Theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên dạy THCS sẽ phải có bằng Đại học. Như vậy cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới, lần đầu tiên xuất hiện ở bậc THCS là môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí sẽ rất cấp thiết và là một trong điều kiện quan trọng để có thể triển khai thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Sư phạm Trường Đại học Giáo dục, kiến thức về Lịch sử và Địa lí luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, không thể tách rời nhau. Đó cũng là tư duy tích hợp mà mỗi chúng ta đều hướng tới khi hình thành và phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh được nêu trong Chương trình GDPT 2018.
Để đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018, năm học 2020-2021, tiếp theo việc mở chương trình đào tạo giáo viên ngành Khoa học tự nhiên (bậc THCS), chương trình đầu tiên tại các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước đón nhận sinh viên năm học 2019-2020, Trường Đại học Giáo dục triển khai mô hình đào tạo giáo viên ngành Lịch sử và Địa lí bằng một chương trình đào tạo tân tiến cùng với phương thức đào tạo kết hợp Blended learning trên hệ thống dạy học LMS Moodle và hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại mà sinh viên có thể sử dụng các phần mềm dạy học đặc trưng của môn học như GIS trong dạy học Lịch sử và Địa lí.
Được đào tạo theo hướng tích hợp, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, với hình thức dạy học kết hợp Blended learning thông qua hệ thống giáo dục trực tuyến Moodle, triển khai thực địa trải nghiệm, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở các trường phổ thông mà không phải trải qua thời gian thử việc.
“Cùng với việc triển khai đào tạo khóa đầu tiên môn KHTN, tích hợp Lý, Hóa và Sinh ở bậc THCS, việc đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý trong KHXH sẽ góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực trong đổi mới đào tạo giáo viên ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của xã hội”- PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.