi SV là 6 năm và được cấp 2 văn bằng cử nhân khoa học và cử nhân SP sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, do yếu tố lịch sử nên đại đa số GV phổ thông tại Việt Nam được đào tạo theo mô hình “tích hợp”, riêng Trường ĐH Giáo dục triển khai theo mô hình tiếp nối A+B. Trong thời gian qua, Trường ĐH Giáo dục cũng đã thí điểm đào tạo giáo viên theo mô hình 4+1 (có một khóa tốt nghiệp khoảng 20 học viên). Học viên theo học là những người đã có bằng cử nhân khoa học ngành tương ứng, được học thêm 1 năm về nghiệp vụ SP (bao gồm cả kiến tập, thực tập) và đã được cấp bằng cử nhân SP.

Như vậy, tuy có đôi chút khác nhau trong từng giai đoạn nhưng nói chung mô hình đào tạo GV tại Trường ĐH Giáo dục vẫn thể hiện rõ nét đặc trưng là đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản trước, đào tạo khối kiến thức khoa học giáo dục và nghiệp vụ SP sau theo mô hình 3+1 hoặc A+B.

Triết lí của mô hình đào tạo là đào tạo cử nhân khoa học cơ bản trước, đào tạo GV sau, theo đó người GV được đào tạo giỏi về chuyên môn khoa học cơ bản, tinh thông về nghiệp vụ SP, đồng thời có năng lực quản lý giáo dục tốt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chia sẻ ưu điểm của mô hình A+B, GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, đây là mô hình đào tạo mở, liên thông mạnh, mềm dẻo, dễ điều chỉnh từ đào tạo cử nhân khoa học cơ bản sang đào tạo cử nhân SP và ngược lại. Cùng với đó, chất lượng đào tạo cao bởi lẽ sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giáo sư đầu ngành các ngành khoa học cơ bản tham gia vào đào tạo SP.

“Triết lý đào tạo của mô hình là đào tạo "3 trong 1": nhà khoa học, nhà SP và nhà quản lý giáo dục. Như vậy, ta thấy hiệu quả của mô hình đào tạo A+B là: phát huy và sử dụng được sức mạnh tổng hợp của các giảng viên, các giáo viên phổ thông, nhà khoa học đầu ngành của các ngành khoa học cơ bản, cũng như kinh nghiệm đào tạo của các đơn vị đào tạo uy tín trong một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQG Hà Nội.” – GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

Sinh viên được "nhúng mình" vào môi trường thực tiễn

Chương trình đào tạo cử nhân SP do Trường ĐH Giáo dục xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản tương ứng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với nguyên tắc đảm bảo tính liên thông. Khoảng 75% thời lượng của chương trình cử nhân SP và chương trình cử nhân khoa học cơ bản tương ứng (100- 105/140 tín chỉ) là giống nhau về cả tên môn học và thời lượng của từng môn học.

GS Nguyễn Quý Thanh khẳng định: chương trình là một yếu tố quan trọng, điều kiện tiên quyết để triển khai đào tạo GV theo mô hình A+B.

Với cách thiết kế chương trình này, SV cử nhân SP được đào tạo cùng với SV các ngành khoa học cơ bản tương ứng với sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên mạnh về chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

“Với mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động theo Quy định tổ chức và hoạt động của ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục đã và đang phát huy triệt để tính liên thông, liên kết của một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực; mạnh về khoa học cơ bản; đi tiên phong trong việc đổi mới hoạt động đào tạo GV phổ thông góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".
GS Nguyễn Quý Thanh

Bên cạnh đó, để tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp, năm học 2017 – 2018, Trường ĐH Giáo dục tổ chức cho SV được nhúng vào môi trường thực tiễn là các trường phổ thông ngay từ những năm thứ hai của chương trình để hình thành tâm thế và kĩ năng SP, lòng yêu nghề giáo ngay từ những năm đầu tiên là SV của trường cũng như tạo ra sự gắn kết giữa các bên tham gia đào tạo cử nhân SP là giảng viên ở trường ĐH và các GV phổ thông. Đây là điều kiện thuận lợi, môi trường học tập tốt cho SV cử nhân SP, cũng chính là điểm mạnh của mô hình A+B này.  

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ SV Trường ĐH Giáo dục ra trường là có việc làm ngay là khá cao (hơn 93%), hầu hết SV có việc làm đúng ngành nghề đào tạo (khoảng 86%) và số SV làm trái nghề đào tạo là rất ít. Điều này góp phần khắc phục được hiện tượng SV ra trường làm trái ngành đào tạo, tránh lãng phí chi phí đào tạo của xã hội, đóng góp cho sự ổn định của thị trường lao động.

Đặc biệt, Trường ĐH Giáo dục cũng đã nhận được ý kiến đánh giá cao từ Sở GD&ĐT các tỉnh/thành (như Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên,…), các nhà tuyển dụng về sản phẩm đào tạo của nhà trường cả về chuyên môn, nghiệp vụ SP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất thí điểm mô hình: Cử nhân + Khoa học giáo dục + Rèn nghề

Trong thời sắp tới, Trường ĐH Giáo dục đề xuất với Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN và thí điểm đào tạo giáo viên theo mô hình 4+1+0.5 thực hành rèn nghề (Cử nhân + Khoa học Giáo dục + Rèn nghề).

Người theo học là những người đã có bằng cử nhân khoa học ngành tương ứng, được học thêm 1 năm khoa học giáo dục và được rèn nghề 6 tháng theo mô hình gần tương tự mô hình "nội trú" như đào tạo bác sĩ tại các trường ĐH Y khoa.

Mỗi mỗ hình đào tạo GV đề có những ưu điểm và các thách thức. Nói chung mô hình đào tạo giáo viên tại A+B mà Trường ĐH Giáo dục đang triển khai có tính linh hoạt, có thể đáp ứng nhanh chóng vấn đề thiếu hụt GV cục bộ theo môn hay theo địa phương, cũng như hay trên diện rộng. Nói cách khác, nó có thể thực hiện tốt chức năng như là van điều tiết đào tạo nhân lực GV, nhất là bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ