Quốc tế hóa giáo trình - cần chiến lược dài hơi

GD&TĐ - Cập nhật giáo trình hiện đại được xem là giải pháp đột phá về chất lượng đào tạo mà nhiều trường đại học đang thực hiện.

Sinh viên ĐH Huế nghiên cứu tại khu học liệu. Ảnh minh họa
Sinh viên ĐH Huế nghiên cứu tại khu học liệu. Ảnh minh họa

Quốc tế hóa giáo trình (nhập nguyên) hay dung hòa và làm mới theo đặc thù của đơn vị là những cách làm được nhiều cơ sở giáo dục đại học chọn lựa và triển khai.

Nhiệm vụ nhiều khó khăn

Việc quốc tế hóa giáo trình phần nhiều theo công thức chung là tham khảo giáo trình ở các trường danh tiếng, của học giả, GS đầu ngành trên thế giới, sau đó mua bản quyền, điều chỉnh, viết lại nếu cần thiết cho tương thích với thực tế giảng dạy tại Việt Nam.

Cũng có trường áp nguyên giáo trình nhập khẩu vào dạy cho sinh viên, có trường lược dịch, hoặc viết lại một phần cho phù hợp nội dung đào tạo căn bản từng ngành, chuyên ngành miễn sao việc giảng dạy không quá tách xa (tính tương xứng) với giáo trình chuẩn để bằng cấp, tín chỉ của sinh viên được công nhận.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH), nhà trường chọn lọc, tham khảo các giáo trình tốt nhất từ 100 trường đại học danh tiếng trên thế giới, sau đó hội đồng khoa học của trường thẩm định, chọn lựa dựa trên 3 tiêu chí: Nhà xuất bản nổi tiếng, tác giả nổi tiếng thế giới và sử dụng được cơ sở dữ liệu học liệu, từ đó tiến hành dịch lại dưới sự giám sát của NXB giáo trình ấy.

“Từ năm 2012, nhà trường thành lập Ban đề án để triển khai việc trên nhưng đến năm 2014 mới áp dụng việc giảng dạy giáo trình quốc tế cho hệ sau ĐH, năm 2015 với hệ ĐH. Sinh viên của UEH hai năm đầu học giáo trình được dịch sang tiếng Việt. Nhưng 2 năm sau phải học giáo trình nguyên bản để bảo đảm các nguyên tắc học thuật và chuyên môn. Sau 5 năm triển khai, các ngành học của trường đã giảng dạy bằng giáo trình quốc tế” - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong giờ học.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong giờ học.

Thực tế để có bộ giáo trình phù hợp với yêu cầu chuyển đổi, chuẩn hóa theo định hướng đào tạo của từng trường, môi trường giáo dục tại Việt Nam, theo PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, là việc không hề đơn giản.

“Các trường khi nhập khẩu giáo trình quốc tế ngoài việc phải nâng chuẩn  đội ngũ, còn phải đầu tư nguồn lực lớn cho việc chuyển đổi thư viện sách sang thư viện số; xây dựng bài giảng theo hướng E-Learning, cập nhật dữ liệu giáo trình, phương pháp giảng dạy mới hàng năm lên kho dữ liệu số. Bên cạnh đó, các trường còn phải đầu tư chi phí hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho việc dịch thuật, bổ sung nguồn học liệu mở cho sinh viên - giảng viên. Đây là rào cản lớn khiến không ít trường e dè khi thực hiện việc quốc tế hóa giáo trình” - PGS.TS Hồ Thanh Phong nói.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, điều quan trọng để xây dựng lộ trình, thực hiện quốc tế hóa giáo dục thành công, các trường phải tạo cơ chế mở, khuyến khích giáo viên chuyển đổi, chủ động nâng cao chuyên môn. Đặc biệt phải khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong bài giảng của giáo viên. Với những vấn đề mang tính cụ thể, điển hình theo bối cảnh Việt Nam, giáo viên phải là người chủ động xây dựng, soạn bài giảng bổ sung để bảo đảm hiệu quả tối đa của bài giảng.

“Giáo viên sẽ là người chủ động soạn, Hội đồng chuyên môn khoa, ngành, nhà trường là đơn vị thẩm định và cấp kinh phí (kinh phí cấp bằng một đề tài NCKH cấp trường). Mục tiêu của nhà trường là nội dung bài giảng không quá xa giáo trình gốc, giúp sinh viên học và nằm bắt được mọi vấn đề như sinh viên quốc tế. Chính vì vậy, việc học chuyển đổi, trao đổi sinh viên, thậm chí hoán đổi tín chỉ của sinh viên UEH rất dễ dàng, được các trường quốc tế công nhận. Bởi thực chất nền kiến thức giữa sinh viên UEH và sinh viên quốc tế tại trường danh tiếng không khác gì nhau” - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nói. 

Giáo trình Trường ĐH Kinh tế TPHCM được quốc tế hóa.
Giáo trình Trường ĐH Kinh tế TPHCM được quốc tế hóa.

Vị thế học thuật của trường sẽ tăng

PGS.TS Hồ Thanh Phong nhìn nhận quốc tế hóa giáo trình, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đã và đang gia nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế.

“Trường có 16 ngành đào tạo và giảng dạy theo giáo trình quốc tế. Trong đó, sinh viên chương trình tiếng Anh nhóm ngành quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, răng hàm mặt học hoàn toàn bằng chương trình nhập từ các trường danh tiếng của Mỹ, Anh và Australia. Mục tiêu trước mắt của nhà trường là tạo chất lượng ngang hàng với sinh viên quốc tế của hệ này, trước khi đủ thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng cho chương trình đại trà. Bởi vị thế của một trường đại học trên trường quốc tế chính là danh tiếng học thuật và khoa học” - PGS.TS Hồ Thanh Phong nói.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cũng cho rằng, việc chuẩn hóa chương trình đào tạo, các giá trị học thuật là “chìa khóa” giúp định vị thương hiệu của một trường đại học trên bản đồ thế giới. Vì vậy, nếu làm tốt việc quốc tế hóa giáo trình giảng dạy, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với trường danh tiếng, chắc chắn giá trị thương hiệu và vị thế khoa học của đơn vị ấy sẽ dần tăng lên.

“Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, giai đoạn 2012 - 2014 khi chưa chuẩn hóa và quốc tế hóa giáo trình giảng dạy, trung bình mỗi năm trường chỉ có khoảng 20 bài báo khoa học của giảng viên công bố quốc tế (trong danh mục ISI). Tuy nhiên, sau 6 năm giảng dạy theo giáo trình quốc tế, số lượng bài báo khoa học được công bố trên thế giới của giảng viên mỗi năm lến tới 200 bài, năm 2020 là 250 bài.

Đây là thành tựu từ chính sự chuyển dịch theo định hướng hội nhập, đào tạo theo chương trình quốc tế và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên mà trường quyết liệt theo đuổi. Những bước tiến vượt trội đến từ việc giảng dạy bằng giáo trình quốc tế  gián tiếp thúc đẩy giảng viên chủ động nâng cao chuyên môn, chủ động tìm hiểu phương thức nghiên cứu khoa học, cách thức công bố khoa học theo thông lệ quốc tế, giúp hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn” – GS Hoài nói.

Quốc tế hóa giáo trình cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Đó là chưa kể phải có chiến lược dài hơi cùng thời gian chuẩn bị đội ngũ tương xứng với những thay đổi có tính đột phá trong đào tạo và giảng dạy, đặc biệt là sự chuyển mình của đội ngũ giảng viên. - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ