SEQAP nâng bước học sinh dân tộc thiểu số đến trường

GD&TĐ - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) chất lượng giáo dục tại các trường dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum đã tăng lên đáng kể.

Học sinh Trường dân tộc bán trú Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) được hỗ trợ ăn trưa tại trường
Học sinh Trường dân tộc bán trú Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) được hỗ trợ ăn trưa tại trường

SEQAP nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Ông Võ Xuân Thủy - Trưởng phòng Giáo dụcTiểu học - Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum - cho biết: Kon Tum có 7/10 huyện, thành phố được hưởng lợi từ Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), với 40 trường tiểu học (chiếm 27,5% tổng số trường tiểu học cả tỉnh), 190 điểm trường. Trong 40 trường SEQAP, có 28 trường thuộc xã khó khăn, chiếm tỷ lệ 70% số trường SEQAP.

Kết thúc năm học 2015-2016, các trường SEQAP có 16.800 học sinh (chiếm tỷ lệ 29,4% tổng số học sinh tiểu học cả tỉnh), trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 14.376 học sinh, chiếm tỷ lệ 85,5% học sinh DTTS của các trường tham gia SEQAP; (chiếm tỷ lệ 40,8% tổng số học sinh tiểu học DTTS cả tỉnh).

Có 26 trường thực hiện dạy học theo phương án T30 (khoảng 30 tiết/tuần, so với 22 đến 25 tiết/tuần của chương trình hiện nay được Bộ GD&ĐT phê duyệt); có 06 trường thực hiện dạy học theo phương án T33 (khoảng 33 tiết/tuần) và 8 trường thực hiện theo phương án T35 (khoảng 35 tiết/tuần).

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định rằng Kon Tum đã đạt được mục đích của SEQAP là nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học thông qua hỗ trợ các trường tiểu học chuyển đổi sang mô hình dạy - học cả ngày (FDS) và giảm sự chênh lệch giữa các nhóm học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.

Còn ông Nguyễn Trọng Thắng- Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum chia sẻ: Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, đến nay, tại 40 trường tiểu học và tất cả các điểm trường lẻ (190 điểm trường) đã tổ chức có hiệu quả, đạt được mục tiêu, là chuyển đổi dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày.

Trong 40 trường tiểu học, có 8 trường đã nỗ lực huy động các nguồn lực tổ chức dạy học 9-10 buổi/tuần. Các trường tiểu học tham gia SEQAP đã thực hiện nghiêm túc những tài liệu hướng dẫn của Ban quản lý Trung ương, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã chủ động bố trí thời gian và nội dung hợp lý đối với các hoạt động dạy học cả ngày.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi sang học cả ngày, phát triển mô hình FDS với các phương án dạy học cả ngày đã đi đúng hướng và vận dụng linh hoạt, phù hợp và đảm bảo chất lượng giáo dục. Việc triển khai dạy học cả ngày đã giúp học sinh ham thích đến trường, có nhiều hứng thú và chuyên cần hơn trong học tập (tỷ lệ học sinh chuyên cần hàng ngày tại các trường này đạt trên 97%).

Tổ chức dạy học cả ngày đã tạo điều kiện để học sinh vùng khó khăn có thêm thời gian dành để ôn tập, củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng các môn học; các trường có điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh được giao lưu, rèn kỹ năng sống, các em có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn trong việc gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, nhà trường với xã hội.

Chất lượng giáo dục của học sinh nói chung, kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt, môn Toán nói riêng được đảm bảo chất lượng, ngày càng cải thiện và tăng cao qua từng năm học.

Từ khi triển khai SEQAP, tỷ lệ học sinh chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần và bỏ học ngày càng giảm. Đặc biệt, học sinh DTTS được tăng cường vốn tiếng Việt, được trợ giảng tiếng dân tộc. Các kỹ năng hiểu, nói, đọc, viết tiếng Việt của học sinh DTTS được cải thiện nhiều hơn, học sinh học tập các môn học khác tốt hơn.

Hỗ trợ học sinh ăn trưa tại trường

Một trong những hỗ trợ thiết thực nhất mà SEQAP hỗ trợ cho giáo dục Kon Tum là giúp học sinh ăn trưa tại trường để thực hiện dạy học cả ngày. Số học sinh được ăn trưa tại các trường được tăng dần qua từng năm.

Giai đoạn 2010-2016, cả tỉnh có 27.934 học sinh được ăn trưa tại trường từ nguồn SEQAP, trong đó học sinh DTTS 27.915, chiếm tỷ lệ 99,9%, học sinh thuộc diện hộ nghèo 21.800 em, chiếm tỷ lệ 78,3%.

Ngoài ra, có 7.503 học sinh được ăn trưa tại trường từ nguồn hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú theo Quyết định số 85/2010 của Thủ tướng Chính phủ; 9.650 học sinh được ăn trưa từ sự hỗ trợ của Dự án Plan, sự đóng góp của các tổ chức xã hội, sự đóng góp của cha mẹ học sinh, cộng đồng.

Việc tổ chức nghỉ trưa tại trường và sinh hoạt của học sinh bằng các nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, kinh phí của phụ huynh học sinh, các trường SEQAP đã mua chăn màn, chiếu cho các lớp để học sinh ngủ trưa, một số học sinh không thích ngủ trưa có thể được xem phim, đọc sách...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Kon Tum cho hay: Thông qua khẩu phần ăn, chế độ ăn trưa, bố trí giờ giấc sinh hoạt, nghỉ trưa tại trường, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thể chất đối với học sinh, học sinh khỏe mạnh hơn, sống, sinh hoạt có tổ chức và nền nếp hơn, nhất là học sinh DTTS mạnh dạn, năng động, tự tin hơn và kỹ năng sống được nâng cao hơn.

Qua việc dạy học cả ngày, ăn trưa tại trường, mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên có sự gần gũi, chia sẻ với nhau hơn, đặc biệt sự tương ái, tinh thần đoàn kết giữa học sinh các dân tộc càng gắn bó với nhau hơn.

Mục đích của SEQAP đã đi đúng hướng và đạt được mục tiêu, nhờ đó chính quyền địa phương, cộng đồng, phụ huynh học sinh... đã có sự đồng thuận, ủng hộ cao.

Là tỉnh nghèo, còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, song thông qua chương trình của SEQAP đã tác động đến sự kích cầu đầu tư của địa phương trong việc cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, hỗ trợ lương tăng thêm cho giáo viên… Đồng thời, chương trình SEQAP đã tác động đến nhận thức của phụ huynh học sinh, nhất là phụ huynh đồng bào DTTS đã quan tâm hơn việc học tập của con em.

Phụ huynh học sinh, cộng đồng đã góp ngày công lao động (lấy củi, chở nước, cung cấp thêm gạo, rau, củ, quả...), vận động học sinh mang cơm đến trường để ăn trưa vào các ngày học cả ngày.
Đồng thời phụ huynh học sinh đã tạo mọi điều kiện để cho con em ra lớp học tập, cùng nhà trường duy trì sĩ số, động viên con em đi học chuyên cần, hạn chế tối đa việc bỏ học giữa chừng của học sinh.

Phụ huynh đã bớt ỉ lại, trông chờ sự đầu tư của Nhà nước, của Chương trình Dự án, có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp tinh thần, vật chất hoặc công sức (ngày công) để giúp cho con em có thêm các điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn.

Chương trình SEQAP đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trường học cho 40 trường tiểu học có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của tỉnh Kon Tum thông qua các hoạt động hỗ trợ toàn diện để chuyển đổi từ mô hình dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.