Sẵn sàng cho kỳ thi

GD&TĐ -  So với năm 2018, Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới, do đó các trường THPT đã chủ động mọi phương án, sẵn sàng đón nhận với tâm thế tự tin.   

Một tiết ôn tập môn Toán của cô và trò Trường THPT Trương Định (Tân Mai, Hà Nội).   Ảnh: Thiên Thanh
Một tiết ôn tập môn Toán của cô và trò Trường THPT Trương Định (Tân Mai, Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh

Chủ động và đồng hành cùng học sinh

Có mặt tại Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), qua quan sát cho thấy, không khí dạy - học của thầy và trò rất nghiêm túc. Thầy Hiệu trưởng Lê Việt Dương cho biết: Năm học này, nhà trường có 563 học sinh lớp 12. Nhà trường cũng đã tổ chức thi khảo sát cho học sinh nhằm phân loại học lực, từ đó có kế hoạch dạy học và ôn tập hợp lý.

“Thời điểm này, cùng với việc dạy học chính khóa, chúng tôi chỉ đạo các giáo viên bộ môn theo sát học sinh; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình trạng học tập của từng cá nhân. Qua đó, phối hợp với gia đình để có phương pháp giáo dục hợp lý. Cùng với đó, nhà trường tổ chức ôn tập phụ đạo cho học sinh theo hình thức cuốn chiếu. Tức là học đến đâu, chắc đến đó để kiến thức không bị rơi rụng” - thầy Dương chia sẻ.

Cũng theo thầy Dương, nhà trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn nghiên cứu đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để có định hướng ôn tập cho thí sinh. “Quan điểm của chúng tôi là không để em nào bị bỏ rơi. Do đó, với những học sinh có học lực yếu, giáo viên bộ môn đã chủ động phụ đạo miễn phí.

Đến giai đoạn “nước rút”, có thể chúng tôi sẽ tổ chức những lớp học miễn phí để “tăng tốc” cho các em. Thậm chí trong trường hợp cần thiết, ban giám hiệu sẽ trực tiếp vào cuộc, đứng lớp để phụ đạo thêm cho học sinh. Nói chung, chúng tôi sẽ luôn đồng hành để các em yên tâm “vượt vũ môn” - thầy Dương trao đổi.

Tại Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ), Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Định chia sẻ: Toàn trường có 569 lớp 12; trong đó có 152 em đăng ký thi tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên; số còn lại là đăng ký bài thi Khoa học xã hội và 50% học sinh có nguyện vọng vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học.

Hiện nhà trường chưa đặt nặng việc luyện đề. Trước mắt, tập trung vào dạy và học theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT; đồng thời kết hợp ôn tập các bài đã học, nhằm giúp các em nắm chắc kiến thức, có nền tảng để luyện giải đề thi sau này.

“Với quan điểm, không để học sinh nào phải bỏ thi vì lý do xa nhà hoặc do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hiện, chúng tôi đã có phương án vận động giáo viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền ăn bán trú cho khoảng 160 -180 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh xa nhà” - thầy Định cho biết.

Có kế hoạch ôn tập hợp lý

Cũng theo thầy Định, trong thời gian này, các em nên phân bổ thời gian ôn tập hợp lý. Chẳng hạn: Từ nay đến hết tháng 4, nên tập trung củng cố kiến thức theo hướng: Học đâu chắc đấy. Sang tháng 5, các em tập trung “tăng tốc” bằng việc luyện giải các đề thi, các dạng bài theo chủ đề và rèn kỹ năng làm bài thi.

Trước kỳ thi 2 tuần, các em vẫn duy trì việc học tập, nhưng cần hệ thống toàn bộ kiến thức. Đồng thời, cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe để vượt qua kỳ thi quan trọng này.

Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi, thầy Ngô Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) nhấn mạnh: Quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của các em. Để dễ học, dễ nhớ, các em có thể thiết kế sơ đồ tư duy. “Vẫn còn thời gian để các em tập trung học tập. Vì thế, thời điểm này có thể học theo chủ đề, theo các dạng bài tập để thuần thục cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên sang đến tháng 5, các em nên tập trung vào luyện đề tổng hợp để tự mình đánh giá kiến thức. Có thể tham gia các kỳ thi khảo sát do nhà trường hoặc một số cơ sở giáo dục tổ chức để biết được kiến thức của mình đang ở đâu. Đồng thời rèn kỹ năng làm bài và làm quen với môi trường thi cử” - thầy Bảo chia sẻ.

Còn cô Dương Thị Thanh Tâm - người có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 12 của Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) “bật mí”: Sau mỗi bài học, các em nên hệ thống kiến thức bằng cách ghi vào cuốn sổ tay, có thể ghi tóm tắt nội dung, phương pháp làm bài hoặc hiệu quả nhất là viết lại kiến thức bài học dưới dạng sơ đồ tư duy.

Đặc biệt, ở thời điểm “nước rút”, các em nên chia nhỏ thành các giai đoạn. Trước tiên nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức cần thiết, sau đó xem lại các dạng bài, dạng câu hỏi thường gặp. Lưu ý, trong giai đoạn này không nên học tràn lan mà học có chọn lọc, trọng tâm và trọng điểm. Nếu thấy kiến thức chưa vững ở phần nào thì tập trung ôn kỹ ở phần đó; đồng thời kết hợp với luyện tập các dạng đề thi tổng hợp để tự đánh giá năng lực của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.