Thành viên hội đồng trường: Đừng để cho đẹp đội hình!

GD&TĐ - Phần lớn các trường ĐH công lập đã thành lập Hội đồng trường (HĐT).

HĐT Trường ĐH Sư phạm TPHCM ra mắt tháng 3/2021 với 1 thành viên đại diện cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT tham gia.
HĐT Trường ĐH Sư phạm TPHCM ra mắt tháng 3/2021 với 1 thành viên đại diện cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT tham gia.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động HĐT ở một số đơn vị có tình trạng nhiều thành viên thuộc thành phần tham gia bên ngoài trường thường vắng các cuộc họp quan trọng. Thậm chí có thành viên từ khi thành lập HĐT đến nay không hề thấy mặt trong các cuộc họp và ngay cả lễ ra mắt HĐT!

Vẫn còn trường chưa kiện toàn Hội đồng trường

Mặc dù đã được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99/2019, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số trường ĐH khu vực phía Nam chưa kiện toàn được HĐT. Trong đó, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đã được Bộ chủ quản công nhận danh sách HĐT nhưng chưa có chủ tịch và thư ký. Còn Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) thì chưa có HĐT…

Nói về lý do chưa có HĐT, Tiến sĩ Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng IUH chia sẻ: Trường đã trình danh sách và thành phần HĐT cho Bộ chủ quản. Tuy nhiên, do có một số thành viên tham gia HĐT không đáp ứng quy định về độ tuổi, nên trường đang làm lại quy trình theo đúng quy định. Dự kiến qua dịch sẽ hoàn tất các bước.

Theo Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 đã có hiệu lực được hơn 1 năm đến gần 2 năm. Bộ GD&ĐT có nhiều hội nghị tập huấn, văn bản chỉ đạo triển khai việc thực hiện Luật số 34/2018 và Nghị định số 99/2019. Trường ĐH nào chưa có HĐT, chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động và các quy chế nội bộ khác, chưa bổ nhiệm hiệu trưởng và bộ máy hành chính theo quy định mới là khá chậm trễ.

“Các trường chậm trễ phải nỗ lực trong việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý để thực hiện đúng Luật và thể hiện năng lực tự chủ của trường. Về lâu dài, các vấn đề như thẩm quyền, tiêu chuẩn, quy trình, quy định đối với các hoạt động mà trường được tự chủ đều phải quy chế hóa trong các văn bản nội bộ để giảm thiểu sự tùy tiện và những việc làm vì lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, các công việc phải được kế hoạch hóa trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn… do HĐT ban hành. Nếu việc phát sinh ngoài kế hoạch, hiệu trưởng phải báo cáo HĐT trước khi thực hiện. Khi đó, những việc lớn như công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ quản lý nói chung và bổ nhiệm hiệu trưởng nói riêng không thể bị động và “ăn đong” như ở một số trường hiện nay…” -  TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Bên cạnh đó cũng có một số HĐT hoạt động khá mờ nhạt. Điển hình như HĐT Trường ĐH Đồng Nai từ khi thành lập (tháng 6/2020) không tiến hành bổ nhiệm bầu, bổ nhiệm lại các thành viên của ban giám hiệu. Trong khi luật quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của HĐT. Thậm chí đến nay HĐT trường này cũng không có thư ký.

Danh sách HĐT Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM với số lượng thành viên đến từ cơ quan chủ quản chiếm số lượng áp đảo với tỷ lệ 5/19 người.
Danh sách HĐT Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM với số lượng thành viên đến từ cơ quan chủ quản chiếm số lượng áp đảo với tỷ lệ 5/19 người.

Thành viên tham gia HĐT như thế nào là phù hợp?

Theo Luật Giáo dục đại học, số lượng thành viên bên ngoài trường tham gia HĐT chiếm tối thiểu 30% trên tổng số thành viên của HĐT. Thành viên trên bao gồm: Đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu (nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động…).

Tuy nhiên trên thực tế, rất hiếm HĐT có đầy đủ các thành viên bên ngoài trường tham gia họp đầy đủ. Thậm chí có HĐT đưa vào danh sách thành viên bên ngoài là người đứng đầu của một tỉnh nhưng từ khi thành lập, ra mắt HĐT cho tới khi bầu hiệu trường đều không thấy tham gia. Trong khi đó, HĐT hoạt động lấy theo ý kiến biểu quyết của số đông mà chênh lệch một hai phiếu thì cục diện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trường.

Bên cạnh đó có HĐT, thành viên tham gia thuộc cơ quan chủ quản quá nhiều. Trong số 19 thành viên HĐT Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì có tới 5 thành viên thuộc Bộ GTVT.

Theo GS.TS Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, số lượng thành viên từ cơ quan chủ quản tham gia vào HĐT nên từ 1 - 2 là vừa, 4 người trở lên là quá nhiều.

“Nếu những thành viên bên ngoài trường không am hiểu về GD mà tham gia quá nhiều vào HĐT sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quyết sách phát triển trường. Thậm chí chưa nói đến việc những thành phần bên ngoài trường này thường hay vắng họp” - GS.TS Trình Quang Phú chia sẻ.

HĐT là một bước tiến trong GDĐH, tuy nhiên theo PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), hiện vai trò và các thành viên của HĐT vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.

Phát biểu tại tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy quản lý Nhà nước với giáo dục ĐH Việt Nam”, PGS.TS Ngô Văn Thuyên cho rằng: HĐT hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên những quyết định của HĐT là sự thống nhất của ý kiến tập thể. Do đó, để HĐT hoạt động hiệu quả hơn cần tính toán lại thành phần các thành viên tham gia HĐT. Bởi hiện tại, bên cạnh thành viên đương nhiên theo quy định, phần lớn những thành viên còn lại của HĐT là các trưởng, phó, GV trong trường. Như vậy vô hình trung, những thành viên này lại dưới quyền của hiệu trưởng nên sẽ khó có những phản biện độc lập lại các đề xuất của hiệu trưởng.

“Luật quy định, HĐT sẽ bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng, thế nhưng với nhiều thành viên của HĐT dưới trướng của ban giám hiệu như hiện nay, công việc này sẽ khó khách quan. Đồng thời, chủ tịch HĐT, ban giám hiệu, trưởng/phó khoa đều bị chi phối và phải bảo đảm số phần trăm tiết chuẩn theo quy định”, PGS.TS Ngô Văn Thuyên chia sẻ..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.
Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.