Giải pháp nào quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam?

GD&TĐ - Làm sao hệ thống đại học trong nước có tên trên bản đồ thế giới về xếp hạng với uy tín đào tạo và nghiên cứu trong top 500 global QS (Bảng xếp hạng đại học thế giới)? -  GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam.

SV Trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: INT
SV Trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: INT

Thách thức mang tính tầm nhìn

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta đang nỗ lực để bắt kịp sự phát triển.

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế hóa phục vụ cho đại đa số học sinh phổ thông tốt nghiệp hàng năm ở lại với hệ thống đại học trong nước.

Làm sao để sinh viên nước ngoài coi hệ thống giáo dục đại học của chúng ta là một nơi mà họ sẽ đến theo xu hướng quốc tế hóa dòng người đến Việt Nam học tập. Làm sao hệ thống đại học trong nước có tên trên bản đồ thế giới về xếp hạng uy tín đào tạo và nghiên cứu. Trả lời các câu hỏi này đòi hỏi một tiếp cận chiến lược hội nhập hệ thống giáo dục theo thông lệ quốc tế.

Hệ thống giáo dục đại học nước ta đang nỗ lực để bắt kịp sự phát triển. Ảnh minh họa
 Hệ thống giáo dục đại học nước ta đang nỗ lực để bắt kịp sự phát triển. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT đã có một nỗ lực dài hạn chuẩn bị các dữ liệu đầu vào cho chiến lược hội nhập quốc tế bằng 50 đề tài thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục quốc gia (CTKHGDQG). Hệ thống đề tài này đã xới lên từ vấn đề triết lý giáo dục trong giai đoạn hội nhập sâu, đến các chủ đề mang tính quốc tế hóa cao như tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo qua giảng dạy e-learning, trực tuyến theo MOOCs, STEM nâng cao tính đổi mới sáng tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ gắn với công bố quốc tế theo tiếp cận nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình… Như vậy CTKHGDQG này từng bước phục vụ các dữ liệu đầu vào cho chiến lược hội nhập quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam.

Hội nhập quốc tế theo thông lệ thế giới

GS Nguyễn Trọng Hoài

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông đề xuất tiếp cận thiết kế chiến lược quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam nên triển khai qua tiếp cận ba bước: phải xuất phát từ khung chiến lược (National Strategy Frame), kế tiếp hình thành chiến lược hội nhập quốc tế hóa hệ thống giáo dục tầm quốc gia (National Strategy), và sau cùng nhưng rất quan trọng là thiết kế kế hoạch triển khai chiến lược (National Blueprint).

Bước một sẽ xác định khung tổng quát các lĩnh vực hội nhập quốc tế phù hợp với bối cảnh quốc gia; bước hai sẽ gắn các khát vọng phát triển hệ thống giáo dục với các trụ cột và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội tầm quốc gia. Bước thứ ba sẽ kiểm soát dữ liệu giám sát việc thực hiện chiến lược từ các bên liên quan và đối sánh với các quốc gia khác.

Ở bước ba cũng thiết kế các giải pháp linh hoạt rút ngắn khoảng cách hệ thống giáo dục hiện trạng và hệ thống giáo dục khát vọng trong giai đoạn chiến lược theo hỗ trợ của giao diện cộng nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và thích ứng chính sách phản ứng hiệu quả theo bối cảnh.

Điểm nhấn theo thông lệ quốc tế là cả ba bước này đều cần có sự đồng thuận cao từ các bên liên quan và có các dữ liệu đầu vào từ bằng chứng thuyết phục của các nghiên cứu khoa học bài bản. Ngoài ra tiếp cận mới này sẽ chú trọng vào kế hoạch triển khai chiến lược hội nhập quốc tế theo tiếp cận blueprint (bản thiết kế chi tiết) thể hiện ba nhóm khát vọng trong kế hoạch triển khai chiến lược là khát vọng quốc gia, khát vọng cơ sở giáo dục và khát vọng người học.

Mặc dù, Việt Nam đã có những tư duy chiến lược hội nhập cho hệ thống giáo dục từ những năm 90 nhưng chưa được triển khai một cách hệ thống và đồng bộ vì chưa ước lượng được khoảng cách giữa hiện trạng và khát vọng của quốc gia, cơ sở giáo dục và người học.

Nguyên nhân chính là tiếp cận chiến lược truyền thống đã chủ yếu hình thành từ một cơ chế hành chính gắn kết yếu với nhiều bên liên quan trong hệ thống giáo dục và đối tác quốc tế; hơn nữa chiến lược hội nhập giáo dục quốc gia khi triển khai chủ yếu dựa vào các văn bản hành chính thiếu các giám sát mang tính định lượng và bằng chứng khoa học đảm bảo các cam kết thực thi hiệu quả các chính sách nhằm đạt được khát vọng quốc gia về hội nhập quốc tế cho hệ thống giáo dục.

Vì vậy, theo tiếp cận xây dựng chiến lược mới, bên cạnh khung chiến lược và chiến lược thì kế hoạch triển khai chiến lược là bước quan trọng theo tiếp cận ba bước cho chiến lược hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục.

Nhằm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đảm bảo tính hội nhập quốc tế,Bộ GD&ĐTthực hiện CTKHGDQG, đã có 40 nghiên cứu thực sự cần thiết gắn với việc xây dựng những nội dung chiến lược và kế hoạch triển khai chiến lược với kỳ vọng giải quyết căn bản đạt được khát vọng của Việt Nam và người học trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, dưới sự tương tác của việc vừa nghiên cứu, các kết quả chuyển giao ban đầu theo tiếp cận vừa nghiên cứu  vừa triển khai và vừa tư vấn chính sách của các đề tài nghiên cứu  từ CTKHGDQG của Bộ GD&ĐT đã được lan tỏa ra các tổ chức quốc tế về đánh giá và đưa ra các tiếp cận quốc tế hóa cho hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ